30/07/2010 08:11 GMT+7

Vụ 22 bệnh nhân bị sự cố sau mổ mắt: Đùn đẩy, chưa ai chịu bồi thường

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Theo Bệnh viện Mắt TP.HCM, nhà sản xuất Khosla đã thừa nhận kết quả xét nghiệm chất chỉ thị màu trypan blue do họ cung cấp có vi khuẩn mủ xanh dương tính. Tuy nhiên, vấn đề ai chịu trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân, bồi thường như thế nào, bao nhiêu đến nay vẫn chưa ngã ngũ dù hai tháng đã trôi qua.

upDxQsrb.jpgPhóng to

z3mMgsFU.jpg

Hai trong số 22 bệnh nhân bị viêm mủ nội nhãn do chất chỉ thị màu trypan blue có vi khuẩn mủ xanh - Ảnh: L.TH.H.

Vụ sau mổ mắt vẫn… tối thui: Bệnh nhân đòi bồi thườngTạm đình chỉ lưu hành chất chỉ thị màu Trypan BlueBệnh nhân nhiễm trùng sau mổ phải múc bỏ mắt?Nghi ngờ do một loại thuốcMổ mắt dính... vi khuẩn độcKhoảng 10 cơ sở y tế đã được cung cấp chất chỉ thị màu TrypanTái khám cho người mổ phaco có dùng Trypan BlueBệnh nhân vẫn chờ bồi thường

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, từ ngày 17 đến 25-5 có 22 bệnh nhân bị viêm mủ nội nhãn sau khi mổ phaco thay thủy tinh thể nhân tạo tại Bệnh viện Mắt TP.HCM. Các bệnh nhân này bị viêm mủ nội nhãn do chất chỉ thị màu trypan blue (lô SV 9025 do Hãng Khosla, Ấn Độ sản xuất; Công ty TNHH thiết bị kỹ thuật y khoa Việt Mỹ ở TP.HCM nhập khẩu và phân phối) có vi khuẩn mủ xanh.

Nhà sản xuất kêu bồi thường quá cao

Theo bà Phương Thu - giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, hiện nay không có bệnh nhân nào bị viêm mủ nội nhãn do sự cố này còn nằm viện. Số bệnh nhân bị mù đến nay là 4/22 người. Bà Phương Thu nói việc bệnh nhân bị nhiễm trùng mắt là do lỗi của nhà sản xuất chất chỉ thị màu không đảm bảo chất lượng. Bệnh viện đã trả lại tiền mổ, hỗ trợ chi phí đi lại và các chi phí thuốc men, xét nghiệm... cho bệnh nhân. Sắp tới, khi đòi được tiền bồi thường thiệt hại, bệnh viện sẽ gửi lại cho các bệnh nhân.

Trong khi đó, bà Lê Thị Mỹ Hồng - phó giám đốc Công ty TNHH thiết bị kỹ thuật y khoa Việt Mỹ - nói Bệnh viện Mắt TP yêu cầu bồi thường các chi phí và thiệt hại trong vụ việc này khoảng 20.000 USD (gần 400 triệu đồng) nhưng nhà sản xuất Khosla cho là quá cao, yêu cầu đàm phán, thương lượng lại. Trả lời câu hỏi trách nhiệm của công ty thế nào khi cung cấp sản phẩm kém chất lượng, bà Hồng cho rằng công ty có trách nhiệm bảo quản sản phẩm cho tốt, với khâu này thì công ty không có vấn đề gì, chất chỉ thị màu đã được sử dụng nhiều năm ở Bệnh viện Mắt TP cũng không có vấn đề gì nên công ty không chịu trách nhiệm.

Vì sao công ty hứa mua thẻ bảo hiểm y tế trong năm năm cho các bệnh nhân bị nhiễm trùng mắt nhưng nhiều bệnh nhân cho biết vẫn chưa thấy ai liên hệ với họ về việc này? Bà Mỹ Hồng tỏ vẻ ngạc nhiên: “Chúng tôi đã giao cho một công ty đứng ra lo rồi. Vẫn chưa có công ty nào liên hệ với bệnh nhân à?”.

Bệnh viện phải có trách nhiệm

Ngày 29-7 qua điện thoại, ông Dương Đình Việt (56 tuổi, thị trấn Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cho biết ông mổ mắt trái ngày 25-5 và hiện nay mắt này bị mù hoàn toàn. Từ khi xuất viện, ông phải tái khám bốn lần, gây tốn kém rất nhiều. Bác sĩ đã nói với ông là không thể sáng mắt mà chỉ có thể chữa hết sưng, đỏ, đau nhức.

Cho đến nay ông chưa thấy ai liên hệ với ông về việc mua bảo hiểm y tế trong năm năm dù công ty đã hứa hẹn. Ông đề nghị các cơ quan có trách nhiệm là bệnh viện, nhà phân phối và đơn vị cho phép lưu hành chất chỉ thị màu này vào VN phải có biện pháp can thiệp tích cực để bảo vệ quyền lợi của người bệnh.

Ông Việt cũng khẳng định không chỉ nhà sản xuất, nhà cung cấp chất chỉ thị màu mà cả Bệnh viện Mắt TP cũng phải có trách nhiệm trong vụ việc này. Bởi bệnh viện là đơn vị kinh doanh, bệnh nhân đến mổ mắt là khách hàng, bệnh nhân muốn được mổ mắt phải đóng tiền cho bệnh viện. Bệnh viện Mắt TP phải yêu cầu nhà sản xuất, nhà phân phối đền bù thỏa đáng cho bệnh nhân.

Luật sư Phạm Công Út - giám đốc Công ty luật Phạm Nghiêm (TP.HCM) - cũng khẳng định người bệnh là khách hàng của bệnh viện. Khi bệnh viện gây thiệt hại cho bệnh nhân, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường. Trong vụ việc này, rõ ràng người sản xuất, người cung cấp chất chỉ thị màu không trực tiếp bán sản phẩm cho bệnh nhân mà bệnh viện là người thu tiền của bệnh nhân và làm thiệt hại cho bệnh nhân thì phải bồi thường. Còn chuyện hợp đồng mua bán giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, hợp đồng giữa nhà phân phối và bệnh viện như thế nào lại là vụ việc khác, đó là chuyện của bệnh viện và nhà cung cấp sản phẩm.

Theo luật sư Út, theo quy định bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe bao gồm các khoản: tiền mổ, tiền thuốc, chi phí khắc phục hậu quả, bồi thường mất thu nhập lao động, bồi thường chi phí cho việc nuôi dưỡng bệnh, chi phí cho người lệ thuộc người bị ảnh hưởng sức khỏe đó (nếu có).

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên