Cho nên Vu lan không chỉ là báo ân cha mẹ và ông bà tổ tiên.
Đây là chia sẻ của hòa thượng Thích Gia Quang - phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương - tại chương trình Vu lan - Đạo hiếu và Dân tộc năm 2024 tối 10-8 tại Nhà hát lớn, Hà Nội.
Chương trình thường niên này được Ban Thông tin Truyền thông Trung ương - Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức vào mùa Vu lan báo hiếu hằng năm (ngoại trừ 2 năm COVID-19) từ 2014.
Hiếu hạnh là khuôn vàng, thước ngọc
Hòa thượng Thích Gia Quang nói từ nghìn xưa đến nay, hiếu hạnh được xem như khuôn vàng, thước ngọc để thẩm định giá trị đạo đức con người.
Ngày lễ Vu lan không chỉ đơn thuần là một ngày lễ tôn giáo thiêng liêng, mà còn là một ngày lễ của tình người có ý nghĩa đặc biệt, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, trở về với đạo lý uống nước nhớ nguồn, với tổ tiên.
Vì lẽ đó, chương trình Vu lan - Đạo hiếu và Dân tộc được xây dựng với hai phần gồm các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội và chương trình nghệ thuật Vu lan.
Với hoạt động báo ân quốc gia xã hội, mỗi năm ban tổ chức chọn những địa danh gắn với truyền thống lịch sử, những ngày lễ kỷ niệm quan trọng của đất nước để có các hoạt động vì cộng đồng.
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, từ tháng 5 đến tháng 8-2024 ban tổ chức đã thực hiện những hoạt động tưởng niệm, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1 ở Điện Biên Phủ.
Và thực hiện các công trình an sinh xã hội ở thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Tổng giá trị quà tặng dành cho chuỗi hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội của chương trình lên đến 5 tỉ đồng.
Nghe rap về đạo hiếu lễ Vu lan
Phần nghệ thuật của chương trình cũng được xây dựng trên tinh thần báo ân cha mẹ và báo ân quốc gia xã hội.
Do đó phần này cũng gồm các tiết mục biểu diễn ngợi ca công lao trời biển của cha mẹ, ca ngợi tứ ân trong đạo Phật và tôn vinh, khắc ghi công ơn các anh hùng, liệt sĩ với bốn chương: Hoa hồng nhỏ, Ngồi lên vai cha, Tổ quốc ơi!, Cảm xúc Vu lan.
Khán giả không chỉ được nghe, xem giọng hát ngọt ngào, trình diễn đặc sắc của các ca sĩ Lê Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Anh, Duyên Quỳnh, 9 show, hợp xướng Gió Xanh… mà còn được nghe… rap về đạo hiếu.
Nhóm rap Tứ Trọng Ân hát rap về tứ trọng ân trong đạo Phật
Nhóm rap có cái tên mang đầy tinh thần Phật giáo là Tứ Trọng Ân đã mang đến bất ngờ cho người xem, một màu sắc trẻ trung cho chương trình tưởng rất khó tạo ra sức trẻ.
Như cái tên của nhóm, các bạn trẻ đã rap về bốn cái ân lớn của đời người, khiến người nghe rất xúc động. Gần đây công chúng yêu nhạc khá thích thú khi nghe nhà sư tại Nhật Bản hát nhạc Phật giáo phong cách rock.
Hiện tượng này đã gây sốt ở nhiều nước. Nay các rapper trẻ Tứ Trọng Ân thì hát rap nhạc Phật giáo.
Nhóm 9 show cũng là một màu sắc mới lạ trong chương trình. Nhóm kết hợp giữa hát và ngâm lời bình về tình cha rất cảm động trong phần Ngồi trên vai cha.
Tri ân tướng Thước và chàng thanh niên cứu nạn trong đám cháy
Tại đêm nghệ thuật, ban tổ chức trao tặng 12 phần quà, thể hiện tấm lòng tri ân, báo ân đến đại diện gia đình mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ và hai tấm gương hiếu đạo tiêu biểu, có nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp.
Đó là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Anh hùng Lực lượng vũ trang, người dù đã bước vào tuổi 100 nhưng vẫn dành tiền lương hưu để thực hiện các hoạt động thiện nguyện, xây dựng nghĩa trang cho các đồng đội.
Và bạn trẻ Đồng Văn Tuấn (Trực Ninh, Nam Định), người đã làm cảm động mọi người về đức hiếu sinh vì cộng đồng khi dùng búa đập tường cứu nạn nhân mắc kẹt trong đám cháy ở phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào ngày 24-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận