Theo quyết định của Tòa án nhân dân TP Hà Nội, ngày mai 11-7 sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Phiên tòa dự kiến kéo dài trong một tháng.
Hội đồng xét xử gồm 5 người, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa.
Ngày mai 11-7 xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’, cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng nộp lại 16,2 tỉ đồng
Ông Tô Anh Dũng - cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao - và ông Nguyễn Quang Linh - cựu trợ lý phó thủ tướng - cùng bị đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ, với khung truy tố có mức hình phạt cao nhất là tử hình.
52 bị cáo còn lại, trong đó có 19 cựu quan chức, bị đưa ra xét xử về các tội: đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối hộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cựu thứ trưởng nộp 16,2 tỉ đồng khắc phục hậu quả
Chiều 10-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online trước ngày phiên tòa diễn ra, luật sư Lê Thành Kính - người bào chữa cho ông Tô Anh Dũng - cho biết đến nay ông Dũng cùng gia đình đã nộp số tiền 16,2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Luật sư cho biết thêm ông Tô Anh Dũng cũng bày tỏ nhận thức được hành vi của mình là không đúng, "tự trách bản thân mình rất nhiều".
"Quá trình công tác, ông Dũng đã có nhiều thành tích, đóng góp, nhưng vì một số sai lầm đã vướng vào vòng lao lý, thực sự rất đáng tiếc", luật sư Kính nói và cho hay thân chủ của ông rất thất vọng về bản thân, vô cùng ăn năn, hối lỗi, thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra.
Cựu thứ trưởng nhận hối lộ 21,5 tỉ
Trước đó, giữa tháng 4, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 54 người trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Viện kiểm sát cáo buộc 21 quan chức, cán bộ của nhiều bộ ngành, địa phương đã hơn 500 lần nhận 165 tỉ đồng tiền "bôi trơn" của nhóm hơn 100 doanh nghiệp để giải quyết thủ tục vụ "chuyến bay giải cứu".
Quan chức cao nhất bị truy tố trong giai đoạn 1 của vụ án là ông Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Dũng bị quy kết nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng của các doanh nghiệp trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Người nhận hối lộ nhiều nhất bị truy tố trong giai đoạn 1 của vụ án là ông Phạm Trung Kiên - cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế. Ông Kiên bị quy kết có đến 253 lần nhận hối lộ với số tiền lên đến 42,6 tỉ đồng.
Ngoài hành vi đưa, nhận hối lộ để thực hiện "chuyến bay giải cứu", viện kiểm sát xác định còn có nhóm bị can đã móc ngoặc để chạy án cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Lê Hồng Sơn - cựu tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh và Nguyễn Thị Thanh Hằng - cựu phó tổng giám đốc, là hai người bị cáo buộc đưa số tiền hối lộ lớn nhất trong vụ án, lên đến hơn 100 tỉ đồng.
Trong đó, hai người này chi 38,5 tỉ "bôi trơn" 12 quan chức để được cấp phép 109 chuyến bay và phê duyệt cách ly tại địa phương.
Khi vụ án được điều tra, lo sợ vướng lao lý, bà Hằng đã tìm đến người quen là Nguyễn Anh Tuấn (khi đó đang là phó giám đốc Công an Hà Nội) nhờ "chạy án".
Cơ quan truy tố xác định bà Hằng và ông Sơn đã đưa hối lộ 2,65 triệu USD (tương đương hơn 61 tỉ đồng) cho cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn để nhờ Hoàng Văn Hưng - trưởng Phòng điều tra của Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) - giúp "chạy án". Tuy nhiên, kế hoạch "chạy án" triệu đô này không thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận