20/11/2019 10:08 GMT+7

Vụ nhân viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội dâm ô nhiều bé gái: Sàng lọc, giám sát nhân viên

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - 18 cơ sở bảo trợ xã hội được yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý, sàng lọc, giám sát nhân viên. Các cơ sở này cũng được yêu cầu lắp đặt camera để bảo đảm an toàn cho trẻ em và các nhóm cần trợ giúp xã hội tại những cơ sở này.

Vụ nhân viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội dâm ô nhiều bé gái: Sàng lọc, giám sát nhân viên - Ảnh 1.

Các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp (TP.HCM) trong một ngày hội vui chơi được tổ chức ở trung tâm - Ảnh: VŨ THỦY

Đó là yêu cầu của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM sau khi xảy ra vụ việc nhân viên Trung tâm hỗ trợ xã hội dâm ô nhiều bé gái. Cụ thể, sở đã yêu cầu khối cơ sở bảo trợ, trong đó có 5 cơ sở dành riêng cho trẻ em, siết chặt quản lý cũng như xem xét lại đội ngũ nhân viên, cơ sở vật chất.

Đó là một nỗi đau

"Sự việc xảy ra ở Trung tâm hỗ trợ xã hội là sự đau đớn của sở. Chúng tôi không bao che, dung túng cho cán bộ, nhân viên làm sai" - ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nói với Tuổi Trẻ. 

Ông Tấn cho biết hiện nay sở có 18 cơ sở bảo trợ đang nuôi dưỡng chăm sóc 6.300 người, trong đó có 5 cơ sở dành cho trẻ em, còn lại là người già, khuyết tật, tâm thần... với 80% là người dân từ các tỉnh.

Tất cả những người lang thang, ăn xin, khuyết tật không có nơi cư trú khi được phát hiện đều được tập trung vào Trung tâm hỗ trợ xã hội. Trung tâm này là nơi tiếp nhận ban đầu, sau đó tiến hành xác minh, phân loại đối tượng. 

Nếu là trẻ em hay người có nơi cư trú thì sẽ được xem xét hồi gia, không có nơi cư trú thì được chuyển đến các trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc lâu dài. Các em không nơi nương tựa ở các trung tâm được nuôi dưỡng, học tập, được dạy nghề để có thể hòa nhập với cộng đồng khi đủ điều kiện.

Theo ông Tấn, Trung tâm hỗ trợ xã hội là nơi tiếp nhận đầu vào nên cần được tập trung chấn chỉnh trước tiên. "Trong thời gian qua, ban giám đốc trung tâm đã buông lỏng quản lý. Sở đã yêu cầu tăng cường khâu kiểm tra, xác minh của phòng quản lý hồ sơ - giáo dục tư vấn, đặc biệt là đối với trẻ em. 

Nếu trẻ có nơi cư trú thì liên lạc thân nhân để trẻ sớm hồi gia. Không có nơi cư trú thì đưa ngay về các cơ sở bảo trợ xã hội, không thể để các em ở lâu tại trung tâm. Đây chỉ là nơi tiếp nhận ban đầu với đối tượng đa dạng, hỗn hợp và không có cơ sở vật chất, nơi ở, nhân viên chăm sóc chuyên biệt cho các em nên để càng lâu càng phức tạp" - ông Tấn nói.

Tại buổi làm việc với các cơ sở bảo trợ ngày 19-11, Sở LĐ-TB&XH TP cũng đã yêu cầu các cơ sở rà soát, hoàn thiện hệ thống camera. 

"Hiện nay các cơ sở, trong đó có Trung tâm hỗ trợ xã hội đã lắp đặt camera. Qua sự việc vừa rồi, chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở phải hoàn thiện hệ thống camera. Nơi nào thiếu thì phải bổ sung để hỗ trợ giám sát, hạn chế tiêu cực" - ông Tấn nói thêm.

Quan tâm điều trị tâm lý cho các em

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Lê Minh Tấn cho biết sau khi phát hiện sự việc nhiều trẻ em gái bị dâm ô, cán bộ phòng bảo trợ xã hội của sở cũng đã tiếp xúc tìm hiểu tình trạng tâm lý của các em, hạn chế cho các em tiếp xúc với báo chí, tăng cường vui chơi, sinh hoạt để các em có thời gian ổn định.

Còn theo chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự, việc trẻ em bị xâm hại ở các mức độ có ảnh hưởng như nhau. Trẻ không chỉ tổn thương về thể xác mà sẽ có những vết thương tinh thần không thể xóa được. 

"Đối với trẻ lang thang, không nơi nương tựa, không có sự quan tâm của gia đình, thiếu thốn tình cảm, thiếu thốn chăm sóc, yêu thương của người thân thì mức độ tổn thương càng lớn. 

Đặc biệt khi bị chính những người giúp đỡ trẻ, những người được xem là cho trẻ một cơ hội để được yêu thương thì ảnh hưởng xấu càng tăng lên. Trẻ mất dần niềm tin vào xã hội, vào những người có thể đến với trẻ trong tương lai" - ông Sự chia sẻ.

Ông Sự cho rằng đối với các trường hợp trẻ bị xâm hại, nếu trẻ vẫn sống trong môi trường có thể gợi nhắc đến vấn đề đã xảy ra thì rất khó để trẻ vượt qua được. Sự hồi phục của trẻ tùy thuộc vào khả năng tâm lý của trẻ, vào sự chăm sóc, yêu thương của những người xung quanh. Trẻ cần có môi trường mới, người chăm sóc tốt hơn. 

Hiện nay có những tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ chăm sóc trẻ ở một nơi tách biệt với người thân và những người đã từng chăm sóc trẻ. Những tổ chức này không chỉ giúp trẻ học hành mà còn giúp các em chữa lành vết thương. "Do đó việc gửi trẻ đến những trung tâm này để trẻ phục hồi tốt hơn gửi trẻ về ngay với gia đình" - ông Sự chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Sự, các trung tâm bảo trợ cũng phải trang bị cho trẻ biết cách lên tiếng, từ chối khi bị yêu cầu và lên tiếng tố cáo người có hành vi xâm hại các em. 

"Hiện nay, xã hội đang đẩy mạnh việc trang bị cho trẻ kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Chính những trẻ em yếu thế, không có sự chăm sóc, quan tâm của gia đình thì càng có nguy cơ cao. Do đó các em càng phải được trang bị kỹ lưỡng hơn" - ông Sự nói.

Ông Lê Minh Tấn - giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP - cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu các trung tâm tăng cường siết chặt kỷ cương, tuân thủ quy định và chấn chỉnh hành vi, tác phong, đạo đức của cán bộ, nhân viên. Người lang thang, trẻ em không nơi nương tựa là các đối tượng yếu thế cần được bảo vệ và có quyền con người".

Sau vụ dâm ô ở trung tâm xã hội: Lắp đặt thêm camera để phòng tránh Sau vụ dâm ô ở trung tâm xã hội: Lắp đặt thêm camera để phòng tránh

TTO - Đó là một trong những biện pháp mà các cơ sở bảo trợ xã hội được yêu cầu thực hiện để bảo đảm công tác quản lý, chăm sóc trẻ em tại các cơ sở này sau khi xảy ra vụ việc nhân viên Trung tâm hỗ trợ xã hội dâm ô nhiều bé gái.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên