04/06/2014 00:36 GMT+7

Vua Tây Ban Nha thoái vị cứu hoàng gia

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Vua Juan Carlos của Tây Ban Nha đã tuyên bố thoái vị để nhường ngôi cho con trai. Giới quan sát nhận định quyết định thoái vị nhằm giải cứu hoàng gia đang ngập chìm trong khủng hoảng ở nước này.

Vua Tây Ban Nha thoái vị, nhường ngôi cho thái tử Công chúa Tây Ban Nha đối mặt nghi án tham nhũng

v1ICl4gA.jpgPhóng to
Vua Juan Carlos (bìa trái) thoái vị để cho con trai ông - thái tử Felipe (giữa) - lên ngôi - Ảnh: AFP

Quyết định thoái vị của vua Juan Carlos, 76 tuổi, đã được Thủ tướng Mariano Rajoy thông báo hôm 2-6, nhường ngôi cho thái tử Felipe, 46 tuổi. Trong bài phát biểu với toàn dân, vua Juan Carlos nói giờ là thời điểm để thế hệ trẻ “tiến lên phía trước” và để đối mặt với những thử thách mới. Ông nói việc chuyển giao thế hệ sẽ mở ra “thời kỳ mới cho hi vọng” và con trai ông “đại diện cho sự ổn định” của Tây Ban Nha. Ông khẳng định thái tử Felipe “đủ trưởng thành, sẵn sàng và có tinh thần trách nhiệm cần thiết” để đảm nhận vai trò lãnh đạo đất nước.

Sau gần bốn thập kỷ nắm quyền, việc thoái vị của vua Juan Carlos có lý do vì sức khỏe, nhưng một phần cũng vì suy giảm uy tín của hoàng gia Tây Ban Nha, đặc biệt là vụ bê bối tham nhũng liên quan tới con rể của ông, rồi những thông tin đời sống xa hoa của hoàng gia trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, thất nghiệp ở mức kỷ lục ở nước này.

Đời sống xa hoa, uy tín sa sút

Từ năm 2012, uy tín của ông bị sụt giảm nghiêm trọng khi báo chí đưa tin ông bí mật đi săn voi ở Botswana trong thời điểm đất nước đang chìm ngập trong khủng hoảng kinh tế. Khi đó, tỉ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha lên đến 25%. Việc nhà vua tỏ ra vô cảm với tình trạng khó khăn chung của đất nước đã khiến dư luận sôi sục. Tệ hại hơn, báo chí Tây Ban Nha đưa tin ông đi chơi chuyến đó cùng người tình, một nữ quý tộc người Đức. Dù vua Juan Carlos lên truyền hình xin lỗi người dân, nhưng truyền thông Tây Ban Nha bắt đầu tỏ ra khắt khe hơn đối với hoàng gia. Trước đó, báo chí nước này hiếm khi đưa thông tin tiêu cực về hoàng gia.

"Nhà vua hiểu rằng thời kỳ tốt đẹp của hoàng gia đã trôi qua"

Financial Times dẫn lời nhà phân tích José Ignacio Torreblanca thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu

Uy tín của vua Juan Carlos càng sa sút khi báo chí đặt câu hỏi về thói quen chi tiêu xa hoa của công chúa Cristina, 48 tuổi. Chồng công chúa Cristina là ông Iñaki Urdangarin, công tước xứ Palma, bị điều tra tội biển thủ nhiều triệu euro từ các sự kiện thể thao. Năm 2013, Đảng Xã hội Tây Ban Nha lần đầu tiên lên tiếng yêu cầu Quốc hội cung cấp thông tin về chi tiêu của hoàng gia. Báo El Mundo đưa tin hoàng gia giấu tài sản trong ngân hàng Thụy Sĩ.

“Nhà vua hiểu rằng thời kỳ tốt đẹp của hoàng gia đã trôi qua. Đó không phải là sự suy thoái tạm thời. Cách duy nhất để khôi phục uy tín của hoàng tộc là trao lại ngôi báu cho con trai” - Financial Times dẫn lời nhà phân tích José Ignacio Torreblanca thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu bình luận. Nhìn chung, giới quan sát nhận định vua Juan Carlos thực hiện sự hi sinh cần thiết để cứu vãn việc tồn tại của hoàng tộc.

Tương lai mờ mịt

Sự hi sinh này có thể giúp hoàng gia Tây Ban Nha vượt qua cơn sóng gió? Đó là điều không dễ trả lời. Theo khảo sát của báo El Mundo, khoảng 66% người Tây Ban Nha có cái nhìn thiện cảm đối với thái tử Felipe. Tuy nhiên khi ông kế vị, mọi áp lực mà vua Juan Carlos từng gánh chịu sẽ đổ dồn lên đôi vai ông.

“Đây là thời điểm cực kỳ khó khăn đối với hoàng gia Tây Ban Nha. Đất nước vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và vụ án Urdangarin vẫn chưa kết thúc. Vụ án đó sẽ trở thành gánh nặng đối với Felipe” - AFP dẫn lời nhà báo José Apezarena, người từng viết nhiều cuốn sách về hoàng gia Tây Ban Nha, dự báo.

Môi trường chính trị Tây Ban Nha cũng là thử thách đối với hoàng gia. Hai đảng lớn là Đảng Nhân dân cầm quyền và Đảng Xã hội nhìn chung ủng hộ hoàng gia. Hai đảng này hiện chiếm 295 trên tổng số 359 ghế Quốc hội. Do đó việc thái tử Felipe kế vị không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng trước, cả hai đảng đều mất 15% số phiếu ủng hộ. Các khảo sát cho thấy hai đảng này đang mất dần ảnh hưởng tuyệt đối trước đây. Hai đảng đối lập là Đảng Podemos và Đảng Cánh hữu thống nhất đều công khai kêu gọi trưng cầu ý dân về sự tồn tại của hoàng gia.

Và theo Reuters, ngày 3-6 hàng chục nghìn người dân Tây Ban Nha đã đổ ra đường phố khắp cả nước để kêu gọi trưng cầu ý dân về việc xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập nền cộng hòa. Người biểu tình giương cao những biểu ngữ như: “Không cần vua, hãy trưng cầu ý dân”, “Tây Ban Nha sẽ trở thành nước cộng hòa”...

Từng được kính trọng

Bản thân ông đã là nhân vật lịch sử. Ông lên ngôi năm 1975 sau cái chết của nhà độc tài Francisco Franco và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Tây Ban Nha trở lại chế độ dân chủ.

Khi đó, phớt lờ yêu sách của phe ủng hộ tướng Franco, vua Juan Carlos thiết lập hệ thống quân chủ lập hiến và đẩy mạnh quá trình này. Tháng 2-1981, quân đội đảo chính, chiếm tòa nhà quốc hội, bắt các nghị sĩ làm con tin, đòi khôi phục chính quyền quân sự. Vua Juan Carlos đã lật lại cuộc đảo chính này khi lên truyền hình kêu gọi binh lính trở lại doanh trại. Chính hành động này của ông đã giúp củng cố nền dân chủ nước này. Lịch sử Tây Ban Nha rẽ sang một hướng khác hoàn toàn. Suốt gần bốn thập kỷ trị vì, ông luôn được người dân kính trọng.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên