Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải đưa phương án “một điểm đến” để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong ảnh: sản xuất ôtô tại Nhà máy Thaco ở Chu Lai (Quảng Nam) - Ảnh: HỮU HẠNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Võ Khang Duy (phó chủ tịch Hội Cơ khí - điện TP.HCM, giám đốc Công ty CP Công nghiệp Ameco) đánh giá cao sáng kiến về mô hình chìa khóa trao tay "one stop" (một điểm đến) của Thaco.
Mô hình hay, mang lại sự cộng hưởng
Theo ông Duy, mô hình này để các doanh nghiệp Việt cùng hợp tác phát triển, tăng nội lực ngành công nghiệp Việt Nam, ở các nước mô hình này cũng mang lại thành công.
Cụ thể, đây là mô hình hay, mang lại khả năng cộng hưởng rất quan trọng cho các doanh nghiệp về vốn, thiết bị, công nghệ… để kết nối các nguồn lực và hệ sinh thái mà Thaco đã xây dựng được. Thứ 2, mô hình này sẽ giúp tăng quy mô của doanh nghiệp, ví dụ trước đây một doanh nghiệp chỉ có doanh thu 100 tỉ đồng, nhưng bây giờ nhờ hệ sinh thái này có thể giúp doanh nghiệp tăng quy mô, từ đó tăng doanh thu.
Thứ 3, các doanh nghiệp sẽ được nâng cao về chất lượng, độ ổn định của sản phẩm, cải thiện được điểm yếu của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Trong đó, khi có sự phân công chuyên nghiệp hơn, mỗi doanh nghiệp chuyên biệt mỗi món hoặc một số món sẽ cho chất lượng sản phẩm đầu ra tối đa, đồng đều và đẩy nhanh tiến độ.
Thứ 4, doanh nghiệp sẽ được cải thiện về vấn đề thị trường, đầu ra của sản phẩm trong khi giá thành cũng cạnh tranh hơn với các nước. Ở đây phải nhìn nhận tiếp thị sản phẩm sẽ phát triển cho không chỉ vài doanh nghiệp, một cụm mà đây là cả nền công nghiệp Việt Nam. Ví dụ, một doanh nghiệp thành công ở Mỹ hay ở châu Âu sẽ kéo theo các ngành công nghiệp cũng được hưởng lợi, bạn hàng quốc tế sẽ có cái nhìn khác về công nghiệp Việt Nam, gia tăng đơn hàng mới.
Tuy nhiên, theo ông Duy, vấn đề quan trọng là phải xây dựng được một platform (nền tảng) để kết nối, xác thực năng lực nội tại của doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi này, tận dụng những ưu thế, tiềm lực của nhau, thay vì chú trọng câu chuyện chuyển nhà máy vào một cụm, gom nhà xưởng về một chỗ.
Doanh nghiệp nhỏ kỳ vọng
Các phương án liên kết sản xuất với Thaco để hình thành chuỗi giá trị, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự hào hứng.
Điều khó nhất mà doanh nghiệp cơ khí vấp phải không phải vấn đề kỹ thuật, mà chưa tìm được đường gia nhập chuỗi cung ứng. Trong ảnh: sản xuất tại Công ty cơ khí Lập Phúc (quận 7, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Trần Hoài Nam, phó chủ tịch Hội Cơ khí - điện TP.HCM, cho biết ý tưởng của Thaco đóng vai trò hạt nhân, kéo theo sự phát triển của ngành cơ khí khiến nhiều doanh nghiệp hào hứng. Tuy nhiên, nếu nhận một đơn hàng và giao cho Thaco gia công, sản xuất nhưng nhà máy ở Quảng Nam sẽ không tối ưu chi phí.
Doanh nghiệp dời nhà máy từ TP.HCM về Quảng Nam, nếu không có cơ chế hỗ trợ về đất đai, thuế sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp cùng nhau tham gia liên kết.
Dù vậy, ông Nam đánh giá nếu có sự hợp tác, dựa trên các thế mạnh của các doanh nghiệp có sự bổ trợ lẫn nhau sẽ phát triển nhanh hơn so với tự thân vận động.
Ông Nguyễn Văn Trí, tổng giám đốc Công ty cơ khí Lập Phúc (quận 7, TP.HCM), cho biết tham gia làm công nghiệp hỗ trợ, có khi chỉ cần sản xuất được chi tiết nhỏ, độ chính xác cao, giá thành cạnh tranh cũng đã thành công. Điều khó nhất mà doanh nghiệp cơ khí vấp phải không phải vấn đề kỹ thuật mà chưa tìm được đường gia nhập chuỗi cung ứng.
Theo kinh nghiệm của Công ty Lập Phúc khi đang cung ứng các khuôn cho Tesla, GM Motor, thông thường, các doanh nghiệp muốn tham gia chuỗi phải được chính nhà đầu tư chỉ định hoặc được cơ quan có uy tín giới thiệu và được xem xét tiếp nhận. Doanh nghiệp cung ứng phải trải qua quá trình đàm phán, tìm hiểu rất kỹ của đối tác.
Như vậy, mấu chốt là tìm cách để "cắm" được vào chuỗi. Phần lớn các doanh nghiệp ngại không dám đầu tư lớn vì ngành cơ khí thâm dụng vốn cao, yếu kém trong việc tìm cách gia nhập chuỗi nên lẹt đẹt tìm hướng phát triển, chứ không hẳn do trình độ công nghệ thấp.
Mời bạn tham gia diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ"
Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo thời cơ chưa từng có cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức lớn đòi hỏi cả doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý phải vượt lên. Để tăng nội lực của ngành công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, từ đó tăng thu nhập cho người lao động và tiềm lực của đất nước, Tuổi Trẻ mở diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ".
Kính mời các doanh nghiệp, hiệp hội chia sẻ kinh nghiệm phát triển, những vướng mắc cần tháo gỡ và các đề xuất. Tuổi Trẻ cũng rất mong nhận được bài vở phân tích, chia sẻ trải nghiệm kèm những sáng kiến từ chính những người làm trong ngành công nghiệp, quý bạn đọc, chuyên gia nhằm thúc đẩy "xã hội sản xuất", giúp phát triển nền công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Bài vở xin gửi về dangdv@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận