04/02/2014 16:25 GMT+7

Xa quê nhưng không lìa cội

TRẦN ĐỨC ANH SƠN
TRẦN ĐỨC ANH SƠN

TTXuân - Họ là những người đã giúp đỡ chúng tôi trong chuyến đi làm phim về chủ quyền biển đảo Việt Nam ở nước ngoài do Đài truyền hình TP.HCM thực hiện năm 2013. Người trong nước gọi họ là Việt kiều, nhưng họ thì tự nhận: “Chúng tôi là người Việt ở xa quê”.

W0ZEhWRE.jpg
Ông Trần Thắng tại triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa, những bằng chứng lịch sử” tại TP.HCM tháng 8-2013 - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Họ đều là những người tuy ở xa quê hương nhưng tấm lòng vẫn hướng về Tổ quốc, và luôn ước mong cho chủ quyền và lãnh thổ quốc gia mãi mãi vững bền.

1.Kỹ sư Trần Thắng, chủ tịch Viện Văn hóa giáo dục Việt Nam (VCE) ở Hoa Kỳ, là người đã nỗ lực sưu tầm gần 170 bản đồ và bốn cuốn atlat chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để trao tặng thành phố Đà Nẵng. Làm giấy tờ mời chúng tôi sang Mỹ làm phim, ông thu xếp thủ tục xin visa, giới thiệu các học giả để chúng tôi phỏng vấn, tìm kiếm các nguồn tư liệu để đoàn đến quay phim, sao chụp.

Nhờ sự giới thiệu của Trần Thắng, đoàn làm phim đã tiếp cận được kho tư liệu về Việt Nam tại thư viện của Viện Harvard - Yenching (Đại học Harvard) để quay những tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa đang lưu trữ nơi đây. Ông cũng mời chúng tôi đến nhà của ông ở thành phố West Harford (bang Connecticut) để ghi hình những tấm bản đồ Hoàng Sa - Trường Sa mà ông vừa sưu tầm được, chuẩn bị chuyển giao cho Đà Nẵng. Trần Thắng còn liên lạc với các giáo sư người Việt ở Đại học Harvard, Yale, New York, George Mason, Maine… và các học giả người Mỹ để đoàn làm phim đến phỏng vấn.

Ông đi lại như con thoi giữa Boston - Connecticut - New York để thu xếp các cuộc gặp mặt, thuyết trình, phỏng vấn cho đoàn làm phim. Cuối tuần, Trần Thắng lái xe từ West Harford đến New York trợ giúp dẫn đoàn làm phim những nơi cần đến để tìm tư liệu và quay phim ở New York. Tờ mờ sáng thứ hai, ông lại lái xe trở về West Harford để kịp giờ đi làm ở Công ty sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney. “Người Việt mình ở đâu cũng vậy, gặp nhau là thấy quê hương” - ông Thắng nói.

NakZYRkI.jpg
Bác sĩ Kiều Quang Chẩn trả lời phỏng vấn đoàn làm phim ở Santa Ana - Ảnh: Phạm Xuân Nghị

2. Bác sĩ Kiều Quang Chẩn ở thành phố Santa Ana (bang California) cùng với vợ là bác sĩ Quỳnh Kiều đã gầy dựng dự án Project Vietnam vào năm 1997, được Viện hàn lâm Y khoa Hoa Kỳ công nhận và bảo trợ, nhằm trợ giúp những bệnh nhi Việt Nam dị tật hàm, mặt. Hằng năm, Project Vietnam đều mời các chuyên gia y tế giỏi ở Mỹ (như GS Steve Ringer ở Đại học Harvard, GS Ronald Clarke ở Đại học Stanford…) về Việt Nam tổ chức hội thảo, mở các lớp huấn luyện ngắn hạn cho các bác sĩ, điều dưỡng viên và nữ hộ sinh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trong các chuyên khoa nhi, sơ sinh, cấp cứu…

Ngoài chuyên môn y khoa, Kiều Quang Chẩn còn là nhà sưu tầm cổ vật, là chuyên gia về văn hóa Đông Sơn. Vì thế khi chúng tôi mời ông trả lời phỏng vấn về sự lan tỏa của văn hóa Đông Sơn đến các quốc gia lân cận trong khu vực Đông Nam Á bằng đường biển, ông đã vui vẻ nhận lời. Ông mời chúng tôi đến phỏng vấn tại tư gia, cũng là để thăm bộ sưu tập cổ vật và “kho tàng” di sản văn hóa Việt Nam mà ông đã tích cóp, gầy dựng trong suốt mấy chục năm rời xa quê nhà.

Trong vườn nhà ông, ngoài tòa biệt thự kiểu phương Tây, còn có một ngôi nhà rường ông mua từ Nghệ An chuyển sang và phục dựng như nguyên bản. Trong ngôi nhà truyền thống ấy, ông bày biện, thiết trí bàn thờ, hoành phi, đối liễn… và trưng bày hàng trăm cổ vật Việt, tạo nên một không gian thuần Việt trên đất Mỹ. Và trên khoảng sân rộng trước nhà, ông dựng một trụ đồng khắc các kiểu thức hoa văn của trống đồng Đông Sơn và dòng chữ Hán hàm ý: Nước Việt tồn tại, vững như trụ đồng này.

OkL7bS3l.jpg
TS Ngô Văn Tuấn - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

3.Tiến sĩ Ngô Văn Tuấn là chuyên gia cao cấp công tác tại Cộng đồng châu Âu. Hiện ông làm việc cho Tổ chức quốc tế phát triển Việt Nam ở Hà Lan và là thành viên nghiên cứu của Viện Bang giao quốc tế Hà Lan có trụ sở ở Den Haag. Rời quê hương từ năm 1980, ông Tuấn chưa một lần trở lại Việt Nam nhưng luôn quan tâm đến tình hình đất nước. Đọc báo biết tin thành phố Đà Nẵng tổ chức trưng bày bản đồ và bằng chứng lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông Tuấn đã liên lạc với kỹ sư Trần Thắng và tôi để bàn việc phối hợp với Trần Thắng và thành phố Đà Nẵng tổ chức trưng bày các bản đồ và tư liệu này ở Hà Lan vào năm tới.

Trước khi chúng tôi đến Hà Lan, ông Tuấn đã liên lạc với các học giả, chuyên gia về lịch sử và công pháp quốc tế ở Hà Lan để giới thiệu nội dung của bộ phim và mời những người này trả lời phỏng vấn của đoàn làm phim. Nhờ sự tiến cử này, chúng tôi đã có cơ hội tiếp xúc và phỏng vấn các nhân vật tiếng tăm ở Hà Lan. Biết đoàn đi lâu thèm món ăn quê nhà, ông Tuấn đã mời đoàn đến thăm nhà ông và mở tiệc Việt Nam để chiêu đãi cả đoàn. Ông đã dành cả một ngày trời để tìm mua thực phẩm Việt Nam rồi hì hục nấu nướng, làm nên một bữa tiệc thuần túy Việt Nam trên đất Hà Lan để đãi khách.

Vậy nhưng suốt bữa ăn, ông không hề đụng đũa mà chỉ say sưa nói về những gì ông đã làm để giúp đỡ Việt Nam và để phát triển mối quan hệ giữa Hà Lan với Việt Nam. Ông say sưa nói về dự án triển lãm tư liệu Hoàng Sa ở Den Haag mà ông đang ấp ủ. Sau cùng, ông đứng dậy đến bên tấm bản đồ TP.HCM treo trên tường phòng ăn, chỉ cho chúng tôi vị trí ngôi nhà xưa của ông ở trung tâm quận 1 và kể về nơi ấy với một nỗi niềm nhớ nhung da diết.

9HR8seEN.jpg
Nhà nghiên cứu Philippe Truong trao đổi về gốm sứ cổ Việt Nam với TS Eva Stroeber, quản thủ Bảo tàng Nghệ thuật Dresden - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

4.Philippe Truong không làm cho một cơ quan hay tổ chức nào ở Pháp. Ông là một nhà nghiên cứu độc lập, chuyên khảo cứu cổ vật Việt Nam và cổ vật châu Á. Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Louvre, chuyên ngành mỹ thuật châu Á đã hơn 20 năm nay, Philippe Truong là chuyên gia về gốm sứ Việt Nam được nhiều bảo tàng ở Hoa Kỳ và châu Âu mời làm cộng tác viên giám định cổ vật, được nhiều hãng đấu giá cổ vật danh tiếng ở Pháp mời làm giám tuyển cho các cuộc đấu giá cổ vật châu Á. Cũng nhờ vậy nên ông có mối quan hệ tốt với nhiều thư viện, văn khố, bảo tàng ở Pháp và châu Âu.

Trước khi sang Pháp, tôi gửi cho Philippe Truong danh mục những bản đồ và tư liệu cần tìm trong các thư viện và kho lưu trữ ở Pháp. Ông sốt sắng nhận lời, rồi liên lạc với những nơi cần thiết để tra cứu, tìm kiếm tư liệu giúp chúng tôi. Có được thông tin cần thiết, Philippe Truong xúc tiến làm thủ tục để đoàn làm phim có thể tiếp cận và quay phim những tư liệu này. Ông đã cung cấp cho chúng tôi một danh mục gồm 36 bản đồ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đang lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Pháp.

Khi đến Paris, Philippe Truong đưa chúng tôi đến nơi này để quay phim những tấm bản đồ ấy. Trong số đó có tấm bản đồ do anh em Van Langren vẽ năm 1595, là một trong những bản đồ sớm nhất do phương Tây xuất bản, ghi nhận mối liên hệ địa lý giữa Hoàng Sa - Trường Sa với lãnh thổ Việt Nam đương thời; hoặc tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ do giám mục Jean Louis Taberd vẽ năm 1838 có ghi dòng chữ “Paracel seu Cát vàng” (Paracel tức là Cát vàng) đã quen thuộc với công chúng Việt Nam trong các cuộc triển lãm “Bằng chứng Hoàng Sa” suốt năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên có một nhóm người Việt Nam được tiếp cận bản gốc tấm bản đồ này. Đó là nhờ công của Philippe Truong.

Ông còn đưa một nhóm phóng viên trong đoàn làm phim đến INA, cơ quan lưu trữ phim ảnh quốc gia Pháp, để tìm kiếm và sao chép các phim tư liệu về Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương đang được lưu giữ nơi đây.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên