Ngày 17-12, liên quan đến vụ hai vợ chồng tại Quảng Bình bị phạt hành chính vì xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhau, nhiều ý kiến bạn đọc lấy làm tiếc vì một phút thiếu kiềm chế hai vợ chồng cùng mất tiền nộp phạt.
Tuy nhiên, nhiều người cũng thắc mắc về mức độ lời nói như thế nào sẽ bị quy vào hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác.
Xúc phạm hay tranh cãi?
Nhiều bạn đọc cho rằng trong cuộc sống vợ chồng sẽ không tránh khỏi những tình huống mâu thuẫn. Khi đó, giữa hai vợ chồng sẽ xảy ra cãi vã. Đôi khi không kiềm chế được cảm xúc thì cuộc cãi vã sẽ trở nên căng thẳng. Và khi đó, ranh giới giữa xúc phạm và tranh cãi sẽ vô cùng mong manh.
Sẽ có những lúc người vợ hoặc chồng bước qua khỏi ranh giới tranh cãi mà không hay. Nên nhiều người cho rằng cần phải có quy định rõ ràng về mức độ lời nói như thế nào để phân định đó là tranh cãi hay xúc phạm. Khi biết rõ thì người ta mới có thể tránh.
"Cũng phải nói rõ hành vi như thế nào sẽ bị phạt để người ta còn biết mà tránh", bạn đọc tên T.Q. nói.
Một số ý kiến cho rằng quy định xử phạt này là cần thiết. Nó sẽ giúp vợ chồng biết kiềm chế hơn trong cuộc sống hằng ngày. Và cái cần hơn đó là sự lan tỏa quy định này để nhiều gia đình cùng biết và cùng ý thức để không rơi vào tình huống xúc phạm người khác.
"Đây là một hình phạt mới mẻ. Cũng hay. Nếu làm nghiêm cho tất cả có thể tạo ra nguồn thu cho ngân sách", một bạn đọc nói.
Lăng mạ, chì chiết đã là vi phạm
Theo luật sư Đặng Quang Linh, thuộc Văn phòng luật sư Linh Đặng (TP Đông Hà, Quảng Trị), đây là vụ việc hy hữu. Tuy nhiên, về góc độ pháp lý thì vụ việc lại góp phần lan tỏa quy định của pháp luật về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của những người trong gia đình với nhau mà lâu nay nhiều người vốn coi là bình thường.
"Án phạt này sẽ giúp cảnh báo giới hạn của hành vi cư xử của vợ chồng cũng như người thân trong gia đình, rằng ai cũng có thể bị phạt nếu thiếu kiềm chế về lời nói dù là với người thân" luật sư Linh nói.
Cũng theo luật sư Linh, hành vi này được quy định trong nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo nghị định này, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác được quy phạm là hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
"Có thể hiểu đơn giản là hành vi dùng những lời lẽ thô bỉ, tục tĩu để nhục mạ nhằm hạ uy tín gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm cho người khác, thì sẽ cấu thành vi phạm và sẽ bị phạt hành chính mức từ 5 - 10 triệu đồng", luật sư Linh cho hay.
Tuy nhiên, luật sư Linh cho rằng để có thể xử phạt được hành vi này, điều kiện đầu tiên là phải có biên bản của cơ quan chức năng ghi rõ vụ việc. Sau đó, các bên liên quan phải ký xác nhận nếu không có các bằng chứng ghi âm, ghi hình. Khi người vi phạm xác nhận thì mới có thể ra quyết định xử phạt.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, ngày 13-12 UBND TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã ra quyết định xử phạt ông N.T.S., trú phường Nam Lý về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của vợ mình là bà T.T.M.H.. Vì ông S. còn có hành vi hành hung vợ nên tổng mức phạt hành chính của ông S. là 15 triệu đồng.
Cùng với đó, cơ quan này cũng ra quyết định xử phạt hành chính bà T.T.M.H vì hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của chồng là ông S.. Bà H. cũng bị phạt tiền mức 7,5 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận