Hai du khách đứng trước Sở thú quốc gia Dehiwala ở thủ đô Colombo của Sri Lanka vào năm ngoái, khi nơi này bị đóng cửa do COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Theo báo New York Times ngày 2-6, có nhiều loài động vật chưa từng sinh sản ở sở thú đã đón chào đứa con đầu lòng tại đây, bao gồm thiên nga đen, công trắng và nilgai - loài linh dương lớn nhất ở châu Á.
Một con linh dương sừng thẳng Ả Rập, vịt đen, linh dương sừng kiếm và ngựa vằn cũng đã được sinh trong thời gian qua.
Nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, quốc gia Nam Á Sri Lanka đã đặt các biện pháp phong tỏa và ngừng các đường bay quốc tế gần một năm nay. Các sở thú buộc phải đóng cửa vào tháng 3-2020, mở cửa chóng vánh vào đầu năm nay trước khi tái "bế quan tỏa cảng" do sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.
"Các loài động vật có cơ hội thưởng thức quãng thời gian 'vô lo' và thư giãn khi không có con người ở bên" - bà Ishini Wickremesinghe, tổng giám đốc Cục Vườn thú quốc gia Sri Lanka, nói.
"Chúng tôi cũng đón nhận ba chú sư tử con - bà Wickremesinghe chia sẻ - Sau nhiều năm, cuối cùng những con thú cũng thực sự được nghỉ ngơi".
Những chú sư tử nay đã được 6 tháng tuổi. Không có khách du lịch bao quanh, những con sư tử trưởng thành mặc sức đi lại xung quanh khu vực của chúng và tìm kiếm bạn tình.
Một con tinh tinh tại Sở thú quốc gia Dehiwala ở thủ đô Colombo của Sri Lanka - Ảnh: Cục Vườn thú quốc gia Sri Lanka
Tại các vườn quốc gia của Sri Lanka, chưa có số liệu chính thức về sự gia tăng số lượng động vật. Tuy nhiên, theo ông Manoj Vidyaratne - quản lý Vườn quốc gia Yala ở đông nam nước này, các con thú đang "hoàn toàn không bị căng thẳng".
"Thông thường, có khoảng 400 phương tiện khác nhau di chuyển trong vườn quốc gia mỗi ngày - ông nói - Con số hiện tại là 0".
Sri Lanka từng là một ví dụ thành công trong việc ngăn chặn COVID-19 trước khi hứng chịu sự bùng phát trở lại, với gần 3.000 ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày, theo dữ liệu của New York Times.
Đại dịch đã làm tình hình kinh tế của Sri Lanka, vốn đang vật lộn để phục hồi sau các cuộc tấn công khủng bố hồi năm 2019, lâm vào cảnh tồi tệ thêm.
Các sở thú với hơn 4.000 loài động vật là điểm hút khách du lịch hàng đầu của quốc gia này, với hơn 3 triệu lượt ghé thăm hằng năm thời kỳ trước COVID-19.
Bất chấp ảnh hưởng lên doanh thu, bà Wickremesinghe bày tỏ hi vọng các vườn thú có thể tiếp tục đóng cửa đến khi tình hình thuyên giảm, lo ngại các loài linh trưởng có thể nhiễm virus từ một du khách mắc bệnh.
"Chúng tôi không biết phải làm sao nếu trường hợp đó xảy ra", bà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận