06/09/2015 08:50 GMT+7

​Vượt lên nghiệt ngã

Cô NGUYỄN THỊ HÀ - NGỌC DƯƠNG ghi
Cô NGUYỄN THỊ HÀ - NGỌC DƯƠNG ghi

TT - Cuộc đời của Nguyễn Khắc Trung Tín như một cuốn phim về một số phận nghiệt ngã, nỗi đau chồng chất nỗi đau. 15 năm qua là một chuỗi ngày khốn khổ của cậu học trò ấy.

Tín cùng bà nội sau khi nghe tin đậu đại học - Ảnh: Ngọc Dương

Tôi được phân công về chủ nhiệm lớp 10B1 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế).

Trong lớp có một học trò rất đặc biệt tên Nguyễn Khắc Trung Tín, gây ấn tượng mạnh đối với tôi về ý chí vượt lên số phận nghiệt ngã.

Và tôi đã theo dõi từng bước đi của em trong suốt ba năm học qua. Cuộc đời của Tín như một cuốn phim về một số phận nghiệt ngã, nỗi đau chồng chất nỗi đau. 15 năm qua là một chuỗi ngày khốn khổ của cậu học trò ấy.

Một buổi ra đồng, một buổi đến trường

Năm Tín mới 3 tuổi thì mẹ bị tai biến và qua đời khi mới 29 tuổi. Hơn một tháng sau, cha em cũng giã từ cõi đời ở tuổi 30, để lại Tín và đứa em gái mới chỉ 1 tuổi. Chưa đầy hai tháng mà hai nỗi đau ập xuống cậu bé 3 tuổi.

Hai anh em Tín sống côi cút cùng bà nội trong căn nhà nhỏ ở làng Thủ Lễ (xã Quảng Phước, Quảng Điền). Hai đứa trẻ ấy đã lớn lên bằng sự nỗ lực đến kiệt sức của bà nội Ngô Thị Lài, năm nay 65 tuổi. Có gì ăn nấy, có gì mặc nấy và có gì thì học nấy. Điều may mắn là cả hai đều được  đến trường.  

Từ lúc vài tuổi đầu Tín đã theo bà ra đồng làm ruộng. Hằng ngày, sau buổi tan trường, Tín lại ra đồng cùng với bà nội. Và từ đó cho đến khi lớn lên, hầu như ngày nào dân làng cũng thấy Tín ngoài đồng.

Một buổi đến trường, một buổi ngoài đồng, nhưng năm học nào Tín cũng đều là học sinh giỏi. Thương bà nội vất vả, Tín từng muốn nghỉ học để giảm bớt gánh nặng cho bà. Có lần Tín tâm sự với tôi trong nước mắt: “Em thương mệ nội quá! Bao năm qua nội cắn răng chịu khổ để cho em được đi học. Lưng nội còng đi từng ngày”. Nhiều người cũng khuyên em nên nghỉ học, đi làm kiếm tiền chứ bà nội đã sức cùng lực kiệt rồi. Nhưng bà nội quyết không cho. 

Lấy chi nuôi cháu học tiếp?

Năm tháng khổ nhọc dần trôi qua và cậu bé ấy đã lớn lên. Tín đã đậu vào ngành điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Một kết quả được đổi bằng không biết bao nhiêu là mồ hôi và nước mắt. Ngày biết tin em thi đậu ĐH, tôi xuống nhà chúc mừng em. Nước mắt cứ chảy dài trên khuôn mặt héo hắt của bà nội. Tôi biết giọt nước mắt của bà chất chứa cả niềm vui lẫn nỗi lo.

Bà nói với tôi: “Tui vui vì đời hắn bất hạnh nhưng biết cố gắng đi học, chừ đã đậu ĐH. Nhưng lo vì tuổi già sức yếu không biết mần chi ra tiền để nuôi cháu đi học tiếp...”.

Tôi cũng không biết trả lời với bà thế nào cả. Mấy ngày trước, tôi gọi điện cho Tín hỏi em tính chuyện đi học ĐH thế nào. Tín nói vô tới Sài Gòn em sẽ tìm việc làm thêm để kiếm tiền đi học. Tôi mừng vì em không bỏ cuộc và tin rằng em sẽ vượt qua những ngày tháng gian nan sắp đến, như cách mà em từng vượt qua những năm tháng khó khăn trước đó. Tôi chỉ biết mong mỏi như thế cho đứa học trò nghèo khó mà giàu ý chí ấy. 

“Em à! Hãy nở nụ cười và sống thật lạc quan, vui vẻ em nhé! Cuộc sống là một phép toán đúng và công bằng. Ông trời lấy của ai bao nhiêu sẽ tìm cách đền bù lại cho người đó bấy nhiêu.

Hãy quý trọng tất cả những gì mình đang có và lấy đó làm hạnh phúc. Hãy cố gắng hết mình, sống lạc quan, thật kiên cường, đương đầu với tất cả cũng là một cách sống tốt em ạ. Chúc em không chỉ thành đạt trong học tập mà còn thành đạt trong cả cách nghĩ và cách sống”.

Đó là những lời động viên được viết trong cuốn sổ lưu bút mà cô giáo Nguyễn Thị Hà đã tặng cho cậu học trò Trung Tín khi em bước vào lớp 10.

NGỌC DƯƠNG ghi

 

Cô NGUYỄN THỊ HÀ - NGỌC DƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên