09/03/2018 08:28 GMT+7

Vụ cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Có khởi tố được không?

HOÀNG ĐIỆP - SƠN LÂM
HOÀNG ĐIỆP - SƠN LÂM

TTO - Dư luận đang ồn ào về vụ phụ huynh bắt cô giáo quỳ. Có ý kiến cho rằng đây là vụ việc nghiêm trọng, cần xử lý hình sự người bắt cô giáo quỳ. Liệu có đủ cơ sở để khởi tố vụ án?

Vụ cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh: Có khởi tố được không? - Ảnh 1.

Cho đến hôm qua (8-3), một số người liên quan đến vụ cô giáo quỳ xin lỗi phụ huynh tại Trường tiểu học Bình Chánh tiếp tục được mời đến làm việc tại UBND xã Nhựt Chánh (huyện Bến Lức, Long An). Dù chưa có kết luận chính thức về vụ việc nhưng huyện Bến Lức vẫn đang xem xét xử lý về mặt Đảng đối với ông Võ Hòa Thuận - phụ huynh học sinh, người mà cô giáo quỳ xin lỗi. Công đoàn giáo dục Việt Nam và Sở GD-ĐT tỉnh Long An cũng đến trường an ủi cô giáo bị quỳ, động viên cô này tiếp tục công tác.

Bắt cô giáo quỳ?

Theo tường trình của hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh), có 4 phụ huynh phản ảnh cô giáo chủ nhiệm lớp 4 tại trường có phạt học sinh quỳ gối trên ghế nhiều lần, có dùng thước đánh tay, dùng từ ngữ chưa phù hợp với học sinh. Hiệu trưởng và cô giáo đều nhận khuyết điểm, hứa sẽ rút kinh nghiệm. Tuy nhiên phụ huynh Võ Hòa Thuận lại không chấp nhận.

Phụ huynh đòi đổi cô giáo, đòi chuyển con sang lớp khác nhưng hiệu trưởng không đồng ý. Ông Thuận nói: "Cô bắt con người ta quỳ rồi xin lỗi là xong à, cô quỳ thử xem chịu nổi không?". Cô giáo nói nếu anh muốn quỳ thì tôi quỳ, nhưng hiệu trưởng không cho và yêu cầu phụ huynh thông cảm bỏ qua. Sau đó mọi người ra về. Còn lại vợ chồng ông Thuận cùng một phụ huynh khác và cô giáo N. ở lại trong phòng làm việc của phó hiệu trưởng.

Theo tường trình của cô giáo: "Phía phụ huynh khăng khăng không chịu xuống nước. Phụ huynh nam (ông Thuận) cứ nhắc đi nhắc lại: con tôi không có lỗi cô bắt quỳ, bây giờ cô đang có lỗi cô quỳ lại đi. Cô quỳ được tôi coi như chuyện này giải quyết xong". Trước sức ép từ phía phụ huynh, đồng thời nhận thấy bản thân mình sai trước, nên cô giáo quỳ trước mặt ông Thuận trong thời gian 40 phút.

Riêng ông Võ Hòa Thuận thì cho rằng "không nhằm mục đích gây áp lực cho cô giáo", khi thấy cô giáo quỳ, ông có năn nỉ nhưng cô giáo có vẻ giận, tiếp tục quỳ. Khi cô giáo thôi quỳ, ông Thuận liền xin lỗi cô giáo.

Ông Phạm Hữu Vốn - trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường tiểu học Bình Chánh - cho biết thái độ của ông Thuận thể hiện rõ việc ép cô giáo phải quỳ. "Tôi khuyên can, rồi có việc nên phải đi gấp, tưởng mọi việc êm xuôi rồi. Khi nghe cô giáo phải quỳ, tôi rất bàng hoàng".

Một phụ huynh chứng kiến từ đầu đến cuối vụ việc cũng khẳng định ông Thuận có nói câu: "Học sinh quỳ sao thì cô giáo quỳ như vậy". Phụ huynh này còn nói: "Trời xui đất khiến hay sao mà sao hôm đó tôi im re, không hề có hành động ngăn cản. Bây giờ tôi rất hối hận".

Chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm

Theo ông Trần Thanh Thảo - giảng viên khoa luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM, người Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo, đây là lần đầu tiên xảy ra việc cô giáo phải quỳ xin lỗi trước mặt phụ huynh nên dư luận phản ứng dữ dội. Nhưng hành vi này chưa đủ yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác. Qua báo chí cho thấy vị phụ huynh này không có hành vi dùng vũ lực, không lăng mạ, chửi bới cô giáo, nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác.

Luật sư Thái Văn Chung - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng nếu xét theo điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 thì chưa thể khởi tố hình sự người bắt cô giáo phải quỳ. Lý do: chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, cô giáo có thể lựa chọn phương án khác. Theo luật, tội làm nhục người khác là phải gây ra hậu quả nghiêm trọng. Việc xác định mức độ nghiêm trọng không chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay bị hại mà còn dựa vào các yếu tố khác như trình độ nhận thức, mối quan hệ xã hội...

Thượng tá Nguyễn Minh Sáng - người phát ngôn Công an tỉnh Long An - nói công an địa phương có gặp gỡ một số người để ghi nhận vụ việc tại Trường tiểu học Bình Chánh. "Chúng tôi chỉ ghi nhận chứ không điều tra theo hướng làm rõ vụ án hay tội phạm gì cả" - thượng tá Sáng nói.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Bùi Quang Nghiêm - Đoàn luật sư TP.HCM - nhấn mạnh: "Phụ huynh không hài lòng với lời xin lỗi của cô giáo khiến cô giáo phải quỳ chuộc lỗi là xúc phạm nặng nề truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt. Đây là chuyện chưa từng có tiền lệ. Cần lên án hành vi của vị phụ huynh. Đó là chưa kể những hành vi như vậy có thể dẫn đến việc vi phạm pháp luật".

Phạt quỳ học sinh là sai

Theo ông Đỗ Văn Đại - trưởng khoa luật dân sự Trường đại học Luật TP.HCM, khi học sinh có lỗi cô giáo phải sử dụng hình thức phạt thế nào mà không làm tổn thương đến trẻ em nhưng vẫn đủ nghiêm khắc. Việc cô giáo phạt quỳ học sinh là hoàn toàn sai. "Tôi cũng có con nhỏ đang học tiểu học, điều mà tôi luôn tâm niệm là mình phải có thái độ tôn trọng thầy cô thì trẻ mới tôn trọng người dạy dỗ mình. Nếu con bị thầy cô phạt quỳ chắc tôi rất buồn nhưng tôi sẽ đến trường góp ý với cô giáo. Bắt cô quỳ lại là cách "trả thù" mà tất cả cùng bị tổn thương" - ông Đại nói thêm.

Bà Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM, nói việc cô giáo dùng hình phạt quỳ không đơn thuần là sự đau đớn về thể xác mà tâm lý học sinh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hệ quả của nền giáo dục kiểu ấy khiến học sinh nhu nhược. Nguy hiểm hơn, giáo dục bằng bạo lực có nguy cơ hình thành tính cách thích sử dụng bạo lực của trẻ khi lớn lên.

"Ở khía cạnh pháp lý, tôi thấy không cần thiết hình sự hóa sự việc này. Cô giáo có lỗi trước, lỗi đó không nhẹ. Sự việc nên dừng lại, đây là bài học cho cả ngành giáo dục, bài học cho các bậc cha mẹ trong mối quan hệ giữa phụ huynh với thầy cô giáo" - bà Khánh nói.

Ông Trần Vũ Hải (giảng viên Trường đại học Luật Hà Nội):

Biết luật pháp mà hành xử phi luật pháp

Trong chuyện này, phụ huynh là thủ phạm, cô giáo vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân, chỉ có các bé học sinh là nạn nhân.

Cô giáo là người lớn, cô có sự lựa chọn khi quỳ hoặc không quỳ. Cô không quỳ, cô bảo vệ nghề nghiệp cho cả xã hội. Cô quỳ, cô bảo vệ chính cô, theo cách suy nghĩ của cô.

Việc cô giáo bắt học sinh quỳ phải xem là cái tát thứ nhất vào nền giáo dục. Còn buộc cô giáo quỳ là làm tổn hại danh dự của nhà giáo.

Trong vụ này, người làm giáo dục hành xử phi giáo dục và người có hoạt động liên quan đến ngành luật, biết luật pháp lại hành xử phi luật pháp.

HOÀNG ĐIỆP - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên