14/02/2025 13:23 GMT+7

Vụ thu bảo hiểm bằng cà phê: Xin ý kiến Tổng công ty Cà phê Việt Nam

Công ty thu bảo hiểm xã hội công nhân bằng cà phê tại Gia Lai nói sẽ xin ý kiến Tổng công ty Cà phê Việt Nam sau phản ánh của báo Tuổi Trẻ.

Vụ thu bảo hiểm bằng cà phê: Xin ý kiến Tổng công ty Cà phê Việt Nam - Ảnh 1.

Công nhân Công ty Cà phê Ia Sao 1 bức xúc phản ánh việc thu bảo hiểm xã hội bằng cà phê - Ảnh: TẤN LỰC

Ngày 14-2, lãnh đạo Công ty Cà phê Ia Sao 1 (huyện Ia Grai, Gia Lai), cho hay sẽ có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tổng công ty Cà phê Việt Nam sau phản ánh của Tuổi Trẻ về việc thu bảo hiểm xã hội công nhân bằng cà phê.

Ông Trịnh Xuân Bảy - giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 1 - nói công ty hoạt động theo mô hình hạch toán phụ thuộc, nên tất cả các phương án thu đều thực hiện theo chỉ đạo của Tổng công ty Cà phê Việt Nam. 

Do đó, nếu bây giờ làm lại phương án thu phải trình tổng công ty để xin chỉ đạo hướng xử lý.

Ông Bảy thông tin trước đây công ty thu bảo hiểm bằng tiền, không thu bằng sản phẩm. 

Nhưng sau đó thấy các đơn vị khác chuyển qua thu sản phẩm tốt hơn, trong khi công ty không thu được tiền, công nhân cứ nợ, nên sau này chỉ đạo đóng bằng sản phẩm.

Theo đơn vị, trước đây có tình trạng công nhân nợ tiền rồi bỏ vườn, đến nay tổng các khoản nợ khó đòi của người lao động vẫn còn khoảng 8 tỉ đồng.

Ông Bảy giải bày cuối năm 2022, khi xây dựng phương án thu, giá cà phê chưa tăng đột biến như bây giờ. Ví dụ trước đây 5 tấn cà phê tươi chỉ 50 triệu đồng, giờ đã lên 150 triệu đồng. Nhìn vào giá hiện nay thấy rõ là có độ chênh, nhưng cà phê lên giá cả công ty và công nhân đều được hưởng lợi.

Ông nói rằng việc thu bảo hiểm bằng cà phê phải xem xét trên nhiều góc độ. Theo phương án này, nếu giá không tăng mà giảm sâu, ví dụ còn 5.000 đồng/kg, thì công ty phải bỏ thêm vào để đóng bảo hiểm cho công nhân.

"Tôi sẽ làm báo cáo tổng công ty, xem ý kiến trả lời thế nào thì mình làm vậy vì các hợp đồng đã ký kết rồi, không thể tự thay đổi được" - ông Bảy nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo phụ trách công đoàn công ty này cho biết khi xây dựng phương án khoán, đa số lao động đều thống nhất. Nhưng hiện nay giá cà phê lên cao, một số người so sánh giá thị trường và có những ý kiến khác nhau. 

Phương án khoán được duy trì ổn định trong thời gian 5 năm, do đó cần phải tính toán biến động giá suốt chu kỳ.

Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, nhiều công nhân nhận khoán tại Công ty Cà phê Ia Sao 1 và Công ty Cà phê 706 (thành viên Tổng công ty Cà phê Việt Nam) bức xúc với phương án thu bảo hiểm xã hội bằng cà phê.

Theo đó, mỗi công nhân phải đóng bảo hiểm xã hội hơn 1,7 tấn cà phê tươi và 5 -10 triệu đồng cho công ty mỗi năm. Mức thu này cao hơn rất nhiều mức công ty thực đóng cho cơ quan bảo hiểm nếu quy cà phê ra giá thị trường.

Người lao động nêu nguyện vọng được đóng bằng tiền tương đương với mức công ty đóng cho cơ quan bảo hiểm như các năm trước đây.

Vụ thu bảo hiểm bằng cà phê: Xin ý kiến Tổng công ty Cà phê Việt Nam - Ảnh 3.Lạ lùng bắt công nhân đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê

Hai công ty cà phê tại Gia Lai yêu cầu công nhân đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê gây ra nhiều bức xúc, phản ứng từ người lao động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên