19/03/2013 04:09 GMT+7

Nên xây nhà hát ở Thủ Thiêm

CẢNH TOÀN
CẢNH TOÀN

TT - Đây là quan điểm của tiến sĩ Michael Waibel, giảng viên chính khoa địa lý kinh tế tại Đại học Hamburg (Đức), về việc TP.HCM chọn xây nhà hát giao hưởng - nhạc - vũ kịch tại công viên 23-9.

Đừng phá mảng xanh ở trung tâm thành phốXây nhà hát giao hưởng ở công viên 23-9: phải có phương án điều tiết giao thôngNgười dân lo chuyện lạm quyền nổ súng là đúng

vBd45hmg.jpgPhóng to
Tiến sĩ Michael Waibel - Ảnh: Q.Định

"Công viên 23-9 không phải là một vị trí tốt để xây nhà hát giao hưởng - nhạc - vũ kịch vì nhà hát sẽ bị lẩn khuất vào “biển tòa nhà” trong khu vực này, từ đó sẽ mất đi tính dễ nhận dạng của một công trình nổi bật"

Tiến sĩ Michael Waibel

Ông Waibel thường xuyên nghiên cứu thực địa tại Việt Nam từ năm 1996 đến nay về các dự án môi trường, năng lượng, phát triển bền vững, quản lý đô thị xanh. Năm 2011 TP Hamburg, nơi ông Waibel đang làm việc, được bầu chọn là “Thủ đô xanh của châu Âu” - một sáng kiến của Ủy ban châu Âu. Chúng tôi giới thiệu ý kiến của ông:

Trước hết, tôi cho rằng việc TP.HCM xây thêm một nhà hát là nên làm. Nhà hát này sẽ là một công trình điển hình với lối thiết kế hiện đại và phong cách quốc tế gây ấn tượng mạnh, trở thành một biểu tượng trong TP. Do những đặc điểm như vậy, cùng việc nhà hát nên xây ở vị trí nhiều người có thể nhìn thấy, tôi gợi ý nơi xây dựng nhà hát có thể là tại vùng giáp ranh bờ sông ở Thủ Thiêm và đối diện với Q.1.

Thủ Thiêm là một địa điểm được lựa chọn để đầu tư nhiều năm qua. Trong tương lai khu vực này cần một công trình cột mốc để thu hút sự chú ý của người dân. Từ trung tâm TP, nếu đi dọc bờ sông sẽ thấy được nhà hát.

Tại Hamburg, chi phí xây dựng một số công trình nhà hát đôi khi đội lên so với kế hoạch ban đầu, đó là chưa kể quá trình thi công cũng bị kéo dài hơn. Nhưng điều cần ghi nhận là kinh phí xây nhà hát không chỉ do Nhà nước cấp mà còn do giới thượng lưu đóng góp. Điều này không khó hiểu, vì những nhà hát tại Hamburg hầu như chỉ phục vụ đối tượng này. Về việc xây nhà hát tại TP.HCM, tôi cho rằng không chỉ dựa vào ngân sách mà nên khuyến khích huy động vốn từ khu vực tư nhân. Và tôi chắc chắn sẽ có rất nhiều người muốn đóng góp xây dựng TP HCM.

Không chỉ là kinh phí, TP nên mở một cuộc cạnh tranh công khai về mẫu thiết kế nhà hát. Chắc chắn sẽ có rất nhiều ý tưởng thiết kế đổ về. Điều tiếp theo là tổ chức quá trình tuyển chọn minh bạch để lựa ra mẫu thiết kế ấn tượng, hiện đại và mang tính quốc tế nhất.

Tôi cho rằng mẫu thiết kế nhà hát nên hướng đến mô hình tòa nhà “đa chức năng” như tại một số đô thị lớn của các nước trong khu vực. Nhà hát có thể tích hợp cả viện bảo tàng, thư viện... Mẫu thiết kế cũng cần phải thể hiện đặc trưng của TP.HCM.

Một nhà hát ở Hamburg luôn có không gian công cộng dành cho mọi đối tượng công chúng đến sinh hoạt. Dù họ không đủ khả năng mua vé xem hòa nhạc thì cũng có thể đến đây thưởng thức thắng cảnh bên sông. Đây cũng là lý do mà tôi gợi ý nên xây nhà hát ở Thủ Thiêm.

Tất nhiên dự án với tầm quy mô thế này, điều trước tiên là cần phải tiến hành đánh giá tác động môi trường và xã hội rõ ràng. Cần phải thực hiện những khảo sát khoa học để tìm hiểu tác động về giao thông, tiếng ồn, sự phát triển... Chính quyền nên công bố minh bạch những báo cáo này cho người dân. Xét ở khía cạnh nào đó, việc xây dựng nhà hát có thể xem là một dịp để chính quyền hiểu được suy nghĩ của người dân và người dân hiểu được quan điểm của chính quyền.

Và tôi chắc chắn rằng nếu tất cả những thao tác này đều được thực hiện thì vị trí tại công viên là không khả thi! Về mặt khoa học, tôi không đủ cơ sở kết luận ngay, nhưng với kinh nghiệm từ Hamburg và nhiều năm nghiên cứu tại Việt Nam, tôi cho rằng không nên xây dựng nhà hát tại công viên 23-9. Đây là một dự án tiêu điểm, tương tự như nhà hát Sydney, do đó không nên xây dựng công trình này ở nơi quá ồn ào, đông đúc.

CẢNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên