17/11/2018 10:21 GMT+7

Vui buồn nghề giáo: Trao văn và đạo văn

NGUYỄN ĐỨC DÂN
NGUYỄN ĐỨC DÂN

TTO - Tôi bước lên bục giảng Trường Chu Văn An, Hà Nội khi mới 21 tuổi, năm 1957. Hơn 60 năm dạy học, có nhiều kỷ niệm với nghề giáo, nhất là kỷ niệm về những bài viết chung đáng nhớ với học trò tôi hướng dẫn.

Vui buồn nghề giáo: Trao văn và đạo văn - Ảnh 1.

Những kỷ niệm đó có cả vui buồn và cả những băn khoăn.

Trao văn

Năm 1972, tôi hướng dẫn 2 luận văn ĐH ở ĐH Tổng hợp Hà Nội làm theo phương pháp thống kê. Gần cuối năm, có lệnh động viên sinh viên nhập ngũ, hai sinh viên tôi hướng dẫn xếp bút nghiên, gác lại những điều viết dang dở lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. 

Công lao hai sinh viên bỏ đi thì phí quá. Thế là tôi cặm cụi thống kê tiếp và viết thành bài Bước đầu tìm hiểu sự phân bố từ vựng trong ngôn ngữ Hồ Chủ tịch công bố trên tạp chí Ngôn Ngữ (số 2, 1973) với 3 đồng tác giả, trong đó có hai sinh viên tôi hướng dẫn là Hoàng Cao Cương và Trần Đình Cơ.

Sau bài viết chung đầu tiên này, tôi còn viết 3 bài nữa với sinh viên làm luận văn ĐH ở Hà Nội. Kể tên những bài cụ thể ra đây chả để làm gì nhưng tên người, sau này đều thành tiến sĩ, PGS cả có lẽ cũng nên nhắc lại. Đó là Nguyễn Thị Yên, Trần Thị Chung Toàn, Lê Đông. 

Đây là những luận văn ĐH đạt chất lượng, đăng tạp chí chuyên ngành. Đó là niềm vui lớn của tôi. Nhưng vui hơn nữa còn là những bài này mở ra thời kỳ thầy trò viết chung.

Sau này, chỉ những luận văn thạc sĩ tôi hướng dẫn mới đăng được ở tạp chí chuyên ngành, tất nhiên là những đồng tác giả. 

Có bài tôi viết đăng liền trên hai số Ngôn Ngữ (2007) đứng tên chung là Đ.T.T., học viên ở ĐH Sư phạm Hà Nội. Một chuyện khác, thạc sĩ L.T.T.Q. đã tròn mắt ngạc nhiên khi thấy mình được là đồng tác giả trong bài viết về sự lập luận trong tranh cãi pháp lý (Ngôn Ngữ, số 5, 2002). 

Chả là tôi hướng dẫn Q., thấy đây là một luận văn tốt, hướng đi này ở Việt Nam chưa ai nghiên cứu, tôi bèn viết lại và để cô ấy đứng tên chung.

Bài đạo văn được đăng tạp chí nước ngoài

Tôi cũng không ít lần bị đạo văn, nhưng nói ra nào có làm gì. Chẳng phải có người từng quay cóp bị đưa lên mặt báo, rồi cũng được thăng chức đó sao. Tôi chỉ muốn kể một chuyện buồn... thú vị.

Một học trò kể bài viết của em đăng cách đây 6 năm đã bị đạo văn đăng trên tạp chí tiếng Anh quốc tế về nghiên cứu giáo dục của Trường ĐH quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc. 

Để kiểm tra, tôi tìm trên mạng từ khóa "Double Negation" thì bật ra bài Vietnamese Double Negative (Phủ định kép trong tiếng Việt) của B.K.L. ở Shanghai International Studies University, Shanghai, China, đăng ngày 29-5-2018 trên tạp chí World Journal of Educational Research, Vol. 5, No. 2, 2018; mã số bản điện tử ISSN là 2333-5998.

Tôi ngạc nhiên thú vị vì chất lượng bài này được khẳng định nhanh đến nỗi bài gửi đến tòa soạn ngày 6-5-2018 thì 20 ngày sau, ngày 26-5-2018 đã được chấp nhận cho đăng. 

Nội dung bài này giống với những điều tôi đã giảng về sự phủ định kép trong tiếng Việt cho các lớp cao học ở hai trường ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm khi ra Hà Nội dạy thỉnh giảng những năm trước đây. Hay là B.K.L. "cọp" của mình?

Xin cà kê một chút về chuyện này. Tôi hướng dẫn thạc sĩ cho N.T.N., muốn học viên này đạt kết quả tốt nên có gọi em đến, cung cấp nội dung và cả những dữ liệu có trích dẫn cụ thể nữa. 

Do không có nhu cầu công bố bài đăng báo nên tôi để em đứng tên một mình bài Tìm hiểu về cây phủ định kép trong tiếng Việt. 

Em khoe bài được đăng trên tạp chí khoa học của một trường ĐH - một tạp chí có "số má" được tính điểm cho việc phong học hàm GS, PGS. Tôi không đọc lại vì nội dung bài này tôi biết rất rõ rồi. Bây giờ hóa ra tôi không có bài báo này. Tôi bảo N.T.N. gửi cho tôi bài báo của em.

Tôi tá hỏa, bài báo của N.T.N. và B.K.L. là "hai chị em song sinh". Gần như trùng nhau về nội dung, rồi cách sắp xếp thứ tự các mục, cách ghi ký hiệu và đến cả những ví dụ minh họa cũng giống nhau nốt. 

Khác nhau chỉ ở chỗ bài đầu ghi rõ nguồn trích dẫn của ai, tác phẩm nào, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng hay Nam Cao..., còn trong bài của B.K.L. bỏ trắng, mặc nhiên coi đó là những câu thường ngày, câu cửa miệng của người Việt. 

Khác nhau thứ hai ở phần trích dẫn là phần câu nào khó dịch ra tiếng Anh thì B.K.L. bỏ đi.

Qua chuyện bài của thạc sĩ được “cọp” đăng tạp chí nước ngoài, tôi vừa buồn vừa vui và băn khoăn nữa. Buồn vì nạn đạo văn. Xã hội phê phán đã nhiều nhưng không hề giảm.

Vui vì bài báo của N.T.N. chỉ là một phần trong luận văn thạc sĩ của em mà đã vươn ra tầm quốc tế và được chấp nhận ngay. Băn khoăn vì cái tiêu chí phải có công trình đăng trong các tạp chí quốc tế có “số má” để được công nhận học vị tiến sĩ hay được phong học hàm PGS, GS. Có những bài báo tiếng Việt trong những ngành khoa học xã hội cũng có giá trị lắm chứ.

Nghề giáo, đâu chỉ dạy mà còn phải dỗ Nghề giáo, đâu chỉ dạy mà còn phải dỗ

TTO - Bao năm theo nghề giáo, tôi hiểu rằng trước khi dạy học sinh kiến thức thì hãy dạy các em cách làm người. Và bất kỳ nghề nào đi nữa, cảm hóa được con người là cảm hóa được tất cả.

NGUYỄN ĐỨC DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên