21/12/2008 05:07 GMT+7

Vũ khí tự tạo - Kỳ 2: Những vũ khí "hổng giống ai"

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Lính Tây có súng, lính ta chưa có nên tìm cách đánh bằng cách gài chông sắt, chông tre. Chiếc ghế chông bình thường dùng để ngồi, nhưng sẽ trở thành loại vũ khí đáng sợ nếu lật ngược ghế đem chôn xuống đất.

Nghe đọc nội dung bài

Ông Nguyễn Tấn Hoài - trưởng Ban liên lạc quân giới Nam bộ - cho biết: “Tên lính nào vô phước đạp trúng chỉ còn cách nhờ ba, bốn tên khác khiêng cả người lẫn ghế về đồn”. Ông Hoài giới thiệu thêm vài loại vũ khí thô sơ: “Loại mìn tĩn nước mắm khi nổ chỉ làm lính Tây giật mình, nhưng nếu đạp phải mìn vỏ lon Guigoz có thể “mất giống” như chơi. Thấy ngư dân bị lính Tây đến phá lưới cá hoài, anh em nghĩ cách chế tạo loại lựu đạn phao lưới để trị chúng” .

270U68wq.jpgPhóng to
Chế tạo trái đạn B40. Ảnh: Ban liên lạc truyền thống quân giới Nam bộ

“Đơn hàng” từ kẻ mạnh

Anh dũng tuyệt vời. Sáng tạo vô song. Quân giới Nam bộ với những thành tích lớn là một ngành tiêu biểu cho tinh thần tự lực tự cường, dũng cảm tất thắng của đồng bào Nam bộ và của quân và dân Việt Nam anh hùng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Theo chiến thuật của De Latour (tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Nam bộ từ tháng 4-1947 đến tháng 10-1949), một hệ thống dày đặc với gần 20.000 đồn bót, tháp canh được dựng lên trên khắp chiến trường miền Đông Nam bộ. “Vết dầu loang” của De Latour đã nhanh chóng áp sát, lấn sâu và siết chặt các vùng kháng chiến.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Kìa (Hai Cà, vừa mất) từng kể sự kiện đêm 18-3-1948, tổ tác chiến của huyện đội Tân Uyên (tỉnh Biên Hòa, nay thuộc Bình Dương) gồm Trần Văn Kìa, Trần Văn Đồng và Hồ Văn Lung bí mật đột nhập dùng thang tre cặp thành tháp canh cầu Bà Kiên và ném lựu đạn hạ toàn bộ lính Tây.

Nhưng những tháp canh vẫn trơ trơ ra đó. Loại mìn truyền thống (vô thuốc đầy, nổ tứ tung) tỏ ra bất lực. Lúc bấy giờ Mỹ viện trợ Pháp loại súng bazooka chuyên diệt xe. Phần đầu trái đạn bazooka được vô thuốc lõm nên uy lực tập trung về phía trước. Mày mò bắt chước, cuối cùng các binh công xưởng chế tạo nhiều loại mìn lõm theo nguyên tắc bazooka, gọi là bazoomin. Nguyên tỉnh đội phó Bùi Cát Vũ (đã mất) từng kể với loại bazoomin kiểu FT (tức phá tường), chỉ trong một đêm dân quân tỉnh đội Biên Hòa đánh sập mấy chục tháp canh khiến địch hoang mang. Về sau này, những người lính thợ quân giới Nam bộ sản xuất nhiều chủng loại bazoomin dùng để đánh xe, phá cầu...

Cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn lúc nào cũng có một đại đội lính Âu - Phi canh giữ và sẵn sàng nhả đạn hễ nghe tiếng động. Các trụ cầu được bảo vệ bằng hàng rào cọc thép. Qua ba lần đột nhập điều nghiên trận địa, một đêm tháng 5-1954, tổ bốn anh Thọ, Mật, Ngà, Xương đột nhập lắp hai trái mìn lõm loại 80kg. Anh em chờ giờ G thì bất ngờ nhận được lệnh ngừng tấn công theo tinh thần hiệp định Genève. Chấp hành mệnh lệnh, anh Thọ bí mật đột nhập gỡ bỏ dây điện ra.

Theo bản ghi chép lại vụ việc của anh Thọ (đại tá Nguyễn Văn Thọ), về sau này những người lính quân giới còn hướng dẫn thợ lặn Pháp gỡ mìn. Khi quả mìn khổng lồ được đưa lên mặt nước, từ quan đến lính Tây thở phào: “May có hiệp định Genève, thật hú vía!”.

Về sau này anh em quân giới tiếp tục ứng dụng nguyên tắc vô thuốc lõm để chế tạo mìn ĐH (tức định hướng). Khi nổ, mìn ĐH quét sạch tất cả chướng ngại vật trong tầm hỏa lực hình rẻ quạt. Một loại mìn lõm tên MCS (mìn công sự) có hình dáng như chiếc loa tay để phá hủy công sự Mỹ theo hướng từ trên đánh xuống. Theo ông Hoài, nếu đánh đồn chỉ cần dùng một trái ĐH-20 (20kg thuốc nổ) thổi bay hết hàng rào kẽm gai và các chướng ngại vật. Ở Đồng Tháp Mười, anh em cắm ĐH lên cây sào để đánh loại tàu cánh quạt chạy lướt trên mặt nước mà địch thường dùng rượt đuổi, vây bắt dân quân du kích.

104oDhBg.jpgPhóng to

Tô Văn Đực chế tạo “mìn gạt” - Ảnh: Ban liên lạc truyền thống quân giới Nam bộ

Đạn lép thành đại bác

Quả đạn đại bác lép của đối phương qua tay anh em quân giới trở thành mìn (thay bộ phận gây nổ bằng đầu nổ lựu đạn). Cách khác, anh em cặp phao hai bên trái đạn thành thủy lôi đánh tàu. Đại bác đối phương bắn xa hàng chục cây số, anh em quân giới lượm trái đạn lép về tự chế thành “đại bác tầm cực ngắn”. Ông Nguyễn Tấn Hoài giải thích cách đánh: “Du kích khoét một rãnh vừa vặn quả đạn và nghiêng 45 độ hướng về đồn đối phương. Đáy rãnh có đặt khối thuốc nổ đủ sức hất quả đạn đi 300m, ở giữa là bịch đất ngăn cách. Thuốc nổ đẩy trái đạn định hướng bay tới đồn thì nổ tung”. Đơn giản hơn, anh em đặt quả đạn đại bác 105 ly vào nòng là vỏ quả đạn 155 ly rồi điểm hỏa tống đi.

Sau năm 1947 quân Pháp bắt đầu co cụm, xây dựng các cứ điểm kiên cố, chiều dày tường bốt, công sự, tháp canh được tăng gấp 2-3 lần. Sau tám tháng mày mò, nhóm nghiên cứu do kỹ sư Nguyễn Trinh Tiếp phụ trách đã chế tạo được khẩu SKZ (súng không giật) đầu tiên khi bắn thử gây thủng tường bêtông dày 600mm trong tầm bắn hiệu quả 50-100m. Nhưng với tầm bắn đó, SKZ cũng đành bất lực nếu tàu đối phương chạy trên các tuyến sông rộng. Vì vậy, cuối năm 1950 các kỹ sư Lê Tâm, Bùi Công Khai và Trần Ngọc Lạc đã nghiên cứu, chế tạo súng SS (tức “súng Sác”, do được chế tạo tại rừng Sác).

Theo giải thích của Anh hùng quân giới Nguyễn Thanh Vọng (vừa mất), điểm độc đáo của SS là thuốc phóng nạp ở giữa quả đạn và khối lùi, khi đạn nổ bay đi đồng thời cũng đẩy khối lùi (bằng gỗ, kim loại) về phía sau nhằm triệt tiêu động lực. Ngoài ra, tầm bắn của SS tới 700m nên lính Tây đi trên tàu chạy giữa sông Tiền, sông Hậu cũng không còn dám “giỡn mặt” nữa.

Về sau, quân Mỹ rất hãnh diện với chiến thuật trực thăng vận. Trước lúc đổ quân, chúng thường pháo kích hoặc ném bom “dọn bãi”. Nắm được quy luật chết người đó, dân quân đem mâm phóng lựu đạn do quân giới sản xuất đến đặt sẵn, đợi trực thăng sà xuống đổ quân thì điểm hỏa. Theo ông Hoài, ngoài mâm phóng lựu, ta còn chế được loại bom phóng bằng cách thay quả đạn cối bằng một quả bom to. Đặc biệt, súng cối của Mỹ và Tây bắn cầu vồng và dùng “cò chết”, còn súng cối Việt Nam đa năng hơn bởi có thêm bộ phận điều chỉnh bắn thẳng và “cò sống” (bóp cò điểm hỏa).

Năm 1966, quân Mỹ liên tục đánh vào vùng giải phóng, Tô Văn Đực mày mò chế loại “mìn gạt”. Ông Hoài giải thích: “Bình thường muốn diệt xe tăng phải đặt mìn đúng vào dây xích, nay ngòi mìn gạt có thêm que gạt. Bất cứ bộ phận nào của xe va chạm vào que gạt cũng gây nổ”. Khi tác chiến, du kích cắm que dài 5-7 tấc vào ống gạt và giăng dây, cắm thêm cây để tăng khả năng va chạm gây nổ. Xe tăng địch trúng mìn, trực thăng sà xuống lấy xác, cánh quạt thổi mạnh làm nổ tung những quả mìn gạt khác khiến trực thăng cũng tan xác. Ở nhiều nơi anh em gắn ngòi gạt vào mìn ĐH rồi đem gài ngửa lên cây. Khi bay thấp, cánh quạt trực thăng làm lay động que gạt, thế là tan xác.

--------------------------------------

Chiến sự lan tới đâu, các binh công xưởng lùi dần đến đó, vào tận rừng sâu. Đối phương càn quét, đánh phá, dân đói triền miên nên lính thợ cũng đói.

Kỳ tới: Những “người rừng” thầm lặng

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên