09/10/2018 09:24 GMT+7

TP.HCM sẽ xây nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm

MAI HOA - TIẾN LONG
MAI HOA - TIẾN LONG

TTO - Ngày 8-10, kỳ họp bất thường của HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng.

TP.HCM sẽ xây nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm - Ảnh 1.

Nhà hát giao hưởng dự kiến xây kế bên giáo xứ Thủ Thiêm tại khu đô thị Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngoài ra, HĐND TP cũng thông qua một số nội dung khác.

Bài học từ Nhà hát Trần Hữu Trang

Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP là công trình mà theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP - là có tầm vóc thế kỷ mà nhân dân TP đã chờ đợi rất lâu, lãnh đạo TP nhiều thời kỳ đã ấp ủ.

Theo tờ trình của UBND TP, nhà hát có quy mô 1.700 chỗ với hai khán phòng (1.200 chỗ và 500 chỗ). Tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng, với nguồn vốn ngân sách TP thu từ bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, Q.1.

Các ý kiến đều thống nhất cao với chủ trương xây dựng nhà hát, tuy nhiên cũng nhấn mạnh bài học từ việc xây dựng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

Nhà hát Trần Hữu Trang được xây với kinh phí 132 tỉ đồng nhưng những lỗi thiết kế khiến sân khấu không đáp ứng được yêu cầu của người làm nghề. 

Sân khấu bị bó hẹp, khoảng cách cánh gà, hậu đài phía bên trong để phục vụ kỹ thuật cũng hạn chế, vì vậy chỉ phù hợp để dàn dựng những vở nhỏ, gọn, ít diễn viên.

Bà Quyết Tâm cũng thừa nhận đây là bài học về vai trò giám sát của HĐND TP chưa tốt, khi xây dựng rồi không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng nếu chỉ đặt mục tiêu văn hóa xã hội thì kiến trúc kỹ thuật mới là quan trọng nhất. 

Còn nếu mục tiêu là tác động kinh tế, du lịch thì phải làm rõ là hiện nay có Nhà hát Hòa Bình 1.300 chỗ, Nhà hát TP 400 chỗ, gần tương đương với hai khán phòng sắp xây dựng, vậy nhà hát mới có khác biệt gì để thu hút khách? Còn nếu là để tổ chức các liên hoan quốc tế thì quy mô như vậy đã đủ chưa?

"Chúng ta đã có khảo sát thị trường nghe nhạc giao hưởng, vũ kịch như thế nào? Sẽ làm giao hưởng mãi, hay sau này chuyển thành nhà hát đa năng, nếu chuyển thành đa năng thì quy mô đó sẽ không đáp ứng được" - đại biểu Thúy băn khoăn.

Nghệ sĩ Trần Vương Thạch - giám đốc Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM - giải thích khán phòng lớn để phục vụ các tác phẩm lớn, kỹ thuật cao, còn khán phòng 500 chỗ ngoài vấn đề biểu diễn còn là phòng thu. 

"Trong dự án này chúng tôi còn chuẩn bị tiền sảnh sẽ là sân khấu ngoài trời biểu diễn cho nhiều ngàn khán giả. Chính trong chức năng đó, dự án mang đủ và phù hợp với sự phát triển hiện nay của TP" - ông Thạch nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Huỳnh Thanh Nhân cũng cho biết theo quy trình, sau khi được thông qua nếu tập trung đến mức cao nhất thì đến cuối năm 2020 mới có thể khởi công được dự án này. 

Với các nhà hát cũ như Nhà hát TP vẫn giữ làm nơi biểu diễn quy mô nhỏ, phát huy thêm mô hình nghệ thuật truyền thống, gắn với tham quan một di tích kiến trúc nghệ thuật.

Trong khi đó với loại hình cải lương, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết lãnh đạo TP rất quan tâm và cũng đã có hướng sẽ có nhà hát cải lương khác đúng tầm.

Đề án sữa học đường: phải đấu thầu minh bạch

Một nội dung khác cũng được tranh luận rất nhiều trước khi thông qua là đề án sữa học đường giai đoạn 2018-2020 với tổng kinh phí thực hiện gần 1.135 tỉ đồng.

Theo đó, từ học kỳ 2 năm học 2018-2019, trẻ mẫu giáo toàn TP và học sinh tiểu học lớp 1 ở 5 huyện ngoại thành, các quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú sẽ được uống sữa 5 lần/tuần, mỗi lần một hộp 180ml trong 9 tháng (trừ 3 tháng hè). 

Với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1, ngân sách TP hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20% và phụ huynh học sinh đóng góp 50%. 

Nếu trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, hoặc sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội thì ngân sách TP hỗ trợ 50%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Sở Giáo dục và đào tạo TP cho biết đã tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh về đề án, phát ra 260.695 phiếu, thu về 231.998 phiếu, với tỉ lệ đồng thuận cho trẻ uống sữa tại trường 5 lần/tuần đạt 84,4%.

Nói về đề án này, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đề nghị phải đấu thầu công khai minh bạch, giám sát chặt chẽ bởi dự án sử dụng nguồn vốn lớn, dư luận rất lo ngại việc móc nối trục lợi, nếu làm không khéo rất dễ mang tiếng.

Đại biểu Tăng Hữu Phong đặt vấn đề: Liệu việc góp 50% kinh phí cho con uống sữa có phải là gánh nặng với những phụ huynh không khá giả? Là bác sĩ, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cho rằng thời gian thực hiện chương trình tương đối ngắn và đặt câu hỏi liệu mục tiêu dinh dưỡng và cải thiện tầm vóc có thực hiện được?

Ông Trí cũng góp ý nên đa dạng hóa các loại sữa, vì ở TP ngoài trẻ em thấp còi thì còn tình trạng béo phì, nếu uống chung một loại sữa là không phù hợp...

Sẽ trình đề án miễn học phí THCS tại kỳ họp tới

Ngoài hai đề án nói trên, kỳ họp HĐND TP cũng đã thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư công với 45 dự án nhóm B có tổng mức đầu tư gần 8.500 tỉ đồng; nghị quyết về phân cấp thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc TP quản lý; quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP.

Trong số này, có nội dung về chủ trương đầu tư với dự án nhóm A (Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP) nhằm thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết việc triển khai các đề án theo nghị quyết 54 đã tạo được những chuyển biến tích cực.

Cụ thể như nghị quyết về thu phí nước thải công nghiệp đã hạn chế việc xả thải, khuyến khích xử lý, tái sử dụng; 23 tuyến đường thu phí đậu ôtô đã có chuyển biến tốt về trật tự đô thị...

Tuy nhiên, ông Phong nhìn nhận cũng có những đề án triển khai chậm, như nghị quyết về thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức được thông qua từ tháng 3 nhưng đến nay mới chỉ làm xong tiêu chí đánh giá cán bộ công chức...

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết UBND TP đã chuẩn bị xong các tờ trình về đề án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; phương án ứng vốn ngân sách TP cho trung ương thực hiện dự án vành đai 3; miễn học phí THCS công lập.

Các đề án này đang xin ý kiến các cơ quan trung ương và sẽ trình HĐND TP trong kỳ họp tới.

Nên xây nhà hát ở Thủ Thiêm Nên xây nhà hát ở Thủ Thiêm Hà Nội bất ngờ dừng xây nhà hát khổng lồ nổi giữa hồ Hà Nội bất ngờ dừng xây nhà hát khổng lồ nổi giữa hồ Xây nhà hát giao hưởng ở Công viên 23-9: kiến trúc sư nói gì? Xây nhà hát giao hưởng ở Công viên 23-9: kiến trúc sư nói gì?
MAI HOA - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên