04/10/2011 07:31 GMT+7

Xây dựng Luật biểu tình: Nên lập tổ chuyên gia soạn thảo liên ngành

LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA(đại biểu Quốc hội, phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam)
LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA(đại biểu Quốc hội, phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam)

TT - Trong lịch sử hai trăm năm qua của Việt Nam, biểu tình thường là nhằm chống chính quyền phong kiến, thực dân, chống chế độ độc tài, phản động, nên trong cán bộ, công chức và cả trong nhân dân thường có tâm lý rằng biểu tình là chỉ nhằm chống đối, thậm chí chống chính quyền.

Cần xây dựng lại nhận thức rằng biểu tình là những hành vi hợp pháp, văn minh, dân chủ nhằm biểu thị thái độ, tình cảm, quan điểm ủng hộ những điều tốt đẹp và có lợi cho con người, cho đất nước, đồng thời phản đối cái ác, cái xấu, những hành vi phạm pháp, có hại.

Thực tiễn đòi hỏi có Luật biểu tình

Eam9ozz9.jpgPhóng to
Ông Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: N.Triều

Cần phân biệt rõ việc biểu tình với việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện (theo pháp luật về khiếu nại, tố cáo, hình sự hay dân sự) mà đối tượng là những cá nhân hay tổ chức có địa chỉ cụ thể.

Do đó người nêu ra phải có những chứng cứ và chịu trách nhiệm về những ý kiến của mình, thậm chí có thể bị phản tố về tội vu khống. Ngoài ra, nếu biểu tình mà cản trở giao thông, gây mất trật tự, cản trở công vụ hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Biểu tình là quyền cơ bản của nhân dân mà hiến pháp đã quy định, là nhu cầu của người dân, của xã hội, chứng tỏ xã hội ta đã đạt được một trình độ phát triển mới về dân chủ, dân trí và nhân quyền, nên Quốc hội - là cơ quan quyền lực nhà nước do nhân dân bầu ra - có trách nhiệm phải ban hành luật ấy.

Tôi hiểu rằng nếu có Luật biểu tình thì một số cơ quan chức năng bảo vệ trị an sẽ có thêm nhiều việc phải làm. Song, Luật biểu tình là một bước tiến về lập pháp, làm cho xã hội ta phát triển một cách dân chủ, công bằng và văn minh hơn như nghị quyết Đảng đề ra.

Sự cần thiết xây dựng một đạo luật mới không xuất phát từ nhu cầu hay nhận thức chủ quan của đại biểu Quốc hội hay năng lực của cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta xây dựng luật là để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, đất nước và quyền lợi của nhân dân, làm cho các quan hệ xã hội diễn ra một cách trật tự, ổn định, văn minh hơn. Cũng đừng quên rằng một đạo luật ngoài việc tạo hành lang và chuẩn mực pháp lý cho những quan hệ xã hội phát triển, còn trang bị những biện pháp và chế tài phù hợp cho cơ quan quản lý nhà nước.

Thông thường các bộ ngành quản lý nhà nước khi được giao soạn thảo dự án luật thì trước tiên muốn thuận lợi cho công tác quản lý của mình. Do đó, chúng ta cần phải có thay đổi căn bản trong quy trình làm luật. Tôi kiến nghị nên thành lập một tổ chuyên gia do Quốc hội lãnh đạo, cấp kinh phí để đảm nhận việc soạn thảo Luật biểu tình, thay vì giao cho một bộ nào đó.

Tổ này phải bao gồm những chuyên gia pháp lý, những nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ nhiều lĩnh vực có liên quan như xã hội học, quản lý đô thị, công an, ngoại giao, văn hóa, thông tin - truyền thông...

Và để soạn Luật biểu tình cần phải có những bước chuẩn bị thật kỹ lưỡng, từ chỗ đánh giá thực trạng xã hội, khảo sát ý kiến thực tế, đánh giá tác động cho đến tham khảo kinh nghiệm của quốc tế. Xây dựng Luật biểu tình là một công việc phức tạp, mới mẻ đối với nước ta, nên chúng ta cần phải làm một cách thận trọng và khoa học để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả cao nhất.

LS TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA(đại biểu Quốc hội, phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên