15/03/2023 08:02 GMT+7

Vụ SVB: Đồng tiền liền khúc ruột

Bất chấp những trấn an của chính quyền cũng như giới lãnh đạo tài chính, khách hàng của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) vẫn ồ ạt kéo đến rút tiền từ sáng đầu tuần mới (13-3).

Khách hàng chờ rút tiền tại chi nhánh SVB ở Mỹ vào sáng 13-3 - Ảnh: AFP

Khách hàng chờ rút tiền tại chi nhánh SVB ở Mỹ vào sáng 13-3 - Ảnh: AFP

Thậm chí có người đàn ông mang theo ghế xếp đến trước cổng chi nhánh ngân hàng từ 4h sáng. Người này không giấu giếm lý do: "Tôi chịu khó dậy sớm xếp hàng chờ vì một lý do duy nhất: rút tiền của tôi về càng sớm càng tốt. Mặc ai nói gì thì nói, thấy tình hình này thì không thể không lo". Nói thẳng ra, ai cũng vậy, từ cá nhân đến công ty, đồng tiền liền khúc ruột.

Chúng ta cần phải đánh giá một cách toàn diện, cẩn trọng và kỹ lưỡng về cách chúng ta giám sát và quản lý ngân hàng này, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm.

Phó chủ tịch giám sát của Fed Michael Barr

Thị trường mất gần 500 tỉ USD

Thị trường cũng phản ứng rất mạnh mẽ, bất chấp những tuyên bố trấn an của lãnh đạo Mỹ, từ Tổng thống Joe Biden cho đến Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và các lãnh đạo tài chính châu Âu. Trong sáng 14-3, thị trường chứng khoán châu Á chìm trong "sắc đỏ" do nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ. 

Thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật), thị trường Sydney (Úc) và thị trường Seoul (Hàn Quốc) đều ghi nhận mức giảm điểm gần 2%, trong khi các thị trường Hong Kong, Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) đều bị những đợt bán tháo cổ phiếu ồ ạt.

Giới tài chính châu Âu "chặn sóng" ảnh hưởng của vụ SVB tốt hơn, như theo giải thích của chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) Paschal Donohoe là "mô hình ở châu Âu khác hẳn. Các ngân hàng của chúng tôi nhìn chung đang trong trạng thái tốt". 

Theo ông Donohoe, các ngân hàng trong khối Eurozone đã được củng cố mạnh mẽ trong những năm gần đây, đồng thời cũng chịu sự giám sát chặt chẽ của nhà chức trách ở mỗi quốc gia và của các cơ quan châu Âu nên không có rủi ro.

Trong vụ sụp đổ nhanh chóng của SVB, giới ngân hàng và tài chính nhìn chung rất sợ tình trạng "bank run" (khách hàng đổ xô đi rút tiền cùng lúc) sẽ gây ra những hệ lụy khó lường. Tình hình đến lúc này không có dấu hiệu cho thấy hiệu ứng domino như hồi năm 2008, sau vụ sụp đổ Ngân hàng Lehman Brothers nhưng tác hại hiện cũng không nhỏ. 

Theo Hãng tin Bloomberg, khoảng 465 tỉ USD đã "bốc hơi" khỏi thị trường cổ phiếu tài chính toàn cầu trong ba ngày qua.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết đang tiến hành đánh giá công tác quản lý với SVB cũng như nguyên tắc hoạt động của nó sau khi ngân hàng này thông báo phá sản hồi cuối tuần trước. Việc này được giao cho ông Michael Barr, phó chủ tịch phụ trách giám sát của Fed, và kết luận sẽ được công bố ngày 1-5 tới. Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định: "Các diễn biến xung quanh vụ sụp đổ của SVB đòi hỏi Fed phải xem xét kỹ lưỡng, minh bạch và nhanh chóng".

Thời "dòng tiền dễ dàng" đã qua

SVB là nhà cho vay quan trọng đối với các công ty khởi nghiệp trên khắp nước Mỹ từ những năm 1980. Vì Ngân hàng Trung ương Mỹ nâng lãi suất nên người ta tìm cách đầu tư tiền vào những gói sản phẩm tài chính khác sinh lợi hơn, khiến cho các ngân hàng kiểu như SVB cạn tiền nhanh chóng vì loại ngân hàng này cần rất nhiều tiền mặt.

Các chuyên gia tài chính đều dự báo thời của "dòng tiền dễ dàng" đã qua rồi. Giáo sư Yamina Tadjeddine của Trường ĐH Lorraine kiêm phó giám đốc Văn phòng kinh tế lý thuyết và thực hành (BETA) cho rằng giờ đây các ngân hàng và thể chế tài chính từng hưởng lợi từ dòng tiền dễ dàng như trên phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình. Còn nhà đầu tư công nghệ Asheesh Birla dự báo trong những ngày tới giới khởi nghiệp sẽ đổ xô đi mở tài khoản ở các ngân hàng lớn.

Nhưng có thể thấy rằng trong vụ SVB này, như mô tả của đặc phái viên báo Le Monde, thiên hạ không thấy xót thương gì cho ban lãnh đạo ngân hàng cũng như các cổ đông và cả với các khách hàng là giới start-up công nghệ. Họ cho rằng giới này làm giàu quá nhanh, càng giàu hơn trong hơn hai năm mà hầu như cả thế giới oằn mình chịu đựng dịch COVID-19. Giờ thì họ phải trả giá, có ăn có chịu.

Lãnh đạo của SVB từng điều hành Lehman Brothers

Sau khi SVB bị đóng cửa vào ngày 10-3, truyền thông mới moi ra chuyện giám đốc hành chính của ngân hàng này - ông Joseph Gentile - vốn là một trong các lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Lehman Brothers trước khi nó phá sản.

Ông Joseph Gentile từng là giám đốc tài chính của Ngân hàng Đầu tư toàn cầu thuộc Lehman Brothers nhưng rời đi vào năm 2007. Vụ phá sản của Lehman Brothers vào tháng 9-2008 từng gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sau đó.

Giá vàng thế giới tăng phi mã sau thảm họa SVBGiá vàng thế giới tăng phi mã sau thảm họa SVB

Giá vàng thế giới chiều nay, 14-3, đã vọt lên 1.910,8 USD/ounce (tương đương 54,7 triệu đồng/lượng), cũng là mức cao nhất trong vòng một tháng qua, sau vụ phá sản lớn thứ 2 trong lịch sử ngân hàng Mỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên