Hơn 3 tháng đòi tiền chuyển nhầm
Ngày 30-7, bà N.T.B.C. (trú Đà Nẵng) - người đã chuyển khoản nhầm 3 tỉ đồng vào tài khoản bà N.T.H.H. (trú Đà Nẵng) - cho biết vẫn chưa đòi được hết số tiền đã chuyển nhầm.
Bà C. đã có đơn gửi cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét khởi tố vụ án về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.
Ngày 24-4, trong quá trình giao dịch, bà C. có chuyển nhầm đến tài khoản của bà H. tại ngân hàng V. chi nhánh Đà Nẵng 3 tỉ đồng.
Bà C. cùng phía ngân hàng có liên lạc và bà H. đã biết về sự việc, nhưng không thực hiện việc hoàn lại số tiền trên. Sau đó, bà C. đã trình báo cơ quan chức năng.
Ngày 25-4, phòng giao dịch ngân hàng đã tự động khấu trừ 1 tỉ đồng trong tài khoản của bà H. với lý do thu nợ đối với khoản vay của bà này.
Theo bà C., phòng giao dịch biết việc tài khoản của bà H. đang giữ tiền của bà, biết rõ về những giao dịch và hạn mức tiền của bà H. nhưng không có biện pháp hỗ trợ bà mà thực hiện quy trình thu hồi nợ…
Tháng 6-2023, sau nhiều lần yêu cầu, bà H. đã hoàn trả cho bà C. 2,037 tỉ đồng, còn lại 963 triệu đồng chưa trả.
Phải hoàn trả
Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Đoàn luật sư Đà Nẵng, cần phải xem xét giữa bà H. và ngân hàng có thỏa thuận về việc ngân hàng được phép tự động trừ tiền nợ quá hạn trong tài khoản của bà H. không, từ đó mới có căn cứ xác định số tiền 1 tỉ đồng bị chiếm giữ hay không?
Nếu có thỏa thuận, ngân hàng được phép trừ (trừ trường hợp số tiền có trong tài khoản bà H. là do chuyển nhầm), còn không có mà tự ý trừ tiền là vi phạm thỏa thuận.
Theo Bộ luật Dân sự, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả cho chủ sở hữu đối với tài sản đó.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi khách hàng: từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.
Tại thông tư 23/2014/TT-NHNN, chủ tài khoản có nghĩa vụ: kịp thời thông báo cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản khi phát hiện có sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc nghi ngờ tài khoản của mình bị lợi dụng.
Hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi "Có" vào tài khoản thanh toán của mình.
Theo dữ liệu từ bà C. cung cấp, ngay khi xảy ra sự việc, bà đã báo cáo, liên hệ ngân hàng phong tỏa 3 tỉ đồng trong tài khoản của bà H..
Đồng thời, công an cũng đề nghị ngân hàng phối hợp giải quyết. Bà H. cũng đã yêu cầu ngân hàng trả lại 1 tỉ đồng cho bà C..
Do đó, dù giữa bà H. và ngân hàng có thỏa thuận được tự động khấu trừ tiền qua tài khoản thì khi có yêu cầu từ bà C., cơ quan điều tra và quá trình tra soát giao dịch xác định số tiền chuyển nhầm, ngân hàng phải có trách nhiệm trả lại số tiền đó cho bà C..
Theo luật sư Trần Hậu - Đoàn luật sư Đà Nẵng, về nguyên tắc pháp luật, người chiếm hữu tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả toàn bộ tài sản cho chủ sở hữu.
Trong trường hợp khoản tiền bị ngân hàng trích thu là tiền bị chuyển nhầm, ngân hàng không thể sử dụng khoản tiền thuộc sở hữu của người khác và chủ tài khoản không có quyền gì đối với số tiền này để cấn trừ nợ của chủ tài khoản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận