08/05/2022 10:35 GMT+7

'Nhân bản' đề tài luận án tiến sĩ: Hàng chục đề tài gần giống nhau, sai thể loại

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Không chỉ những đề tài luận án tiến sĩ "lạ lùng" như vụ "tiến sĩ cầu lông" vừa qua, còn có nhiều luận án tiến sĩ đề tài na ná nhau được các hội đồng thông qua và các nghiên cứu sinh bảo vệ thành công.

Nhân bản đề tài luận án tiến sĩ: Hàng chục đề tài gần giống nhau, sai thể loại - Ảnh 1.

Minh hoạ: DAD

Ở lĩnh vực khoa học giáo dục, có khá nhiều luận án tiến sĩ có đề tài khá giống nhau, chỉ khác địa điểm và thời gian thực hiện, tên gọi có thay đổi nhưng chỉ... một vài từ.

Hàng chục đề tài na ná nhau

Năm 2016, Viện Khoa học thể dục thể thao có đề tài "Nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM". Đến năm 2017, viện này tiếp tục cho học viên bảo vệ đề tài "Nghiên cứu lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất cho sinh viên Trường ĐH Hải Phòng".

Cũng trong năm 2016, Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM cho bảo vệ đề tài "Ứng dụng một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho sinh viên Trường ĐH tư thục Hoa Sen TP.HCM". Năm 2020 trường này tiếp tục có đề tài tương tự "Nghiên cứu xây dựng một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất của Trường ĐH Phú Yên".

Cùng đề tài, chỉ khác địa điểm, năm 2020 Trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh có nghiên cứu sinh bảo vệ đề tài "Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho sinh viên các trường ĐH tại TP Vinh".

Ở ngành lịch sử Việt Nam, có hơn chục đề tài về "chuyển biến kinh tế xã hội", tỉnh nào cũng "chuyển biến kinh tế xã hội": "Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Thái Nguyên từ năm 1997 đến năm 2010" (bảo vệ năm 2013), "Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Hà Nam từ năm 1997 đến năm 2012" (bảo vệ năm 2017),

"Quá trình chuyển biến cơ cấu kinh tế của tỉnh Ninh Bình từ năm 1992 đến năm 2012" (bảo vệ năm 2017), "Chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông từ năm 2004 đến năm 2015", "Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang từ năm 1986 đến năm 2010"...

Phần lớn những đề tài này được bảo vệ tại Học viện Khoa học xã hội. Nhiều đề tài có thời gian thực hiện khác nhau nhưng ý tưởng đề tài gần như giống nhau, cùng người hướng dẫn.

Sai thể loại

TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - cho rằng sự "nhân bản" này phản ánh "một trào lưu đáng sợ" trong hoạt động đào tạo nghiên cứu sinh hiện nay là làm cho xong, các cơ sở đào tạo cũng khá dễ dãi thông qua.

Tương tự, TS Nguyễn Khắc Thái - nguyên giảng viên ĐH Huế - phân tích luận án tiến sĩ là một đề tài khoa học, không phải là một báo cáo về hiện tượng hay diễn tiến hiện tượng tự nhiên, xã hội.

Trong chỉnh thể của đất nước hiện nay, các địa bàn mà luận án nghiên cứu có khác nhau về vị trí địa lý, chút ít về điều kiện tự nhiên, nhưng địa chính trị, địa văn hóa lại khá gần gũi trong tương quan với việc thực hiện chính sách vĩ mô. Vì thế, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thường ít khi dành riêng cho một địa bàn cụ thể.

"Giáo dục thể chất cho sinh viên có gì khác nhau giữa các trường ĐH mà có tới mấy đề tài cùng nội dung và cùng cấu trúc, chỉ khác tên trường? Tôi không đánh giá thấp các công trình của nghiên cứu sinh mà là sai thể loại.

Những công trình đó nếu sử dụng để đánh giá xếp loại chuyên viên thì đúng hơn cấp học vị tiến sĩ" - ông Thái nói. Ngoài ra, ông Thái cũng nói thêm: "Đây là sự thiếu trách nhiệm của người hướng dẫn. Hội đồng và cơ quan đào tạo thì cốt đủ thủ tục chứ không kiểm soát nội dung khoa học".

Những "tiến sĩ làng nhàng"

Theo TS Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị ĐH FPT, việc nghiên cứu tiến sĩ ở nước ngoài thường dựa trên những vấn đề đã được nghiên cứu trước đó và phát triển thêm cái mới.

Ở Việt Nam, luận án tiến sĩ thường bắt đầu từ con số 0, không dựa trên các nghiên cứu trước đó để phát triển thêm nên thường trùng lặp. Người hướng dẫn phải là chuyên gia lĩnh vực để biết cái nào đã được nghiên cứu và định hướng phát triển thêm thế nào.

Theo ông Tùng, hiện tượng này đã "xảy ra cả chục năm rồi". "Những người lúc trước được hướng dẫn sơ sài, kém chất lượng đã có bằng tiến sĩ. Họ đã và đang tiếp tục hướng dẫn cho nhiều thế hệ tiến sĩ khác theo cách chất lượng không cao như vậy.

Điều này rất nguy hiểm vì nó sẽ tạo ra thêm rất nhiều tiến sĩ làng nhàng. Trước đây bằng tiến sĩ do bộ trưởng ký, giờ giao cho các trường. Điều này dẫn đến cơ cấu hội đồng nội bộ hoặc liên trường nhưng có nguy cơ hình thành nhóm lợi ích, thỏa hiệp để cho qua dễ dãi những đề tài chưa đảm bảo chất lượng" - ông Tùng nói.

Lý giải thêm về đề tài tiến sĩ na ná, TS Lê Đông Phương cho rằng có sự vị nể nhau. Nhiều giảng viên sau khi tốt nghiệp xong tiến sĩ ở lại trường dạy nên sẽ có sự e dè, tránh va chạm với các thầy của mình. Từ đó tư duy học thuật đi theo lối mòn của vài "lão thành", không đổi mới hay khám phá mới về học thuật.

Phương Tây gọi là "nhân giống cận huyết khoa học". Các thế hệ sau cứ thế mà "diễn". "Trong bối cảnh đó khi thầy dễ dãi và không có tư duy mới thì nghiên cứu sinh sẽ có những luận án nhàng nhàng để dễ được thông qua, cơ sở đào tạo cũng không quan tâm đến ý nghĩa xã hội hay đóng góp khoa học của luận án.

Và đó là lý do có nhiều luận án giống báo cáo tổng kết hay thu hoạch sau một khóa tập huấn" - ông Phương nói thêm.

"Đừng gắn bằng cấp với bổ nhiệm nữa"

Ông Lê Trường Tùng cho rằng lý do quan trọng khác dẫn đến thạc sĩ, tiến sĩ làng nhàng là các quy định về bổ nhiệm hiện nay. "Đừng gắn bằng cấp với việc bổ nhiệm nữa. Đây là lý do người ta đổ xô đi học thạc sĩ để chuẩn bị cho việc bổ nhiệm sau này.

Mục đích học cho có bằng như vậy nên mới xảy ra tình trạng dễ dãi trong đào tạo, thậm chí có luận án tiến sĩ về khoa học giáo dục nhưng không có nội dung nào về giáo dục cũng được thông qua" - ông Tùng nêu ý kiến.

Ông Lê Đông Phương cũng cho rằng cần có những hình thức phản biện mạnh hơn, ràng buộc trách nhiệm của cơ sở đào tạo, giảng viên hướng dẫn và các hội đồng với kết quả luận án. Nếu ràng buộc trách nhiệm như vậy sẽ hạn chế tình trạng "chạy thầy" vì chạy cả mấy chục thành viên các hội đồng sẽ khó...

Coi trọng chất lượng đào tạo, xã hội mới phát triển

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện Nghiên cứu City of Hope, California, Hoa Kỳ, tiến sĩ được xem là bằng cấp cao nhất trong lĩnh vực học thuật. Việc đào tạo tiến sĩ có thể có chút khác biệt ở từng nơi với những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau.

Tuy nhiên bản chất chung của việc này là chứng nhận người đó đã "chạm đến" ranh giới kiến thức nhân loại, đã "đóng góp" trong việc "nới rộng" kiến thức đó ra. Chất lượng đào tạo tiến sĩ và chất lượng công trình nghiên cứu tiến sĩ nên luôn được coi trọng thì xã hội mới phát triển bền vững được.

Luận án tiến sĩ: Đừng để hội đồng tư vấn, đánh giá như Luận án tiến sĩ: Đừng để hội đồng tư vấn, đánh giá như 'nồi lẩu thập cẩm'

TTO - Đề cao trách nhiệm của hội đồng tư vấn, đánh giá luận án tiến sĩ; việc hậu kiểm luận án cần phải được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt cần phải xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Đó là ý kiến của một tiến sĩ cho việc phê duyệt luận án tiến sĩ.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên