Di tật đầu nhỏ gây não ngắn và chậm phát triển ở trẻ sơ sinh - Ảnh: Reuters |
AFP cho biết WHO đang chịu áp lực nặng nề trong việc phải giải quyết nhanh các trường hợp di tật đầu nhỏ của trẻ sơ sinh gây não ngắn và chậm phát triển do virút Zika gây ra.
Trước đó tổ chức sức khỏe của LHQ này đã thừa nhận phản ứng chậm trước dịch Ebola khiến cho khu vực Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề.
Tổng giám đốc WHO Margaret Chan cho biết một cuộc họp giữa các chuyên gia y tế toàn cầu đã lập nên một ủy ban khẩn cấp và đồng ý về "mối quan hệ nhân quả giữa nhiễm Zika trong khi đang mang thai và dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh dù không có chứng minh khoa học".
"Dị tật đầu nhỏ và biến chứng thần kinh khác tạo ra một tình huống bất thường và mối đe dọa sức khỏe cộng đồng cho những khu vực khác trên thế giới" - bà Chan nhận định.
Tuần trước WHO đã cảnh báo virút Zika do muỗi truyền sang người đã "bùng nổ lây lan" tại các quốc gia châu Mỹ và nhận định rằng khu vực này có thể có đến 4 triệu trường hợp nhiễm Zika trong năm nay.
Người chủ trì cuộc họp của ủy ban khẩn cấp LHQ David Heymann nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tìm ra bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa dị tật đầu nhỏ và hội chứng Guillain Barre do virút Zika gây ra.
Tuy nhiên ông Heymann cũng thừa nhận rằng việc chứng minh mối liên quan trên sẽ "mất nhiều thời gian".
Brazil là quốc gia đầu tiên cảnh báo về cuộc khủng hoảng Zika và trở thành quốc gia bị ảnh hưởng tồi tệ nhất với khoảng 4.000 trường hợp nghi ngờ dị tật đầu nhỏ, trong đó 270 trường hợp đã được xác nhận.
Colombia cũng đã báo cáo khoảng 20.000 ca nhiễm Zika, trong đó có 2.100 thai phụ.
"Hiện tại chúng ta đang nói về tỉ lệ 2,3 trường hợp mắc hội chứng Guillain Barre trên mỗi 1.000 bệnh nhân Zika. Đó là con số khá lớn" - Bộ trưởng y tế Colombia Alejandro Gaviria cho biết.
WHO cũng nhấn mạnh việc cần cải thiện chẩn đoán bệnh Zika và phát triển một loại vắcxin ngừa Zika - căn bệnh mà hiện nay không có hướng điều trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận