08/02/2017 09:19 GMT+7

Vũ Duy Thức - chàng trai Việt chế robot trên đất Mỹ

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - OhmniLabs là một sản phẩm của tiến sĩ người Việt trẻ nhất ĐH Stanford (Mỹ) Vũ Duy Thức hiện nhận được nhiều sự quan tâm, ưu ái đặc biệt trên hàng loạt kênh truyền thông uy tín như New York Times, CNBC...

Tiến sĩ Vũ Duy Thức chia sẻ về cấu trúc, chức năng của robot OhmniLabs - Ảnh: Công Nhật
Tiến sĩ Vũ Duy Thức chia sẻ về cấu trúc, chức năng của robot OhmniLabs - Ảnh: Công Nhật

Mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau về định nghĩa thành công và hạnh phúc. Cá nhân tôi cho rằng thành công là khi mang đến giá trị cho nhiều người thì sẽ ý nghĩa và bền vững hơn

Tiến sĩ VŨ DUY THỨC

Vũ Duy Thức không là cái tên quá xa lạ với cộng đồng du học sinh Việt tại Mỹ, bởi những thành quả của bạn nổi trội trong cả lĩnh vực học thuật lẫn khởi nghiệp. Trước đây Duy Thức từng là đồng sáng lập hai công ty Katango và Tappy được Google, Weeby.co mua lại.

Đau đáu với nỗi lòng người cao tuổi

Với OhmniLabs, Duy Thức vừa góp phần nâng tầm giá trị tinh thần của sản phẩm công nghệ (cụ thể là robot), vừa giải được bài toán cho những trăn trở cá nhân.

Sinh sống tại Mỹ thời gian dài, Duy Thức nhận ra rất nhiều người cao tuổi bên Mỹ phải sống một mình (hiện có 44 triệu người trên 65 tuổi tại Mỹ, khoảng 70% trong số này sống một mình). Những người này không thoát được sự cô đơn và luôn cần sự giúp đỡ trong nhiều việc.

Bên cạnh đó là những người con sống xa nhà, Duy Thức cũng như sáng lập viên có nhu cầu tương tác thường xuyên với các thành viên gia đình tại quê hương.

“Các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, laptop, Skype, FaceTime... tuy tốt nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định” - Duy Thức cho biết.

Có thể hình dung đơn giản Ohmni là một robot gọn nhẹ, có khả năng di chuyển linh hoạt và gắn trên đỉnh một máy tính bảng (hiển thị gương mặt người ở xa), một webcam (thu hình trực tiếp), máy thu âm ở phần giữa... Do sự linh hoạt này mà robot có thể cùng đi dạo, xem phim... với người già mà cả hai bên đều không bị gián đoạn việc riêng.

Robot Ohmni được chế tạo với thao tác sử dụng đơn giản để ngay cả người không rành về công nghệ vẫn có thể sử dụng dễ dàng.

“Robot được kết nối với mạng không dây và được quản lý, kích hoạt hoàn toàn từ người ở xa. Ngay cả thao tác mở, tắt hay sạc pin thì người già cũng không phải làm” - Duy Thức giải thích.

Sản phẩm sau khi được đưa ra thử nghiệm sáu tháng trước đã thu về những phản hồi rất tích cực từ giới truyền thông Mỹ lẫn người dùng. Dự kiến sản phẩm được đưa ra tại thị trường Mỹ, Nhật... trong vài tháng tới với mức giá rất cạnh tranh, dao động 1.500-2.000 USD.

Trong tương lai gần, Duy Thức mong muốn sẽ bổ sung một số chức năng như khám bệnh từ xa, đo nhịp tim, nhiệt độ..., hoặc giúp người già dọn dẹp, di chuyển các vật dụng trong nhà.

“Tôi cũng mong muốn sớm đưa sản phẩm này về VN, nhất là robot với chức năng tích hợp khám bệnh từ xa, để bà con vùng sâu, vùng xa không còn chịu những thiệt thòi về y tế dù bác sĩ, điều kiện y tế không bằng thành thị” - Duy Thức cho biết.

Theo New York Times (tháng 1-2017), một số nhà công nghệ học cho rằng điều họ đánh giá cao nhất là khía cạnh xã hội mà những công nghệ như phát minh robot Ohmni của Công ty OhmniLabs do tiến sĩ Thức đồng sáng lập mang lại.

Báo này dẫn lời ông Joseph Coughlin, giám đốc Công ty AgeLab tại Học viện Công nghệ Massachusetts MIT, Mỹ: “Công cụ này đặc biệt giúp tăng cường việc chăm sóc đời sống tinh thần cho người trưởng thành, phù hợp cả người trẻ lẫn người già”.

Duy Thức kể với Tuổi Trẻ câu chuyện một người mẹ bị nhiễm trùng nặng nhưng ngại nói với con vì sợ điều này ảnh hưởng đến công việc của con. Bà lại không dám tự gọi bệnh viện hay 911 vì tiếng Anh không rành (gia đình anh gốc Mexico).

Nhờ OhmniLabs, người con phát hiện mẹ của mình ở nhà có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và kịp về nhà để đưa bà đến bệnh viện. “Khi biết điều này, chúng tôi rất hạnh phúc bởi điều đó chứng tỏ OhmniLabs đã tạo được sự tương tác hiệu quả” - Duy Thức bộc bạch.

Thành công là “cho đi”

Duy Thức cho biết để có được chuỗi “quả ngọt” trong chặng đường khởi nghiệp, bản thân bạn và các cộng sự cũng đã thất bại, “bầm dập” nhiều lần.

Tuy nhiên Duy Thức cho rằng đó là một điểm thú vị của khởi nghiệp bởi theo bạn, một phần định nghĩa của khởi nghiệp là phải thay đổi, phá vỡ những cách làm, kỹ thuật cũ kỹ để tạo ra cái mới, giá trị mới.

“Mà đã gọi là phá vỡ cái truyền thống thì hiển nhiên sẽ gặp khó khăn, nhiều vấn đề. Chúng tôi từng rất vất vả trong sáu tháng ròng khi tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu của thị trường trước khi ra sản phẩm cốt lõi công ty đầu tiên.

Nhưng cũng từ những nhọc nhằn đó mà chúng tôi học được rất nhiều điều quý giá, chẳng hạn như khả năng nhận diện fail fast - cách nhận biết một sản phẩm có thể thu hút thị trường hay không trong thời gian ngắn nhất để nhanh chóng chuyển đổi mô hình khác, tránh mất thời gian loay hoay không cần thiết”, Duy Thức cho biết.

Từ trải nghiệm của bản thân, Duy Thức tiết lộ một số “bí kíp” cho các bạn trẻ khởi nghiệp khi muốn gọi quỹ đầu tư thành công:

“Có ba rủi ro chính mà các nhà đầu tư thường sẽ quan tâm, đặt vấn đề. Đầu tiên là thị trường có đón nhận sản phẩm này hay không?

Kế đến công ty có khả năng làm ra đúng sản phẩm mà họ hứa hẹn? Cuối cùng là với sản phẩm trên thì công ty có thể tạo ra mô hình kinh doanh sinh lợi nhuận?

Đây là những điều tôi học được từ Mỹ nhưng cho rằng có thể áp dụng được cho hầu hết nhà đầu tư các quốc gia khác”.

Bên cạnh đó, theo Duy Thức, khi khởi nghiệp các bạn trẻ nên lưu ý các điểm như: phải xác định bản thân thật sự đam mê và tỉ lệ khởi nghiệp thất bại là rất cao, phải trau dồi ngoại ngữ vì đây là một yếu tố rất quan trọng trong thế giới hội nhập, phải cầu thị và biết lắng nghe, vì từ đó mới có thể làm việc nhóm tốt cũng như nắm bắt được thị hiếu của thị trường.

Bận rộn với lịch hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, đầu tư... dày đặc nhưng bao năm qua Duy Thức vẫn âm thầm gầy dựng và vun góp tiền, công sức cho một quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo học giỏi tại Việt Nam. Quỹ khuyến học đó tính đến nay đã cấp hàng trăm suất học bổng (4.000 USD/suất).

Khi được hỏi về điều này, Duy Thức cho biết bản thân luôn tự thấy mình rất may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người nên bạn mong muốn san sẻ điều đó cho những người khác.

Duy Thức vững tin rằng giáo dục là bệ phóng vững chắc nhất cho các bạn trẻ bởi khi có tri thức, các bạn sẽ đảm bảo được tương lai dù xuất phát điểm có thấp, thiệt thòi hơn người khác.

Tiến sĩ người Việt trẻ nhất ĐH Stanford

Vũ Duy Thức là cựu học sinh chuyên tin Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM), từng đoạt nhiều giải nhất quốc gia về tin học ở các cuộc thi tại VN lẫn Hoa Kỳ, bạn cũng có nhiều công trình nghiên cứu được công bố tại các hội nghị, tạp chí khoa học quốc tế.

Sau khi tốt nghiệp hạng ưu (với điểm số tuyệt đối 4/4) tại ĐH Carnegie Mellon (Hoa Kỳ) và đoạt giải thưởng “Sinh viên ưu tú nhất” của Hiệp hội Nghiên cứu tin học Mỹ (CRA), Duy Thức được cấp học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại bảy trường hàng đầu của Mỹ: MIT, Stanford, Carnegie Mellon, Berkeley...

Duy Thức tốt nghiệp tiến sĩ công nghệ thông tin (chuyên ngành trí tuệ nhân tạo) tại ĐH Stanford năm 28 tuổi.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên