Ngày 30-12-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm với nhiều điểm mới, nhằm khắc phục được những tồn tại trong hoạt động dạy thêm, học thêm thời gian qua.
Vì sao Bộ GD-ĐT "siết" nhóm học sinh được học thêm trong trường?
Lý giải việc thông tư về dạy thêm, học thêm mới đã hạn chế nhóm học sinh được nhà trường tổ chức dạy thêm trong trường, ông Thành khẳng định dạy thêm học thêm là do nhu cầu của cả người học lẫn người dạy.
Tuy nhiên ông cho biết qua theo dõi, nắm bắt thực tế, bộ thấy rằng cũng có bộ phận học sinh có nhu cầu và tự nguyện học thêm, nhưng cũng có tình trạng các em dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do chính thầy cô, trường học của mình tổ chức.
"Một bộ phận học sinh đang phải đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô hay thậm chí vì bài kiểm tra không bị lạ lẫm", ông Thành nói.
Theo ông, các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh.
Bộ cũng giao cho các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường làm sao đảm bảo hiệu quả, và thầy cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, nhằm đạt mục tiêu của chương trình 2018 đó là phát triển năng lực học sinh.
"Như vậy về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình", ông Thành nói.
Điểm mới trong thông tư lần này là Bộ GD-ĐT quy định 3 nhóm học sinh được nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường nhưng không được thu tiền của học sinh, gồm: học sinh có kết quả học tập môn học ở mức chưa đạt, học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh.
Ông Thành cho biết với quy định này, đã có trường băn khoăn có thể vướng, tuy nhiên theo ông Thành, đây là việc nhà trường hoàn toàn có thể sắp xếp giáo viên phụ trách các môn học một cách hợp lý để dành cho việc ôn thi, giúp các em củng cố, tổng hợp lại kiến thức.
"Hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, các em có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc...
Tôi tin rằng những người làm nghề, tâm huyết với nghề, với thế hệ trẻ sẽ thấy điều này cần thiết", ông Thành nói.
"Không cấm giáo viên dạy thêm ngoài trường"
Trước ý kiến cho rằng việc "siết" dạy thêm trong nhà trường có thể dẫn tới việc phụ huynh, giáo viên phải tràn ra các trung tâm chi phí đắt đỏ, đi lại khó khăn, ông Thành cho rằng nếu học sinh không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, em nào có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện của bản thân.
Trước lo ngại của giáo viên về việc "không dạy thêm sẽ giảm thu nhập", theo ông Thành, thông tư không cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường. Ông cho rằng nếu nhà giáo nỗ lực, là giáo viên giỏi, thật sự tâm huyết, đem lại giá trị cho học sinh chắc chắn sẽ không thiếu học sinh tìm đến học.
"Thông tư mới chỉ quy định giáo viên được trường phân công dạy học sinh trong trường thì không được dạy thêm có thu tiền với các em đó ở bên ngoài, nhằm hạn chế được tình trạng giáo viên kéo học sinh ra ngoài học thêm, cắt giảm kiến thức trên lớp để dạy thêm", ông Thành nói.
Đồng thời ông Thành cũng cho rằng nếu nói nhà trường không tổ chức ôn thi, chất lượng giảm sút hay không tổ chức cho tất cả học sinh/lớp để ôn thi đại trà mới mang lại điểm số tốt là chưa thỏa đáng.
Theo ông, khi đã là quy định toàn quốc, các địa phương thực hiện một cách bình đẳng, công bằng và không cần quá lo lắng, đặt nặng vấn đề rồi xếp lớp để học sinh luyện thi sáng, trưa, chiều, tối.
"Chúng ta cần khắc phục tình trạng học sinh hằng ngày tới trường ken đặc lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức...", ông Thành nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận