30/10/2018 18:39 GMT+7

Cần xây dựng kho học liệu mở, cung cấp các khóa học ĐH miễn phí

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - So với các nước trong khu vực và thế giới, tỷ lệ tiếp cận giáo dục ĐH của Việt Nam rất thấp khi điều kiện học nâng cao còn nhiều khó khăn.

Cần xây dựng kho học liệu mở, cung cấp các khóa học ĐH miễn phí - Ảnh 1.

Giảng viên hướng dẫn một số nội dung môn học dành cho sinh viên theo học chương trình trực tuyến tại Trường ĐH Mở TP.HCM - Ảnh: M.G.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Vai trò của trường ĐH với việc học tập suốt đời của người lớn" tổ chức ngày 30-10 tại Trường ĐH Mở TP.HCM. Hội thảo do Bộ GD-ĐT và Hội khuyến học Việt Nam phối hợp tổ chức.

GS.TS Nguyễn Lộc - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết dựa trên tỉ lệ tổng quy mô sinh viên ĐH (Gross enrolment ratio - GRR, một thước đo mức độ tiếp cận giáo dục), vào năm 2015, nền giáo dục ĐH của toàn thế giới nói chung đang ở giai đoạn cuối của "giáo dục ĐH đại chúng" với giá trị GER trung bình là 36%.

Trong khi đó, mãi đến năm 2004 Việt Nam mới bước sang giai đoạn "giáo dục ĐH đại chúng" với chỉ số GER là 15%, năm 2015 là gần 29%.

Ông Trương Tiến Tùng - Viện ĐH Mở Hà Nội, chia sẻ: mỗi năm Việt Nam có gần 1 triệu thanh niên tốt nghiệp THPT và một lượng lớn thanh niên không tốt nghiệp THPT. Tổng số chỉ tiêu và tuyển sinh vào ĐH của cả nước vào khoảng 500.000, do đó mới chỉ đạt chưa đến 50% số thanh niên vào học ĐH.

"Theo chủ trương của chính phủ, các thanh niên không vào ĐH sẽ được định hướng vào các trường nghề nhằm sớm có trình độ, năng lực tay nghề tham gia vào thị trường lao động. Bên cạnh những người chưa có trình độ ĐH, những người đã có trình độ ĐH cũng rất cần những chuyển đổi, thay đổi ngành nghề. 

Như vậy, số người lớn đang đi làm hoặc đã nghỉ làm có nhu cầu tiếp cận giáo dục ĐH là rất lớn, ước khoảng 65% dân số ở độ tuổi người lớn", ông Trung nói thêm.

Theo các đại biểu, các trường ĐH đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện để người lớn có thể tiếp cận giáo dục ĐH bằng nhiều phương thức đào tạo như từ xa, trực tuyến, vừa làm vừa học, tập huấn ngắn hạn, tổ chức thực hiện các kho tài liệu mở… 

Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai đào tạo cho người lớn nhằm tăng tỷ lệ tiếp cận giáo dục còn nhiều hạn chế do cơ sở hạ tầng, điều kiện thực hiện, giảng viên thiếu kinh nghiệm, học phí cao, chương trình đào tạo chưa phù hợp, liên thông các bậc học khó khăn…

Nhằm giảm chi phí, tạo điều kiện cho nhiều người học tiếp cận giáo dục ĐH, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xây dựng kho học liệu mở, cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí. 

Nhiều tổ chức trên thế giới đã xây dựng các nền tảng công nghệ chia sẻ các khóa học trực tuyến miễn phí, hình thành khái niệm MOOC. 

GS.TS Nguyễn Lộc cho rằng cần chú trọng tăng cường sự mở trong các trường ĐH và giữa các trường ĐH, chủ động phát triển MOOC, áp dụng công nghệ tiên tiến để phát triển mạnh đào tạo từ xa và MOOC.

84,61% người học ĐH từ xa trong độ tuổi 25 đến 50

Theo số liệu khảo sát từ Viện ĐH Mở Hà Nội, trong số 22.014 người học ĐH từ xa tại viện này từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ người học sau độ tuổi THPT khá cao, khoảng 86,9% từ 25 tuổi trở lên.

Đặc biệt ở độ tuổi từ 25 đến 50 tuổi chiếm tỷ lệ 84,62%, trên 50 tuổi có 501 người (2,28%), thậm chí từ 60 tuổi trở lên có 150 người. Thực tế này thấy rằng nhu cầu nguời học lớn tuổi là khá cao.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên