Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu các trường ĐH… chia sẻ sáng kiến trong hợp tác vì nước. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm của toàn thể cộng đồng về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt.
Phóng to |
Suy thoái số lượng
Tại hội thảo, đề cập đến thực trạng nguồn nước ở ĐBSCL, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường ĐH Cần Thơ - bày tỏ quan ngại trước những thách thức không nhỏ đối với nguồn nước khi những năm gần đây có nhiều dấu hiệu cho thấy tài nguyên nước ở ĐBSCL đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng cũng như việc thay đổi động thái của dòng chảy theo mùa.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, các số liệu quan trắc thủy văn cho thấy từ trận lũ lịch sử năm 2000 đến nay, dòng chảy mùa lũ từ thượng nguồn xuống vùng đồng bằng ngày càng giảm sút rõ rệt. Năm 2010 được xem là năm có dòng chảy thấp nhất hàng thập kỷ nay.
“Việc khai thác ồ ạt qua các giếng khoan tư nhân, sự thiếu kiểm soát và chưa có biện pháp quản lý tài nguyên nước dưới đất hữu hiệu hiện nay làm nguồn nước ngầm đang có dấu hiệu suy thoái, nhiều nơi nước ngầm sụt giảm 3-5m. Sự sụt giảm nguồn nước mặt còn là nguyên nhân chính khiến phèn tiềm tàng trong đất trở thành phèn hoạt động, khiến chất lượng nước và chất lượng đất nhiều nơi trở nên xấu đi”. PGS.TS Lê Anh Tuấn |
Lũ thấp kết hợp tình trạng không khí khô nóng làm nguồn nước hiếm hoi ở vùng đồng bằng bốc thoát hơi mãnh liệt khiến nhiều vùng ven biển bị khô hạn nghiêm trọng, nước mặn từ biển Đông xâm nhập sâu vào đất liền khiến nhiều nơi gặp khó khăn trong việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất.
Lũ thấp còn khiến nguồn cá tự nhiên giảm sút nghiêm trọng; việc vệ sinh đồng ruộng không đầy đủ khiến các mầm bệnh, sâu bệnh, chuột bọ, độc chất trong đất không bị rửa trôi gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản.
Trong khi đó mùa lũ năm 2012 lại lớn bất thường khiến nhiều vùng bị ngập úng nghiêm trọng, nhiều tuyến đê bao bị vỡ làm nhiều diện tích lúa và ao cá trong đê bị tổn thất.
Chất lượng xấu hơn
Cũng theo ông Tuấn, chính sách phát triển kinh tế quá nhanh chóng nhưng thiếu kiểm soát thời gian qua, cộng thêm yếu tố gia tăng dân số khiến chất lượng nguồn nước ở ĐBSCL đang trở nên xấu hơn.
Việc gia tăng các hình thức thâm canh, tăng vụ trong sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc khiến nguồn nước bị nhiễm dư lượng các loại nông dược, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng, các chất hữu cơ chưa phân hủy...
Ngoài ra, tài nguyên nước vùng ĐBSCL còn bị đe dọa do các ảnh hưởng nguy cơ chưa lường hết được từ các công trình khai thác nguồn nước ở các quốc gia thượng nguồn sông Mekong khi hàng loạt đập nước - nhà máy thủy điện đang và sẽ hình thành trên các sông nhánh và cả dòng sông chính ở Trung Quốc, Lào và Campuchia sẽ làm thay đổi dòng chảy.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng trước những thách thức ngày càng lớn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ở Việt Nam, các cơ quan quản lý tài nguyên môi trường và cộng đồng địa phương phải tăng cường liên kết, quy hoạch, khai thác, phân phối, sử dụng và bảo vệ hiệu quả môi trường nước.
Bên cạnh đó cần có những chương trình có quy mô vùng về hợp tác vì nước nhằm chia sẻ nguồn nước một cách hiệu quả, hợp lý. Các hành vi làm tổn hại nguồn nước phải được chế tài bằng công cụ luật pháp.
Công bố quỹ “Tiết kiệm 1 tỉ m3 nước sạch cho Việt Nam” Tại hội thảo, Công ty Unilever Việt Nam và nhãn hàng “Comfort một lần xả” chính thức công bố thành lập quỹ “Tiết kiệm 1 tỉ m3 nước sạch cho Việt Nam” nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm nước sạch bằng việc giảm số lần xả trong mỗi lần giặt quần áo, giúp thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về việc tiết kiệm nước cũng như bảo vệ nguồn nước sạch. Theo Unilever Việt Nam, thống kê cho thấy trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng gần 20.000 lít nước mỗi năm cho việc giặt xả. Trong đó, việc giặt giũ chiếm 30% lượng nước và việc xả quần áo chiếm 70% lượng nước giặt giũ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận