25/04/2014 11:51 GMT+7

Vượt qua bóng đen hận thù

HOÀNG ĐIỆP - BẢO HÀ
HOÀNG ĐIỆP - BẢO HÀ

TT - Có một điều xúc động không giống với logic thông thường. Đó là khi một người vợ nhớ về người chồng của mình đã bị đâm chết dã man cách đây gần 20 năm trước với một sự thanh thản.

Kỳ 1: Nỗi ân hận ngàn ngày Kỳ 2: Chuyện của một phạm nhân - bác sĩ Kỳ 3: Cái bạt tai, một mạng người và...

YXabWxDi.jpgPhóng to
Phạm nhân Trần Chinh và bà Nguyễn Thị Mỹ tại trại giam Thủ Đức - Ảnh: H.Đ.

Còn khi nhắc đến hung thủ, đọc những dòng thư xin lỗi của người gây ra nỗi đau tột cùng ấy, bà lại rưng rưng một dòng lệ cảm thương.

Trong căn nhà nhỏ tại quận 9, TP.HCM, người phụ nữ mất chồng ấy đang sống cùng vợ chồng con gái. Nói về việc đau lòng ấy, bà không còn căm hận kẻ đã tước đi mạng sống chồng bà mà cảm thán: “Thương nhất là con của Chinh”...

Không hiểu sao người ta lại giết chồng mình

Ký ức về người chồng quá cố khi cả gia đình còn đông đủ là một đoạn ký ức đẹp nhất trong cuộc đời bà Mỹ: “Ổng lành lắm, không bao giờ la rầy hay đánh các con. Với má tôi cũng vậy. Bà thương chồng tôi vô cùng. Bao nhiêu năm sống chung dưới một mái nhà với má vợ và gần 20 anh em vợ mà chưa một lần ổng to tiếng với ai. Trong nhà tôi khi ấy chưa từng xuất hiện một tiếng chửi thề. Hồi đó tôi bán cà phê ngay tại nhà mình, còn ổng làm thợ tiện ở một xưởng đông lạnh cách nhà cũng không xa. Thu nhập của hai vợ chồng tuy không cao nhưng cũng đủ chi tiêu và rất đầm ấm”.

Vào giữa những năm 1990, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Phương và bà Nguyễn Thị Mỹ sống tại nhà má bà Mỹ cùng gần 20 anh em của bà Mỹ. Ba bà Mỹ khi đó đã mất, chỉ còn lại má nhưng anh em chung sống hòa thuận, hết lòng yêu thương nhau.

Khi đó, ba đứa con của bà Mỹ đang tuổi mới lớn. Con trai lớn tên Phi 15 tuổi, con gái kế và út vừa ở tuổi 12, 13 chưa từng phải nghe người lớn to tiếng. Mảnh đất hương hỏa của cha mẹ bà Mỹ ở P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM rộng rãi, ngoài phần đất ở đủ cho mấy chục người còn dư ra một diện tích để cho thuê làm bãi đậu xe, tăng thêm thu nhập cho đại gia đình.

Thế rồi cũng chính từ việc kinh doanh ấy lại mang tới câu chuyện buồn của ngày 23-5-1996. Cả gia đình bà Mỹ không bao giờ nói nặng lời với nhau nên khi thấy người của các hãng xe tranh cãi với nhau họ rất khó chịu. Ông Phương khi đó cũng chỉ vì muốn can ngăn những người lạ thôi tranh cãi mà tỏ thái độ với một cậu thanh niên tên Ớt (tên thường gọi của Trần Chinh mà bà Mỹ nhớ khi đó đã có người gọi cậu thanh niên ấy như vậy).

Chính điều đó đã khiến cậu thanh niên tức giận. Sau khi uống rượu, cậu ta đã đâm ông Phương nhiều nhát. Bà Mỹ nói bà không được chứng kiến tận mắt hành động dã man ấy, nhưng khi vào viện thấy thi thể chồng không còn nguyên dạng bà không thể chịu đựng nổi sự đau đớn. Khi đó bà cũng không biết người đâm chết chồng mình là ai, còn bản thân ông Phương cũng không rõ tên người thủ ác. Bà Mỹ chỉ nghe em gái kể lại, trên đường đi cấp cứu chồng bà kịp nói một câu: “Anh đi bệnh viện một lát rồi anh về nói chuyện với cậu ấy. Chắc cậu ấy nóng giận quá”. Nhưng rồi mãi mãi ông không tỉnh lại nữa.

Cả bốn mẹ con bà Mỹ hôm đó đều ngất xỉu.

Chồng mất khi bà Mỹ mới ngoài 40 tuổi, nhưng thương các con và lo những chuyện không may có thể xảy ra với hai con gái nhỏ nên bà Mỹ chưa từng nghĩ tới chuyện đi bước nữa. Nguyện vọng lớn nhất trong suốt gần 20 năm nay là các con luôn khỏe mạnh và có cuộc sống hạnh phúc. Giờ đây cậu con trai lớn phụ các cô bán hàng ăn, còn hai cô con gái đã lập gia đình. Bà Mỹ trở thành bà ngoại. Bà vui vẻ tâm sự: “Cả gần chục năm nay sống chung với con gái và con rể tôi rất hài lòng. Được cả hai chàng rể hiền lành, chưa từng có một cử chỉ thất lễ nào với mẹ vợ. Các cháu khỏe mạnh và ngoan ngoãn, tôi đã chẳng mong gì hơn thế nữa”.

Và điều mà bà Mỹ cảm thấy may mắn nhất là không chỉ bản thân mà cả ba con của bà đã bước qua được bóng đen của hận thù. Bà Mỹ cho biết khi chuyện mới xảy ra và cả mấy năm sau, các con bà giận lắm: “Chúng nó còn bảo gặp kẻ giết ba đâu là đánh đó. Tôi khi đó cũng giận lắm nhưng lo một điều nếu con mình đánh người ta, vậy chẳng phải cũng lại phạm pháp. Thù giận như vậy được lợi gì. Người mất cũng đã mất rồi...”.

Nhưng nhiều năm qua đi, cho đến khi Chinh bị bắt sau hơn chục năm bỏ trốn, các con bà đã không còn giận như lúc đầu nữa. Khi bà khuyên các con nên tha thứ, cả ba con đã đồng ý cho bà làm đơn bãi nại và chỉ mong tòa xét xử đúng người đúng tội.

xNpjGcdw.jpgPhóng to
Bà Mỹ cùng các cháu ngoại - Ảnh: Bảo Hà

Thương nhất con của Chinh

Và đến khi nhận đươc thư của Trần Chinh từ trại giam, không riêng bà Mỹ mà cả ba con của bà đều đã khóc vì cảm động. Má con bà cảm động không bởi những lời xin lỗi hay ăn năn của Chinh mà bởi vì thương cho số phận không hề may mắn của người đàn ông ấy.

Bà Mỹ nói rằng qua những lần gặp gỡ người thân của Chinh và những gì Chinh kể trong thư, bà tin rằng cuộc sống của cậu ấy không vui vẻ, không được quan tâm và yêu thương. “Tôi thấy thương cậu ấy. Cả chục năm sống chui nhủi, lập gia đình rồi nên cậu ấy đã hiểu rõ sự mất mát của tôi đau đớn thế nào. Khi làm chuyện xấu cậu ấy còn quá trẻ, sự tức giận, bồng bột và thiếu nhận thức do không được học hành tới nơi tới chốn đã hại cả cuộc đời... Đó là cái giá lớn nhất cậu ấy phải trả rồi”.

Cầm lá thư Chinh viết trên tay, đọc lại một lần nữa những lời trong bức thư ấy, bà Mỹ vẫn không cầm nổi nước mắt. Bà bảo giờ thương nhất là vợ và con của Chinh. Trong những năm tháng chạy trốn, Chinh đã lấy vợ và sinh con trong nỗi lo sợ, ân hận lẫn giày vò. Dù giấu vợ và gia đình vợ thì bà biết Chinh cũng không sung sướng gì. “Tôi đã gặp vợ Chinh. Tôi cũng nói với cô ấy ráng làm sao giải thích để cháu bé hiểu sai lầm mà ba cháu gây ra chuyện ngoài ý muốn. Con bé còn nhỏ thế, lại là con gái, nếu không giải thích cho cháu hiểu, sau này lớn lên sẽ mang một mặc cảm quá lớn: cha mình là kẻ giết người. Tội lắm!”.

“Về phần Chinh, bản án 20 năm dài đằng đẵng tôi thật không muốn. Nếu có thể, Nhà nước khoan hồng cho cậu ấy ở tù vài năm thôi cũng được, để cậu ấy về làm lại cuộc đời, nuôi vợ con” - bà Mỹ chia sẻ thêm.

Điều duy nhất khiến bà Mỹ cảm thấy tủi thân khi nghĩ đến gia đình thân yêu của mình là chuyện hai người con lớn không được học tới nơi tới chốn: “Những năm sau khi ổng mất, mấy má con tôi cơ cực lắm. Dù hai bên nội ngoại mỗi người góp một tay giúp đỡ nhưng hai đứa con lớn của tôi cũng chỉ có thể học hết lớp 9. Tôi vẫn nhớ các cháu nói má ơi chúng con không có can đảm học tiếp nữa, không thể để má cực thêm nữa. Nhớ lại mà thắt lòng”.

Đang mơ màng, nụ cười hồn nhiên của hai cháu ngoại đã kéo bà Mỹ về với thực tại. Nhìn các cháu vui vẻ, nụ cười thanh thản lại rạng rỡ trên môi bà.

Kỳ tới: Mơ ước tuổi 50

HOÀNG ĐIỆP - BẢO HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên