08/05/2022 22:19 GMT+7

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học: Đánh giá chất lượng luận án, vai trò người hướng dẫn quan trọng nhất

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Chiều tối 8-5, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo) cho biết bộ sẽ thẩm định những luận án tiến sĩ đang có phản ảnh không xứng tầm.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học: Đánh giá chất lượng luận án, vai trò người hướng dẫn quan trọng nhất - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ thẩm định các luận án tiến sĩ có phản ảnh không xứng tầm - Ảnh: NAM TRẦN

Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ thẩm định những luận án tiến sĩ có ý kiến phản ảnh

Liên quan tới những ồn ào về vụ "tiến sĩ cầu lông" và nhiều đề tài được cho là "không xứng tầm tiến sĩ", dư luận đang lo ngại về việc thiếu chặt chẽ trong quy trình xét duyệt đề tài.

Về việc này, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu đối với luận án tiến sĩ phải là báo cáo tổng hợp kết quả học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh, thể hiện nghiên cứu sinh có khả năng độc lập nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới có giá trị làm gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu, hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể.

Việc đánh giá luận án phải tuân thủ quy trình 3 bước:

Đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn, gửi lấy ý kiến nhận xét đối với luận án của phản biện độc lập và bảo vệ luận án tại hội đồng cấp trường/viện.

Người phản biện luận án là những nhà khoa học, chuyên gia ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài (ít nhất có người không công tác tại cơ sở đào tạo), có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyên môn phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án.

Thành viên hội đồng đánh giá luận án phải là những nhà khoa học có tiêu chuẩn như người hướng dẫn, trong đó chủ tịch hội đồng phải là giáo sư hoặc phó giáo sư ngành phù hợp với chuyên môn của đề tài luận án.

Theo bà Thủy, quy chế cũng quy định phải công bố kết quả nghiên cứu của đề tài luận án trên các tạp chí, sách chuyên môn tham khảo, hội nghị khoa học ở trong hoặc ngoài nước; đăng tải thông tin buổi bảo vệ luận án, nội dung toàn văn luận án trên trang thông tin của Bộ Giáo dục và đào tạo, của các cơ sở đào tạo trước và sau khi bảo vệ luận án.

Việc công khai, minh bạch hóa thông tin nhằm tiếp nhận sự phản hồi, phản biện của xã hội và của những ai quan tâm đến đề tài luận án.

Quy chế cũng quy định Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tổ chức thẩm định nội dung một số luận án tiến sĩ khi có phản ảnh, khiếu nại hoặc tố cáo hay theo yêu cầu của công tác quản lý, kiểm tra và giám sát.

Bộ Giáo dục và đào tạo quy định các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy định riêng của cơ sở đào tạo trên cơ sở cụ thể hóa những quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và đào tạo với yêu cầu ngang bằng hoặc cao hơn nhưng không được trái với những quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.

"Quy định về việc đánh giá chất lượng luận án, hàm lượng khoa học của từng luận án là minh bạch, rõ ràng và trước hết là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và của các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất. Việc này cũng gắn liền với uy tín của người hướng dẫn, của hội đồng đánh giá và của cơ sở đào tạo", bà Thủy nói.

Những quy định này cũng đặt ra yêu cầu cho các cơ sở đào tạo, người hướng dẫn khoa học, những nhà khoa học được tin tưởng giao trọng trách cầm cân nảy mực phản biện luận án.

Đã có 3 cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra Học viện Khoa học xã hội Việt Nam

Với những luận án có phản ảnh và có ý kiến của dư luận, bà Thủy cho biết Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành.

Trước đó dư luận xôn xao về luận án tiến sĩ về nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho cán bộ công chức tỉnh Sơn La vì cho rằng đề tài không xứng tầm luận án tiến sĩ. Từ đây, nhiều đề tài tiến sĩ tương tự khác cũng được đề cập.

Cũng trong thời điểm này, Thanh tra Chính phủ cũng có kết luận về công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo, cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015-2019 của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam gồm rất nhiều nội dung.

Trong đó chỉ ra "Công tác tuyển sinh, đào tạo, quản lý đào tạo từ năm 2017 đến nay cơ bản thực hiện theo các quy định của Nhà nước" và "Trước năm 2017, công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ còn nhiều khuyết điểm, sai phạm (từ năm 2017 đến nay đã cơ bản được khắc phục)".

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ vẫn kiến nghị: "Yêu cầu Học viện Khoa học xã hội bổ sung đầy đủ quy trình đào tạo".

Về việc này, theo bà Nguyễn Thu Thủy, từ năm 2017 đến nay, Học viện Khoa học xã hội đã được thanh tra, kiểm tra bởi 3 cơ quan chức năng: Bộ Giáo dục và đào tạo, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ. Do vậy, "công tác tuyển sinh và đào tạo của học viện thường xuyên được chỉ đạo, chấn chỉnh theo hướng đảm bảo đúng quy định và ngày càng cải tiến chất lượng".

Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, làm việc trực tiếp với Học viện Khoa học xã hội và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để làm rõ các nội dung liên quan.

Song song với việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, Bộ Giáo dục và đào tạo vẫn triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cùng các bên liên quan giám sát việc thực hiện và giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

'Tiến sĩ chọn đại': Cần thanh tra tìm lại sự liêm chính của khoa học

TTO - Học vị tiến sĩ chỉ là tấm vé thông hành để nhà khoa học bước vào con đường nghiên cứu chuyên nghiệp, có những đóng góp thực chất cho xã hội. Nhưng thực tế chất lượng nhiều luận án đang đặt ra nhiều câu hỏi.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên