Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, nhiều giảng viên Trường đại học Công Thương TP.HCM đang tố PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy, trưởng khoa công nghệ thực phẩm, đang làm giám đốc doanh nghiệp tư nhân bên ngoài, theo luật là không được phép.
Tuy nhiên, ông Duy cho biết: "Đây là công việc có liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn ngành công nghệ thực phẩm, hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc này hỗ trợ cho chuyên môn giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên được đào tạo và tiếp xúc với thực tế tại doanh nghiệp".
Phân tâm, ảnh hưởng chất lượng giảng dạy
Một số bạn đọc băn khoăn có cần điều chỉnh quy định để giảng viên vừa giảng dạy vừa điều hành doanh nghiệp?
- Nhiều người đang lầm lẫn giữa việc chia sẻ kinh nghiệm và giảng dạy. Có thể mời doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm và giảng dạy các trường hợp điển cứu (case study); còn làm giảng viên là truyền dạy kiến thức hàn lâm, kiến thức cơ bản của môn học.
Cần phân biệt hai việc này: kiến thức cơ bản là cái cần học kỹ; kinh nghiệm là cái để tham khảo.
Bạn đọc Trương Kiệt
- Đa số ngành/khoa trong trường đại học về kinh doanh/thương mại cần giảng viên thực chiến ở các vị trí cấp cao trong doanh nghiệp.
Chuyện trưởng khoa làm kinh tế rồi ảnh hưởng chất lượng giảng dạy, quản trị khoa là có thật. Bản thân tôi cũng vài lần được gợi ý vị trí phó khoa, đổi lại phải cắt giảm hầu hết thời gian làm kinh tế. Với người đi làm chuyên nghiệp, việc này đồng nghĩa nghỉ việc.
Không nhiều người vừa làm trọn vẹn vai trò trưởng khoa, vừa đảm bảo việc kinh doanh riêng. Song hành dễ dẫn đến ảnh hưởng lịch học sinh viên, thường xuyên bị đổi hoặc học lịch chưa hợp lý.
Để có trưởng khoa giàu thực chiến, các trường thường sắp xếp phó khoa làm vai trò trợ lý học thuật và hành chính quản trị khoa. Việc này giúp cân bằng vừa có người giỏi, vừa đảm bảo chuyên môn giảng dạy.
Bạn đọc Oscar Khuong
- Không có giấy phép lái xe mà lái xe thì bị phạt mà không thể nói rằng tôi đang đi đúng và không gây hại cho ai. Luật là luật và nếu như luật không cho phép thì không thể có những việc làm trái quy định mà cho là đúng.
Bạn đọc Tâm
- Tôi cũng là giảng viên (thỉnh giảng) và cũng làm kinh doanh bên ngoài (công việc chính). Tôi đã dồn toàn bộ kiến thức đã học được từ máu và nước mắt ở ngoài thực tế cho sinh viên, nên các buổi dạy của tôi luôn kín phòng (dù không điểm danh).
Nhưng cũng có một số giảng viên không có trách nhiệm giảng dạy hay bỏ lớp, chỉ tập trung vào kinh doanh. Cần có quy chế để chấn chỉnh "giảng viên doanh nhân".
Bạn đọc Nguyễn Hoàng Gia
Chuyện có gì mà ầm ĩ?
Rất nhiều bạn đọc ủng hộ "giảng viên doanh nhân" cho rằng chuyện trưởng khoa làm giám đốc doanh nghiệp ngoài trường không có gì phải ầm ĩ.
- Cần xem lại và điều chỉnh các quy định lỗi thời không phù hợp. Thầy giỏi chuyên môn được doanh nghiệp mời làm việc sẽ có thực tiễn để dạy cho sinh viên.
Có những thầy theo hướng hàn lâm, cũng cần những thầy giỏi thực tiễn. Tôi ủng hộ các thầy làm thêm ngoài, miễn là việc dạy và việc làm thêm bổ sung cho nhau, không ảnh hưởng đến người khác.
Bạn đọc Trung
- Giảng viên đi làm thêm bên ngoài tốt quá, nếu có liên quan đến chuyên môn lại càng hay, vừa có lý thuyết lại có thực hành, hỗ trợ rất tốt trong việc giảng dạy và truyền đạt những kiến thức từ thực tiễn cho sinh viên. Nên khuyến khích giảng viên làm thêm ở doanh nghiệp, vừa bổ sung thêm thu nhập lại có điều kiện hỗ trợ giúp đỡ sinh viên.
Bạn đọc Kim Nguu
- Nếu giảng viên dạy khởi nghiệp mà chưa từng khởi nghiệp hoặc dạy quản lý doanh nghiệp mà chẳng có doanh nghiệp nào thuê quản lý điều hành hoặc không tự thành lập được doanh nghiệp để vận hành thì liệu có gì để truyền nghề cho sinh viên?
Bạn đọc Hoàng Đình Phong
- Làm trưởng khoa cùng một ngành, cùng một lúc ở cả hai trường công và tư cạnh tranh trực tiếp với nhau mới đáng ngại. Chứ trưởng khoa mà còn kiêm quản lý, tư vấn chính sách cho doanh nghiệp thì nên khuyến khích.
Các trường đại học công lập nên gỡ bỏ rào cản này để cạnh tranh với các trường đại học tư. Nếu không, về lâu dài trường công sẽ sản sinh ra các "thợ dạy" đại học và chương trình đào tạo thiếu thực tế.
Bạn đọc Kinh te Luat
- Sinh viên rất cần những nhà quản lý doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế nghề nghiệp. Lý thuyết sách vở được củng cố bởi thực tế và những ví dụ sinh động từ thực tế quản lý doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên có nhiều trải nghiệm hơn...
Nếu làm quản lý khoa mà có đủ thời gian đi làm doanh nghiệp thì giúp chương trình đào tạo gắn với đòi hỏi thực tế của doanh nghiệp hơn.
Bạn đọc HNV
- Giảng viên làm giám đốc doanh nghiệp là chuyện bình thường thôi. Miễn sao họ không lạm dụng trách nhiệm, thời gian làm việc ở từng vị trí khác nhau. Nếu họ làm ngược lại thì họ tự đào thải, hoặc họ tự chọn một vị trí nào đó phù hợp. Có gì đâu mà phải ầm ĩ.
Bạn đọc Dân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận