Một góc Hòn Cau, biển Tuy Phong, Bình Thuận - Ảnh: Đông Hà |
Mỗi năm hàng chục tỉ con tôm được sản sinh tại đây và đi khắp cả nước, doanh thu lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Tôm giống ở đây là sản phẩm đặc hữu của Bình Thuận.
Trong hàng ngàn lượt xe tấp nập trên quốc lộ 1 qua xã Vĩnh Tân mỗi ngày, có những chuyến xe đông lạnh ra vào các trại tôm nơi đây để chở tôm giống đi khắp cả nước. Tôm về miền Tây. Tôm ra miền Trung.
Tôm ra sân bay Cam Ranh để đến tận các tỉnh phía Bắc. Hiện có hơn 50 doanh nghiệp, cơ sở nuôi tôm giống ở xã Vĩnh Tân.
Khu nuôi tôm giống ở đây chia thành hai khu vực rõ rệt, gồm thôn Tiến Vĩnh và thôn Vĩnh Hưng. Ở giữa hai khu nuôi tôm chất lượng bậc nhất cả nước là Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.
Những người khai phá
Vùng đất Vĩnh Tân cách đây hơn 20 năm hoang sơ, nắng nóng, quanh năm chỉ đón những đợt gió thổi vị mặn từ biển vào.
Thế nhưng, những người am hiểu về nghề nuôi tôm giống đã phát hiện nơi này chính là địa điểm lý tưởng nhất để nuôi tôm mà ít nơi nào trên cả nước có được.
Đó là chất lượng nguồn nước biển rất sạch - yếu tố quyết định 60-70% sự thành công của nghề nuôi tôm giống.
Từ đó, nghề nuôi tôm giống tại Vĩnh Tân manh nha và dần dần trở thành vùng cung cấp tôm giống lớn nhất cả nước.
Đáng chú ý, chất lượng của tôm giống vùng này được ghi nhận tốt nhất. Không chỉ có doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp nước ngoài cũng đến đầu tư vào đây từ những năm 2000-2001.
Sinh ra ở Nghệ An, năm 20 tuổi ông Phan Tuấn Cự vào Nha Trang làm công nhân cho trại nuôi tôm giống.
Chỉ là người làm công, tay ngang cho các trại tôm giống nhưng với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi, Cự dần dần đã trở thành một ông chủ nhỏ ở Nha Trang.
Ngày nay, DNTN Tuấn Cự trở thành doanh nghiệp lớn với ba cơ sở nuôi (có 20 trại) tôm, tạo việc làm cho hơn 100 lao động.
Mỗi năm cơ sở của ông Cự xuất bán khoảng 1 tỉ con giống, doanh thu lên tới 70 tỉ đồng, khách hàng mua tôm của ông khắp từ Bắc chí Nam.
Ông Cự cùng nhiều người khác đã đến Vĩnh Tân như người khai phá. Hiện nay, thế hệ đi trước như ông Cự trở thành các ông chủ lớn của nhiều doanh nghiệp tôm giống uy tín.
Đó là các ông Trương Hữu Thông, Trương Hữu Thuận, Trần Hậu Điển, Lê Xuân Bảy, Nguyễn Huy Lâm, Trần Đức Thụ, Huỳnh Thế Chiến...
Ông Cự cho biết khi mới đến Vĩnh Tân lập nghiệp, Nhà nước chỉ giao đất, còn tất cả hạ tầng đều do doanh nghiệp tự làm, từ san lấp đến hạ thế, đưa điện về để sản xuất.
Những người nuôi tôm giống đã biến Vĩnh Tân thành vùng đất có giá trị gia tăng cao, là trung tâm tôm giống lớn nhất nước, với khoảng 20-30% thị phần.
Ngày nay, bên cạnh cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân với những ống khói chọc trời dọc theo quốc lộ 1, người đi đường có thể thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất tôm giống mọc lên san sát với biểu tượng chung là hình con tôm.
Ngoài ra, ở dưới làng chài xóm 7 nép mình ven biển cũng mọc lên hàng loạt trại tôm, nằm san sát nhau. Từ sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp, cơ sở nuôi tôm giống ở Vĩnh Tân, tháng 8-2011 Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận được thành lập. Hiện nay hội này có 42 hội viên.
San hô ở Hòn Cau - Ảnh: Huỳnh Quang Huy |
Doanh thu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm
Một người làm nghề nuôi tôm giống ở Vĩnh Tân cho biết mỗi năm ngành nuôi tôm giống tại Bình Thuận cho “ra lò” 20-30 tỉ con tôm giống. Với giá 70 đồng/con thì tổng doanh thu khoảng 1.500-2.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, chỉ với diện tích 100ha nuôi tôm giống tại Vĩnh Tân, sản lượng tôm giống ở đây đã ngang ngửa với diện tích 400ha nuôi tôm của tỉnh Ninh Thuận. Điều này càng minh chứng năng suất tôm giống Vĩnh Tân rất cao.
Vì sao nước biển ở Vĩnh Tân lại nuôi tôm giống đạt hiệu quả cao?
Theo các kỹ sư nuôi tôm, vùng biển nơi đây có độ mặn ổn định quanh năm, không có nước ngọt từ sông ngòi đổ ra biển nên giàu hàm lượng khoáng, các yếu tố hóa - lý rất hợp với con tôm... - những đặc điểm này ít nơi nào trong cả nước có được.
Anh Đặng Văn Chiến - phụ trách mảng nước của Công ty cổ phần C.P Việt Nam (100% vốn Thái Lan) - cho biết: “Vùng biển Vĩnh Tân là nơi có nước biển sạch nhất vì có vực sâu, có nhiều rạn san hô có tác dụng lọc nước biển. Nước sạch là yếu tố số một để nuôi tôm giống thành công”.
“Nhờ nguồn nước đầu vào sạch, ổn định độ mặn nên tôm giống ở đây có tỉ lệ sống cao, ít bị dịch bệnh. Nguồn nước ở đây tốt hơn Khánh Hòa và một số tỉnh miền Tây” - ông Bùi Văn Tịch, giám đốc điều hành Công ty cổ phần thủy sản Việt - Úc, lý giải thêm.
Đó là chưa kể Vĩnh Tân có vị trí gần quốc lộ 1 nên thuận lợi cho giao thương, lưu thông hàng hóa ra Bắc vào Nam.
Để tôm giống Bình Thuận trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường, tháng 6-2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Tôm Bình Thuận”.
Ngày nay, bên cạnh những ồn ào, rầm rộ phát ra nơi công trường cụm nhà máy nhiệt điện, những trại tôm giống ở Vĩnh Tân vẫn giữ nguyên vẻ thanh bình, thân thiện và môi trường biển tốt lành.
Đông đảo khách hàng từ Quảng Ninh xa xôi đến tận vùng sông nước Cà Mau đều đến đây mua tôm giống về nuôi.
Nhiều sinh viên địa phương sau khi tốt nghiệp cũng được các cơ sở tôm giống ở Vĩnh Tân nhận vào làm.
Một lãnh đạo UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết ngành nghề nuôi tôm giống ở Vĩnh Tân đã trực tiếp tạo ra nhiều công ăn việc làm cũng như gián tiếp tạo ra thu nhập cho các ngành nghề phụ trợ khác của địa phương.
Đặc trưng đa dạng sinh học của Hòn Cau Ông Trương Ngọc Giao, giám đốc ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau, cho biết trước đây ngư dân gọi nơi đây với tên thân thuộc là Cù Lao Câu (cách bờ biển Vĩnh Tân 5 hải lý) vì nơi đây có nhiều người ra câu cá bởi nguồn lợi hải sản trù phú. Năm 2009, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đánh giá vùng biển Hòn Cau là nơi hội tụ của nhiều loài hải sản quý hiếm được đặc trưng bởi tính đa dạng sinh học và các rạn san hô trong tình trạng tương đối tốt. Ngoài ra, vùng nước quanh Hòn Cau còn có sự hiện diện của hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình, giá trị đa dạng sinh học cao. Nơi đây cũng là khu sinh sống, bãi đẻ của nhiều loài thủy sinh vật quý hiếm với giá trị sinh thái và kinh tế. Do vậy, vùng biển Hòn Cau được xem là khu vực quan trọng về tiềm năng đa dạng sinh học cũng như ngư trường đánh bắt lớn của ngư dân. |
Tôm giống mẹ tại Vĩnh Tân được nhập từ Mỹ về với giá 65 USD/con (thẻ chân trắng). Sau khi nhập về, tôm đực và tôm cái được tách ra ở riêng. Khi thấy tôm cái có trứng, người nuôi tôm giống đưa tôm mẹ sang ở chung với tôm đực để “giao vị”. Sau khi tôm đẻ trứng sẽ phát triển thành các dòng nao-zoa-mi-pos. Tôm pos chính là những con tôm xuất bán cho người nuôi tôm. Thời gian từ khi hai con tôm “giao vị” với nhau, đẻ trứng và thành tôm pos khoảng hơn 20 ngày. |
Kỳ tới: Nỗi lo của biển và người
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận