Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng cần tiếp tục cải thiện nhiều vấn đề, trong đó phải thay đổi thói quen của cán bộ trong việc gửi, nhận văn bản điện tử - Ảnh: NGỌC HIỂN
Tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai quyết định số 28 của Thủ tướng về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước tổ chức Hà Nội sáng 15-11, ông Mai Tiến Dũng cho biết từ 12-3-2019 đến nay, tất cả 95 cơ quan trung ương và các địa phương đã hoàn thành 2 cấp chính quyền thông qua trục liên thông văn bản quốc gia.
Trong đó, đã có hơn 230.000 văn bản điện tử gửi, hơn 627.000 văn bản điện tử nhận từ các cơ quan thông qua trục này.
Theo ông Dũng, đây là những kết quả đáng ghi nhận trong quá trình hướng đến nền quản trị hành chính hiện đại, thông minh và không giấy tờ.
Tuy vậy, người phát ngôn của Chính phủ cho biết đây chỉ là kết quả bước đầu. Sắp tới các cơ quan vẫn tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để đạt mục tiêu Chính phủ đề ra, bao gồm tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo về giá trị pháp ly cho các văn bản điện tử, cải thiện việc lưu trữ điện tử và đặc biệt là phải thay đổi thói quen, phương thức xử lý văn bản trên môi trường mạng của cán bộ, công chức.
Theo văn phòng Chính phủ, việc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử hiện nay vẫn còn tồn tại, hạn chế như việc gửi, nhận phát sinh lỗi, văn bản giấy đến chậm so với văn bản điện tử, văn bản không đính kèm tài liệu, một văn bản gửi nhiều lần, một số cơ quan chưa nhận phản hồi trạng thái kịp thời…
Văn phòng Chính phủ cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử và triển khai nhận, gửi văn bản tại các bộ, ngành, địa phương, tăng cường hạ tầng… để hướng đến mục tiêu nền quản trị hành chính hiện đại, 100% đơn vị hành chính cấp nhà nước gửi, nhận văn bản điện tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận