11/07/2021 08:21 GMT+7

Vừa cách ly vừa sản xuất

VŨ THỦY - NGỌC HIỂN
VŨ THỦY - NGỌC HIỂN

TTO - Hiện có 100 doanh nghiệp tại TP.HCM đã đăng ký vừa cách ly vừa sản xuất tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN). Một số doanh nghiệp đã triển khai ngay mô hình này khi TP áp dụng chỉ thị 16 để không đứt gãy sản xuất.

Vừa cách ly vừa sản xuất - Ảnh 1.

Nhân viên Tập đoàn Đại Việt phun hóa chất khử khuẩn khu lưu trú tập trung của công nhân, đảm bảo an toàn cho công nhân vừa cách ly vừa sản xuất - Ảnh: HIỆP TRẦN

Tuy vậy, cũng còn không ít doanh nghiệp vẫn mới dự phòng phương án và sẽ kích hoạt mô hình khi nhà xưởng có ca nhiễm COVID-19.

Cách ly để sản xuất

Gần ba tuần nay, chị Hồ Thị Lệ (37 tuổi) - công nhân chuyền 2 Công ty TNHH may mặc Song Ngọc (quận Bình Tân) - đã được công ty sắp xếp ở lại với khoảng 180 anh chị em công nhân khác. 

Theo nữ công nhân, lúc đầu công ty vận động chị không muốn đi vì có con nhỏ, ở nhà sẽ tiện hơn. Song dịch bệnh bùng phát mạnh, đi về không yên tâm nên chị Lệ quyết định gửi con cho em gái và đăng ký ở lại. Và từ ngày 22-6, chị Lệ khăn gói vào công ty "cắm lều" tới giờ.

Ông Trần Thanh Sơn - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH may mặc Song Ngọc - cho biết công ty đã chuẩn bị phương án vừa cách ly vừa sản xuất cách đây nhiều tháng để phòng ngừa tình huống có F0. 

"Đến 22-6 khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh, chúng tôi đã chủ động kích hoạt chứ không chờ đến khi có F0 mới làm. Như vậy công nhân có thời gian sắp xếp chứ không bị động, hoảng loạn" - ông Sơn chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, ngoài 180 công nhân đăng ký ban đầu, 50 người khác của doanh nghiệp trên cũng đã đăng ký ở lại từ 8-7 và được bố trí ở một tòa nhà khác. 

"Chúng tôi giăng dây, tách biệt cho từng khu riêng để nếu khu nào có ca cũng không ảnh hưởng đến khu còn lại" - ông Sơn giải thích. Trước khi vào ở, công ty cũng đã xét nghiệm COVID-19 ba lần cho công nhân và các kết quả đều âm tính.

Vừa cách ly vừa sản xuất - Ảnh 2.

Các công nhân Công ty Song Ngọc ăn ở trong nhà xưởng, đã qua 3 lần test âm tính với COVID-19. Ngày nghỉ công nhân tổ chức nấu chè, luộc bắp, ban giám đốc hỗ trợ mua trái cây cho công nhân - Ảnh: N.S.

Ăn ngủ ở nhà máy 24/24h

Từ trước, Tập đoàn Đại Việt đã lên kịch bản chống dịch. Trước khi TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, doanh nghiệp này đã triển khai kịch bản ăn ngủ tại nhà máy 24/24h để vẫn tiếp tục sản xuất hàng thiết yếu trong ngành nước.

Ông Ngô Xuân Mạnh - tổng giám đốc Tập đoàn Đại Việt - cho biết do nhà xưởng của doanh nghiệp này có diện tích 6,2ha, mật độ xây dựng chỉ khoảng 60%, không gian chung rộng tới 2ha, có khu cách biệt nên doanh nghiệp đã tận dụng không gian để lập nơi lưu trú tạm thời cho công nhân. 

Để thiết lập nơi ăn ở dã chiến này, doanh nghiệp đã sắm màn, chiếu, vật dụng cá nhân, bố trí máy làm mát không khí cho công nhân ngủ nghỉ, đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m từng người. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tăng suất ăn miễn phí từ 1 lên 3 bữa ăn cho nhân viên, công ty cũng đảm bảo nơi tắm giặt, vệ sinh cá nhân... để công nhân yên tâm tạm thời cách ly 15 ngày hoặc có thể kéo dài hơn tại nhà máy.

Theo ông Mạnh, các nhân viên ngoại tỉnh được khuyến khích ở lại nhà xưởng 100%, số còn lại công ty cũng vận động để công nhân tiếp tục vào nhà xưởng, tránh đi lại nhiều tăng nguy cơ lây nhiễm. Do đó, ông Mạnh cho hay tuy có khó khăn, bất tiện hơn bình thường nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn duy trì và đảm bảo an toàn.

Còn tại Công ty Alta Group (KCN Tân Bình) cũng đã dựng khoảng 100 lều trại, bố trí lại nhà xưởng trong khuôn viên công ty và sắp xếp văn phòng để công nhân lưu trú tạm thời, ăn, ở và làm việc tại nhà máy. 

Ông Hoàng Minh Anh Tú - tổng giám đốc Alta Group - cho hay đơn hàng của doanh nghiệp này tăng gấp đôi nên việc đảm bảo an toàn trong sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, doanh nghiệp phải áp dụng phương thức cho công nhân lưu trú ngay tại không gian riêng ở nhà xưởng.

Theo ông Tú, công nhân nam ở trong các lều, công nhân nữ ở giường tầng trong khối nhà văn phòng, đảm bảo sinh hoạt tách biệt và công ty sẽ lo ăn uống cho công nhân. Đồng thời, doanh nghiệp cũng liên hệ đơn vị y tế để công nhân giao nhận phải test nhanh COVID-19 thường xuyên và test định kỳ các công nhân ở lại tại công ty.

Tương tự, xây dựng phương án "vừa cách ly vừa sản xuất" cách đây khá lâu, đến ngày 8-7 Công ty CP cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (KCN An Hạ, huyện Bình Chánh) cũng chủ động áp dụng mô hình này, "không chờ đến khi có F0". 500 công nhân, nhân viên của công ty đã được bố trí ăn ở, làm việc ngay tại khu nhà xưởng. 

Trước đó, công ty có 200 công nhân đã ở nội trú tại khu ký túc xá của công ty. "Hiện tại, toàn bộ khối công nhân sản xuất trực tiếp gồm 700 người đều đã ở tại chỗ, chỉ còn một số cán bộ, nhân viên khối văn phòng làm việc từ xa" - ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch công đoàn công ty, nói.

Vừa cách ly vừa sản xuất - Ảnh 3.

Công ty Đại Dũng bố trí chỗ ngủ cho công nhân ở lại công ty - Ảnh: V.Hùng

Hơn 100 doanh nghiệp đăng ký lưu trú tập trung

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Ban quản lý các KCX và KCN TP.HCM (HEPZA) cho biết đến nay đã có khoảng 100 doanh nghiệp đăng ký các phương án vừa sản xuất vừa cách ly. 

Theo vị này, với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, số lượng công nhân chỉ vài trăm có thể thực hiện phương án này, song với doanh nghiệp quy mô lớn, công nhân lên đến hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn người thì phương án này vẫn đang còn nghiên cứu.

Một trong những khó khăn là các công ty khó có mặt bằng đủ lớn để lập các khu lưu trú tạm thời, không đảm bảo về giãn cách cũng như điều kiện sinh hoạt của công nhân. 

Những công ty lớn, số lượng công nhân đông lên đến hàng chục ngàn người, doanh nghiệp chỉ có thể sắp xếp chỗ lưu trú cho khoảng 1/3 hoặc 1/4, số còn lại vẫn đi về chỗ trọ hoặc gia đình nên nguy cơ mắc COVID-19 vẫn tiềm ẩn.

Còn đại diện ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho hay trước khi TP áp dụng chỉ thị 16, các doanh nghiệp lo lắng sẽ khó sản xuất nếu không có khu lưu trú tập trung, song đến nay TP không bắt buộc nên các doanh nghiệp vẫn duy trì phương án cũ là công nhân lưu trú tại địa phương. 

Riêng với những công nhân tại các tỉnh lân cận TP.HCM, các công ty đã thuê khách sạn để người lao động lưu trú tạm thời. Song đây chỉ là những nhân sự quan trọng trong dây chuyền sản xuất, còn để áp dụng đại trà sẽ rất khó.

Vẫn còn khó khăn khi lưu trú tập trung

Tuy cũng đã chuẩn bị phương án cho công nhân ăn ở tại chỗ từ khá lâu nhưng hiện nay nhiều công ty có đông lao động vẫn chưa thể kích hoạt. Ông Đào Quốc Cường - giám đốc thường trực Công ty Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7) - cho biết hiện nay công ty vẫn chưa trang bị sẵn cơ sở vật chất để các cơ quan xuống thẩm định.

"Với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của công ty, nếu áp dụng phương án vừa cách ly vừa sản xuất thì chỉ giữ lại được 35% công nhân. Sinh hoạt phí cho công nhân công ty có thể đảm đương nhưng vấn đề là giảm sản xuất từ 50-100% cũng vẫn sẽ làm cho công ty lỗ nghiêm trọng và mất khách hàng" - ông Cường phân tích.

Tương tự, tại KCN Đông Nam (huyện Củ Chi), Công ty Worl VN chuyên sản xuất hàng may mặc cũng đã đưa 1.000 công nhân các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai vào lưu trú tại ký túc xá tập trung của doanh nghiệp này xây dựng trong KCN.

Với số lượng công nhân lưu trú tại ký túc xá lên đến 3.000 người (công suất ký túc xá 5.000 người), các công nhân này ăn ở tách biệt với nhà xưởng song vẫn nằm trong khuôn viên của KCN.

Tuy vậy, với số lượng công nhân trên 13.000 người, việc lưu trú tại ký túc xá của doanh nghiệp FDI này vẫn khó đảm bảo khi còn 10.000 người vẫn đi về giữa nhà xưởng và gia đình.

Phòng dịch nơi các doanh nghiệp như thế nào?

Sáng qua 10-7, đoàn công tác của bộ phận thường trực phòng chống dịch của Bộ Y tế tại TP.HCM, do PGS.TS Nguyễn Văn Sơn - phó viện trưởng Viện Sức khỏe và nghề nghiệp, Bộ Y tế - chủ trì, đã có cuộc kiểm tra, hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp tại KCN Tân Tạo, quận Bình Tân.

Trao đổi với một trong các doanh nghiệp - lãnh đạo Công ty TNHH Việt Nam Paiho, ông Sơn cho biết công ty nên rà soát các kịch bản chống dịch, tổ chức tốt các tổ an toàn COVID-19 trong phân xưởng, với 2-4 người quản lý 50 công nhân để nhanh chóng phát hiện các trường hợp nguy cơ và nhanh chóng truy vết.

Trước đó, khi dịch diễn biến phức tạp tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Bộ Y tế đã hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp phải thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá được quy định tại quyết định 2194.

Trong quyết định 2194, Bộ Y tế đã hướng dẫn kỹ người lao động đang làm việc tại các nhà máy, sinh sống tại ký túc xá công nhân tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe, đảm bảo vệ sinh cá nhân, chuẩn bị bình nước và đồ dùng cá nhân cho thời gian làm việc tại công ty.

Nếu có sốt, đau rát họng, mệt phải cách ly ngay tại nhà, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Trường hợp phải đi công tác tại vùng dịch, nên cân nhắc nếu người đi công tác có bệnh nền.

Tại nơi làm việc, Bộ Y tế hướng dẫn người lao động phải đeo khẩu trang trong toàn thời gian làm việc, không tụ tập đông người khi nghỉ trưa, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh.

Nếu phát hiện bản thân, người cùng làm việc, khách hàng có biểu hiện bệnh phải báo ngay cho người có thẩm quyền. Và khi cần thiết có thể gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế để có biện pháp (1900 3228).

L.ANH

Bắc Ninh áp dụng giải pháp "chưa từng có"

bac ninh1 1(read-only)

Nhà máy sữa Vinamilk (Khu công nghiệp Tiên Sơn) duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 - Ảnh: THÁI UYÊN

Đến ngày 10-7, toàn tỉnh Bắc Ninh đã có 986 doanh nghiệp/1.100 doanh nghiệp (tính riêng khu công nghiệp) với 300.000 lao động đã trở lại làm việc tại các nhà máy. Dự kiến, từ nay đến cuối tháng 7, số công nhân trở lại làm việc sẽ đạt 100%.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 10-7, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết sau hơn 1 tháng triển khai giải pháp "chưa từng có tiền lệ" - bố trí cho công nhân ăn, ở và làm việc tại doanh nghiệp đã giúp Bắc Ninh đạt được mục tiêu kép: sản xuất không bị đình trệ và đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

Chính điều này đã giúp chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh 6 tháng đầu năm tăng 11,8%, xuất khẩu đạt 19 tỉ USD (tăng 29,7%).

Dừng sản xuất 1 ngày, thiệt hại 3.600 tỉ đồng

Ông Tuấn chia sẻ khi dịch COVID-19 xảy ra, tỉnh đã phối hợp cùng cơ quan y tế phân tích về mặt dịch tễ cho thấy, ban đầu dịch diễn biến trong khu công nghiệp chỉ 11% nhưng sau đó 1 tuần, dịch ở khu công nghiệp đã tăng lên tới 23%.

Khi đó tỉnh đánh giá nếu không có biện pháp khẩn trương, nhanh nhất, kịp thời và linh hoạt nhất thì dịch sẽ tăng chóng mặt trong khu công nghiệp, lúc đó có thể khó khống chế được.

Tỉnh cũng xác định không thể để đứt gãy chuỗi sản xuất, không thể "đóng băng" các khu công nghiệp, bởi dừng sản xuất 1 ngày sẽ thiệt hại khoảng 3.600 tỉ đồng.

Chính vì vậy, tỉnh Bắc Ninh đã đề ra các giải pháp khống chế dịch ở hai đầu. Một mặt chống dịch ở doanh nghiệp trong khu công nghiệp, mặt còn lại phòng chống dịch trong cộng đồng dân cư. Tỉnh nhanh chóng quyết định phương án cứng rắn nhất là bố trí công nhân ăn ở tại nhà máy để cô lập dịch.

Tỉnh Bắc Ninh cũng thành lập 40 tổ công tác đi kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp chủ động, sáng tạo xây dựng phương án, kế hoạch và tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch của tỉnh.

Các doanh nghiệp bố trí chỗ ở tạm thời cho người lao động trong khu vực nhà máy hoặc trưng dụng các trường học, thuê nhà nghỉ làm chỗ ở tạm cho công nhân và quản lý chặt chẽ, có xe riêng đưa đón đi làm và trở về nơi ở tuân thủ các quy định phòng chống dịch...

Riêng một số doanh nghiệp lúng túng trong các khâu vận hành sản xuất gắn với phòng dịch, các tổ công tác yêu cầu tạm dừng rồi hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ các nút thắt và yêu cầu tuân thủ bảo đảm "6 An" (an toàn sản xuất, an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn COVID-19, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an tâm sản xuất) thì mới cho phép sản xuất trở lại.

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Ông Tuấn cho hay khi tỉnh đưa ra chủ trương đưa công nhân vào ăn ở, sản xuất tại nhà máy thì nhiều doanh nghiệp rất ủng hộ để bảo vệ công nhân, chuỗi sản xuất.

Tuy nhiên các chủ doanh nghiệp cũng lo lắng vì trong thời gian rất ngắn - chỉ 3 ngày phải xây dựng xong kế hoạch, các phương án đặt ra để đảm bảo an toàn cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức xét nghiệm ngay lần đầu để 3 ngày sau xét nghiệm tiếp lần 2 và được đoàn công tác của tỉnh kiểm tra đảm bảo phòng dịch mới được sản xuất.

Khi ấy, cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc vận động thuyết phục các doanh nghiệp bởi "đây là việc chúng ta không còn đường lùi, không có biện pháp nào khác, nếu muốn duy trì không bị đứt gãy sản xuất. Có như thế mới tránh được việc dịch xâm nhập vào khu công nghiệp, dẫn tới đóng cửa nhà máy và có thể đóng cửa cả khu công nghiệp".

Vừa thuyết phục, tỉnh vừa đồng hành và giải quyết, tháo gỡ, cập nhật những đề xuất của doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp. Mặt khác tỉnh cũng động viên người lao động, công nhân rằng "ở thời điểm này là thời điểm đồng cam cộng khổ nhất với công ty, với nơi tạo công việc, thu nhập cho mình, đây chỉ là giải pháp tạm thời để duy trì sản xuất đồng thời là biện pháp phòng dịch cho chính chúng ta".

Và kết quả đạt được là "trong số 986 doanh nghiệp hoạt động trở lại, mới chỉ có 1 doanh nghiệp bị dịch "lọt" vào. Tuy nhiên ca bệnh chỉ xảy ra ở 1 xưởng, còn 3 xưởng khác vẫn hoạt động bình thường. Cơ bản tổng kết mô hình thì có thể nói đây là sự sáng tạo của Bắc Ninh" - ông Tuấn chia sẻ.

CHÍ TUỆ

Bảo vệ công nhân ngay trong khu dân cư

Đối với phòng chống dịch trong cộng đồng dân cư có mật độ cao về dân số và có nhiều công nhân lưu trú thì tỉnh Bắc Ninh cho thực hiện nghiêm theo chỉ thị 16. Tỉnh cũng tách đối tượng đang tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp ra để quản lý.

Riêng nhóm công nhân tạm thời nghỉ được xác định sẽ là lực lượng duy trì, sẵn sàng thay thế khi có luân chuyển lực lượng lao động. Do đó, việc phòng chống dịch ở cộng đồng dân cư có công nhân lưu trú cần phải làm rất nghiêm túc.

Dựng lều trại cho công nhân ở lại Dựng lều trại cho công nhân ở lại

TTO - Sau khi TP.HCM quyết định áp dụng chỉ thị 16 từ ngày 9-7 để chống dịch, các doanh nghiệp cũng kích hoạt phương án vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, trong đó có việc dựng lều trại tại chỗ cho công nhân ở lại.

VŨ THỦY - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên