Phóng to |
Ông Huỳnh Công Pha hiện không nhìn thấy gì sau khi mổ phaco tại Bệnh viện Mắt TP.HCM - Ảnh: L.TH.H. |
Bệnh nhân nhiễm trùng sau mổ phải múc bỏ mắt?Nghi ngờ do một loại thuốc
Bản báo cáo cho biết kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Viện Pasteur TP.HCM đều cho thấy chất chỉ thị màu dùng trong phẫu thuật dương tính với Pseudomonas aeruginosa (là một loại vi khuẩn có độc tính cực mạnh). Chất chỉ thị màu gây nhiễm trùng sau mổ phaco này là Trypan Blue lô SV 9025 do Hãng Khosla (Ấn Độ) sản xuất, nhập vào Bệnh viện Mắt ngày 13-5.
Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Mắt điều trị tích cực 15 ca nhiễm trùng nội nhãn có liên quan còn nằm viện, trước đó bảy ca đã được điều trị khỏi và xuất viện.
Cùng ngày, Sở Y tế TP đã có công văn yêu cầu tạm ngưng sử dụng chất chỉ thị màu trên đến khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế.
Chất chỉ thị màu có vi khuẩn Pseudomonas
Trước đó, chiều 2-6, bác sĩ Lâm Kim Phụng - phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP - xác nhận đúng là có một số bệnh nhân bị nhiễm trùng sau mổ phaco tại bệnh viện, từ ngày 17 đến 25-5 có tổng cộng 22 ca. Qua xét nghiệm, bệnh viện phát hiện các bệnh nhân bị viêm mủ nội nhãn do nhiễm vi khuẩn Pseudomonas (trực trùng mủ xanh).
Theo bác sĩ Phụng, ngày 26-5 Viện Pasteur và Bệnh viện Mắt đã lấy hơn 100 mẫu xét nghiệm các loại (phết dịch tiết mũi, bàn tay của nhân viên y tế, xét nghiệm tất cả vật tư tiêu hao, dụng cụ mổ, drap phòng mổ, nước rửa tay ở phòng mổ, thủy tinh thể nhân tạo, lọ đựng chất nhuộm đánh dấu khi mổ còn nguyên niêm phong chưa mở...) để truy tìm nguyên nhân.
Kết quả xét nghiệm lần đầu cho thấy trong chất chỉ thị màu dùng hỗ trợ phẫu thuật những ca khó để bác sĩ nhìn rõ hơn có nhiễm vi khuẩn Pseudomonas.
Ngày 27-5, cả Bệnh viện Mắt TP, Viện Pasteur và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp tục lấy lại các mẫu xét nghiệm (trong đó có ba lọ đựng chất nhuộm đánh dấu còn nguyên niêm phong được xét nghiệm ở ba nơi để đối chứng) để kiểm tra lần nữa. Kết quả xét nghiệm lần hai của cả ba nơi đều cho giống nhau: chất chỉ thị màu có vi khuẩn Pseudomonas.
Bác sĩ Phụng khẳng định đây là sự cố y khoa gây viêm mủ nội nhãn cho hàng loạt bệnh nhân chưa từng xảy ra ở VN. Trước tình hình này, bệnh viện đã nhanh chóng tìm mọi cách chữa trị, kể cả việc mua ngay các loại kháng sinh mới nhất, tốt nhất để cứu chữa người bệnh.
Tuy nhiên, Pseudomonas là một loại vi khuẩn có độc tính cực mạnh và kháng gần như tất cả các loại kháng sinh hiện có nên chỉ một số ít ca có tác dụng với thuốc sau điều trị, đa số bệnh nhân khác không có tác dụng với thuốc.
Ai chịu trách nhiệm?
Trả lời câu hỏi này của các bệnh nhân, bác sĩ Phụng nói bệnh viện đang cố gắng điều trị tích cực cho bệnh nhân bằng việc rửa mắt, hút mủ và tiêm kháng sinh vào nội nhãn... cho người bệnh. Việc hút mủ và tiêm kháng sinh có thể thực hiện nhiều lần cho đến khi ổn định mới biết được thị lực có hồi phục hay không.
Theo bác sĩ Phụng, trong trường hợp không thể phục hồi thị lực, tổn thất cho bệnh nhân và cho bệnh viện là không có gì có thể đền bù được. Bệnh viện sẽ có trách nhiệm và xem xét để trả lại tiền phẫu thuật cho bệnh nhân.
Riêng việc bồi thường hay không thì còn phải chờ các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Khi có kết luận cuối cùng và xác định chắc chắn là do nguyên nhân chất chỉ thị màu bị nhiễm vi khuẩn Pseudomonas, bệnh viện sẽ khiếu nại đến nhà sản xuất và nhà sản xuất phải có trách nhiệm với bệnh nhân.
Nhiều bệnh nhân thấy... tối thui Ông Huỳnh Công Pha (80 tuổi, ngụ Đức Hòa, Long An) cho biết ông được mổ mắt trái tại bệnh viện ngày 25-5. Trước khi mổ, mắt trái của ông còn nhìn thấy. Mổ xong, mắt ông sáng được ba ngày thì không còn thấy gì nữa. Do ông có thẻ bảo hiểm y tế nên chỉ phải đóng 3,5 triệu đồng. “Bác sĩ nói để theo dõi tối đa chứ không thể nói có sáng mắt lại hay không. Mắt phải tôi đã bị mù từ lâu, chỉ còn mắt trái. Nào ngờ bị mù luôn, ăn cơm cũng không thấy đường mà ăn...” - ông Pha đau khổ kể. Mổ cùng ngày với ông Pha còn có bà Trương Ngọc Sáng (Vĩnh Long). Bà Sáng cho biết mổ mắt trái xong, khi tháo băng ra bà thấy sáng trưng được... một ngày. Hôm sau mắt bắt đầu xốn xốn, nước mắt chảy hoài rồi chuyển sang nhức, cuối cùng không thấy gì. Bà Đinh Thị Chét (80 tuổi, Bến Tre) được mổ mắt trái ngày 17-5 sau khi đóng 5,2 triệu đồng cho bệnh viện. Mổ xong bà thấy rõ cũng chỉ được một ngày. Qua hôm sau về đến nhà thì... tối thui. “Tôi bị sốt và mắt sưng lên, nhức không chịu nổi và không nhìn thấy gì”. Ông Huỳnh Thúc Sung (58 tuổi, ngụ Xuân Lộc, Đồng Nai) cùng mổ mắt phải vào ngày 17-5 với bà Chét cũng bị nhiễm trùng. Khi về nhà thấy mắt đau quá và không nhìn thấy gì nên ông gọi điện đến bệnh viện để hỏi. Một nhân viên bệnh viện bảo: “Mới mổ còn máu bầm nên còn đau, cứ tiếp tục uống thuốc và ở nhà chứ không có vấn đề gì”. Tuy nhiên, sau đó bệnh viện lại gọi gấp lên khám dù chưa tới ngày hẹn. Khi ông lên, một bác sĩ còn trách: “Sao không lên khám sớm?”. Ông Trần Trọng Tài (74 tuổi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) mổ mắt trái ngày 19-5 cũng bị tương tự như các bệnh nhân khác. Trước khi mổ, mắt ông còn nhìn thấy mờ mờ nhưng khi mổ xong thì ông không nhìn thấy gì. L.TH.H. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận