Nhờ bố vợ, vợ, em vợ, em ruột đứng tên 'công ty ma'
Trả lời thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Mạc Văn Nguyện (45 tuổi, làm dịch vụ xuất nhập khẩu, giám đốc nhiều 'công ty ma') thừa nhận hành vi như cáo trạng.
Theo đó, bị cáo Nguyện bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về 3 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Cụ thể, ông Nguyện bị cáo buộc có vai trò giúp sức tích cực cho Trịnh Tiến Dũng, trực tiếp điều hành các hoạt động trong nước từ tháng 12-2018 đến tháng 12-2019.
Theo cáo trạng, ông Nguyện tham gia mua bán linh kiện điện tử, giúp Dũng chiếm đoạt hơn 56 tỉ đồng thông qua việc hoàn thuế giá trị gia tăng của Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh.
Ngoài ra, ông này còn thực hiện nhập lậu 39 lô hàng giá trị 72 tỉ đồng từ nước ngoài về Việt Nam; sử dụng các công ty của Dũng trong và ngoài nước ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa giả, kém chất lượng, tạo dòng tiền hợp thức hóa việc vận chuyển trái pháp luật 1.115 tỉ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.
Bên cạnh đó, ông Nguyện cũng bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh truy tố về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, khi giúp sức cho Trịnh Tiến Dũng dùng các công ty của Dũng làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm vận chuyển tiền trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.
Theo ông Nguyện, các hành vi trong vụ án ở Tây Ninh trùng với hành vi trong vụ án này. Tuy nhiên, chủ tọa cho biết đó là hành vi độc lập của bị cáo. Hội đồng xét xử chỉ xem xét hành vi trong vụ án này thôi.
Ông Nguyện nói ông biết Trịnh Tiến Dũng từ năm 2014 và làm nhân viên cho ông Dũng từ năm 2015 đến 2017.
Ông Nguyện thực hiện theo sự chỉ đạo của Trịnh Tiến Dũng mua các chứng minh nhân dân trôi nổi, làm giả chứng minh nhân dân, thành lập công ty để ký khống các hợp đồng mua bán hàng hóa; thành lập và nhờ em trai, em cột chèo, vợ, chị vợ, em vợ, bố vợ, bạn vợ... đứng tên giám đốc 24 công ty.
Trong vụ án này, ông Nguyện đã đưa em trai là bị cáo Mạc Thành Đan, vợ là bị cáo Lưu Thị Liễu, chị vợ là bị cáo Lưu Thị Nương, em vợ, em cột chèo là Dư Trường Phong cùng vào làm cho Dũng và cùng bị truy tố trong vụ án này.
Ông Nguyện khẳng định không được hưởng lợi gì mà chỉ đứng tên giùm ông Dũng vì tin tưởng.
Các bị cáo Mạc Thành Đan, Võ Thị Ngọc Hạ, Dương Hoàng Ý Nhi, Trần Nhất Thanh, Nguyễn Hoàng Lân... thừa nhận hành vi như cáo trạng nêu.
Kế toán của ông Trịnh Tiến Dũng kêu oan
Bị cáo Lê Thị Diệu Quỳnh (kế toán Công ty TNHH thương mại dịch vụ điện tử Vùng đất máy tính và Công ty TNHH thương mại dịch vụ điện tử Minh Tâm) không đồng ý với toàn bộ nội dung cáo trạng.
Bị cáo này cho rằng về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, bị cáo có thu chi tiền của khách, chuyển khoản theo chỉ đạo của cấp trên nhưng không cân đối tiền như cáo trạng nêu.
Bị cáo là kế toán phụ trách thu chi cho Trịnh Tiến Dũng. Cụ thể, từ tháng 3-2019, Quỳnh theo dõi tài khoản cá nhân của Dũng, đầu năm 2020 thì theo dõi thêm tài khoản của Trần Nhất Thanh.
Quỳnh cho rằng khi cấp trên nói chuyển khoản thì chuyển, chứ không biết nội dung chuyển là gì. Khi chuyển xong thì báo cáo với sếp, chứ không cân đối dòng tiền.
Quỳnh khẳng định bị cáo chỉ theo dõi thu chi tài khoản cá nhân nên không thể biết là hàng hóa giả, hợp đồng khống hay công ty ma.
Chủ tọa cho rằng bị cáo cần xem lại việc thu chi như vậy có đúng với Luật Kế toán không.
Về việc góp vốn, Quỳnh khai chỉ nghĩ việc kinh doanh bình thường của công ty. Ban đầu bị cáo làm lương 5 triệu/tháng, sau này tăng lên 10 triệu/tháng, nhưng do khối lượng thu chi nhiều nên xin nghỉ việc thì ông Trịnh Tiến Dũng đã dụ ở lại làm việc và cho góp vốn vào công ty.
"Bị cáo không hề biết việc góp vốn này nhằm mục đích lừa đảo tiền của Nhà nước. Bị cáo chỉ là phương tiện để ông Dũng lừa đảo. Bị cáo góp vốn khoảng 200 triệu nhưng số tiền này vẫn nằm trong sự quản lý của ông Dũng, chưa được hưởng lợi đồng nào" - Quỳnh khóc nói.
Theo cáo trạng, Quỳnh phụ trách tài chính, quản lý thu chi, cân đối dòng tiền ra, vào các công ty ‘ma’ để ký các hợp đồng trong nước và các hợp đồng xuất nhập khẩu từ cuối năm 2018 đến tháng 12-2020. Các công ty này xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam để Thuduc House, Sài Gòn Tây Nam xuất khẩu, hoàn hàng trăm tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra Quỳnh còn góp vốn với Trịnh Tiến Dũng nhiều lần với tổng số 1,7 tỉ đồng để phục vụ mua bán, xuất khẩu linh kiện điện tử quay vòng với Công ty Sài Gòn Tây Nam, thu lợi 226 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận