17/04/2024 08:15 GMT+7

Xã tắc trách quản lý đất đai, cả tỉnh lo gỡ

Bán và đổi đất sở hữu nhà nước cho hộ gia đình nhưng UBND xã không cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh đi qua đất này, tỉnh Quảng Trị đau đầu tìm cách đền bù đất đai cho dân hợp tình hợp lý.

Ông Lê Đức Tiến (giữa) - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - trao đổi với ông Nguyễn Vĩnh (trái), một trong ba hộ dân vướng khó để bàn phương án giải quyết - Ảnh: HOÀNG TÁO

Ông Lê Đức Tiến (giữa) - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - trao đổi với ông Nguyễn Vĩnh (trái), một trong ba hộ dân vướng khó để bàn phương án giải quyết - Ảnh: HOÀNG TÁO

Các hộ dân đã nhiều năm đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được giải quyết. Theo luật hiện hành, nhà đất của họ không thuộc diện được đền bù do trên giấy tờ vẫn là đất công.

Chơi vơi không biết đi đâu về đâu

Gia đình chị Đặng Thị Thanh Phương (thôn Bến Hà, xã Linh Trường, Gio Linh) có hơn 300m2 nhà ở, quán tạp hóa và đất phải giải tỏa cho công trình cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh. Nhiều tháng qua, cả gia đình não nề, không thiết buôn bán vì vẫn chưa rõ phương án đền bù đất và tài sản. 

"Gia đình tôi bấp bênh giữa dòng cao tốc, chỉ biết chờ đợi trong âu lo, thấp thỏm. Không biết dời đi đâu, cũng không có kế hoạch cuộc sống sắp tới khi chưa rõ thông tin về việc đền bù", chị Phương nói.

Tháng 12-2012, xã Linh Thượng (cũ) thanh lý 316m2 đất Trường mầm non Linh Thượng cho gia đình chị Phương với giá 90 triệu đồng. Lý do thanh lý là trường mầm non đã xuống cấp, được xã bố trí đất khác để xây dựng mới. Số tiền thu được, UBND xã Linh Thượng chi tu sửa trụ sở làm việc và các hoạt động của xã.

Đất không có tranh chấp, ngay sau khi mua đất, chị Phương vay tiền xây dựng nhà kiên cố, quán tạp hóa ngay mặt tiền đường Hồ Chí Minh. 

"Gia đình tôi nhiều lần lên xã hoàn thiện hồ sơ để đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trường mầm non sang hộ gia đình nhưng không được cán bộ giải quyết. Họ cứ đùn qua đẩy lại mà không nói rõ lý do. Đường của quốc gia thì gia đình ủng hộ di dời, nhưng đến nay tôi vẫn không biết nhà mình có được đền bù hay không, rồi dời đi đâu nên rất chơi vơi", chị Phương nói.

Tương tự, gia đình bà Hồ Thị Bình sinh sống ổn định trên mảnh đất rộng 2.112m2 tại thôn Bến Hà từ năm 1980. Đến 1998, gia đình này hiến phần đất trên cho Trường THCS xã Linh Thượng để làm nhà công vụ giáo viên. Năm 2002, phần đất này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà trường.

Tuy nhiên, năm 2005, nhà trường chuyển đến vị trí mới, thống nhất trả lại phần đất hiến tặng cho gia đình bà Bình. Bà Bình làm nhà, trồng trọt trên đất ổn định, không tranh chấp từ đó đến nay.

Đầu năm 2004, Trạm y tế xã Linh Thượng xây dựng mới nhưng không đủ diện tích nên đã đổi đất với hộ ông Nguyễn Vĩnh.

Ông Vĩnh chuyển đến ở trên mảnh đất rộng 912m2 hiện tại, còn đất cũ của gia đình bàn giao xây dựng trạm y tế mới. 20 năm qua, ông Vĩnh nhiều lần làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng "qua hai đời cán bộ địa chính xã" vẫn không làm được.

Tháng 10-2023, cả ba đơn vị là Trạm y tế, Trường mầm non và Trường THCS Linh Trường đều có đơn không có nhu cầu sử dụng đất mà ba hộ dân này xây dựng nhà ở kiên cố.

Xã làm sai, người dân gánh thiệt thòi

Năm 2019, xã Linh Thượng nhập với xã Vĩnh Trường thành Linh Trường hiện nay. Các cuộc họp dân do xã Linh Trường tổ chức đều thống nhất ba hộ dân này có quá trình sử dụng đất như trên, không tranh chấp, không tự ý lấn chiếm. 

Theo UBND huyện Gio Linh, có tồn tại hiện nay là do UBND xã Linh Thượng làm sai nên ảnh hưởng đến người dân. Việc làm nhà ở, công trình trên đất công của ba hộ dân là có sự thống nhất của chính quyền xã Linh Thượng và các cơ quan, đơn vị liên quan, không phải lỗi của ba hộ dân.

Ông Võ Đắc Hóa - chủ tịch UBND huyện Gio Linh - thông tin: "Nếu các cơ quan đã hướng dẫn, thực hiện các thủ tục thì ba hộ này đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và được bồi thường, hỗ trợ với số tiền 12,7 tỉ đồng, đủ điều kiện bố trí tái định cư".

Tuy nhiên, về mặt giấy tờ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ba hộ dân này đang đứng tên cơ quan nhà nước, là đất công nên theo quy định sẽ không được đền bù, hỗ trợ.

Từ tháng 10-2023 đến nay, tỉnh Quảng Trị có nhiều phiên họp bàn, đi thực tế nhưng vẫn chưa có phương án hợp tình hợp lý với ba hộ dân này. Huyện Gio Linh đưa ra phương án hỗ trợ 50% hoặc 80% nhà ở, công trình, không đền bù đất có vận dụng thêm thẩm quyền riêng của chủ tịch UBND tỉnh để nâng mức hỗ trợ cho các hộ dân.

Ông Lê Đức Tiến - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho hay: "Sở Tài nguyên và Môi trường đang họp xem xét đề nghị của UBND huyện Gio Linh. Căn cứ các quy định pháp luật, nếu vượt thẩm quyền của UBND tỉnh thì phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy".

Trong khi đó, tỉnh Quảng Trị đã bốn lần chậm bàn giao mặt bằng cao tốc và cam kết bàn giao 100% tuyến chính vào cuối tháng 4-2024.

Lãnh đạo văn phòng đăng ký đất đai bị tố cấp giấy sai, tự ý dời ranh cọcLãnh đạo văn phòng đăng ký đất đai bị tố cấp giấy sai, tự ý dời ranh cọc

Lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang bị tố cấp giấy sai, không đúng diện tích và tự ý dời ranh cọc gây thiệt hại cho người dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên