24/03/2021 13:07 GMT+7

Vòng xe đạp thồ xứ Huế

NHẬT LINH - NGUYỄN TRỌNG
NHẬT LINH - NGUYỄN TRỌNG

TTO - Bấy lâu đi ngang cầu Trường Tiền, người ta thường thấy một người đàn ông ngồi bên đường dẫn lên cầu với vẻ bất cần đời để chờ khách ới... xe đạp thồ. Ở chợ Đông Ba, những 'đồng nghiệp' của ông cũng đang ngóng người gọi chuyến xe.

Vòng xe đạp thồ xứ Huế - Ảnh 1.

Đội xe đạp thồ trước chợ Đông Ba, Huế - Ảnh: NGUYỄN THƯỢNG HIỂN

"Tiền mô mà mua xe máy. Mỗi cuốc xe chở hàng hay chở người chỉ tầm 3.000 - 10.000 đồng, xa hơn thì 15.000, 20.000 đồng. Tuổi tui gần đất xa trời, vay mượn tới khi nào mới trả đủ?

Ông Phan Văn Vui tâm sự khi được hỏi sao không mua xe máy để chạy thồ.

Đó là ông Tôn Thất Tâm (70 tuổi), người có 40 năm thâm niên đạp xe thồ - nghề mà những người lớn tuổi đầy hoài niệm một thời khó khăn xứ Huế.

Chuyến xe về một thời quá vãng

Tôi trong vai một du khách miền Nam pha chút lãng tử cho hợp với phong thái của ông lão đang nhìn đời mỗi ngày trên lan can chiếc cầu vắt qua dòng sông di sản. 

Cạnh ông Tôn Thất Tâm là chiếc xe đạp giàn cũ kỹ, hao hao giống của bộ đội tải quân lương thời chiến dịch Điện Biên. Yên sau lót những tấm cactông xếp chồng bọc bằng hai sợi cao su cắt ra từ ruột xe. Giỏ trước có tấm áo mưa kèm mấy chai nước lọc...

"Chú, tôi muốn một chuyến thăm Huế" - tôi mở lời. Nhìn tôi một cách lạ lùng từ đầu xuống chân, ông hỏi: "Thiệt chớ? Rồi đi mô?". "Chú chở đâu thì đi đó - tôi rút tờ 200.000 đồng rồi tiếp - Cho hết số tiền này".

Cười một tràng thú vị, ông Tâm bảo khách ngồi lên xe. Dắt xe lấy đà một đoạn, ông nhảy tót lên yên rồi khoan thai đạp từng vòng, từng vòng. "Thấy răng, khó chịu không? Chắc đi taxi hay xích lô khỏe hơn chớ?". "Nói thật là tôi cũng đang muốn biết vì sao chú vẫn chọn cái nghề... thế kỷ trước này" - tôi trả lời.

Trên đường, ông Tâm kể cho tôi nghe bao cơ man chuyện về xe đạp thồ, về chuyện đời, chuyện người và chuyện riêng của mình. Thuộc dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn, ông tự hào lắm khi kể về dòng họ mình...

Cuộc mưu sinh của ông cũng khá đặc biệt mà theo cách gọi của ông là "xưa lên voi, nay xuống chó". Giai đoạn khó khăn, ông vay mượn tậu chiếc xe đạp để đi thồ như người ta. 

"Hồi nớ chiếc xe là cả gia tài. Tui sắm con xe Thống Nhất thuộc hàng đẳng cấp. Mà hồi nớ ai ai cũng đi xe đạp thồ cả. Tiền có ngày tiêu không hết" - nói đoạn ông bất ngờ kêu tôi xuống xe. Nhìn mặt bỡ ngỡ của tôi, ông giải thích: "Đoạn dốc lên cầu Dã Viên ni cao lắm. Cậu đi bộ một đoạn rồi tui chở tiếp. Cả xe và người tui đều cũ lắm rồi mà, đạp lên dốc ni không nổi"...

Tôi tiếp tục bị cuốn vào những câu chuyện của người đạp xe già và những vòng quay: "À mà đời lạ lắm nghe. Tui được ông khách Tây chở đi có một đoạn mà đưa tiền 200.000 đồng như anh". 

Số là lần nớ, một ông người Mỹ cao to đến nhờ ông chở từ khách sạn gần cầu Trường Tiền đến ga Huế. Khi khách lên xe, ông không tài nào nhích xe đi được vì quá nặng.

Thấy vẻ bất lực của ông tài xế, vị khách bước xuống giành lấy tay lái, ra hiệu ông ngồi lên yên sau rồi chở bon bon trên đường, ít phút sau thì đến nơi. 

Nhận được món tiền 200.000 rất lớn lúc ấy, cảm xúc ông còn nhớ mãi: "Đúng là đời thiệt lạ. Ông Mỹ nớ được đạp xe mà thích thú lắm. À thấy xe đạp ri mà cũng nhiều người thích lắm đó nghe. 

Có nhiều khách ăn mặc xịn lắm, kêu tui chở đi rồi đưa tiền hơn giá bình thường. Mà cũng phải thôi, anh thấy không, đi xe đạp được nhìn thoáng rộng, được hít gió trời, được trải nghiệm về cái thời khắc khổ. Còn đi taxi ngồi trong cũng khó chịu thiệt anh hè?" - ông cười.

Tôi cũng thú thật với ông ở Huế đã lâu, đi ôtô, xe điện, xe máy trên bờ và các loại thuyền dưới nước đủ các kiểu ngắm phố ngắm phường. Nhưng lần này ngồi sau chiếc xe đạp cọc cạch, cà tàng mà thấy cuộc sống, phố xá có gì đó vừa cũ kỹ vừa là lạ, nó chậm rãi, yên bình rất đỗi thú vị.

Vòng xe đạp thồ xứ Huế - Ảnh 3.

Ông Tôn Thất Tâm hằng ngày vẫn ngồi ở đầu cầu Trường Tiền đợi khách ới xe đạp thồ - Ảnh: NHẬT LINH

Một thời hoàng kim

Nghề đạp xe thồ ở Huế được nhiều người kể có một quá khứ "rực rỡ". Khoảng thập niên 1980, khi nhu cầu đi lại không nhiều như bây giờ, người dân Huế chủ yếu theo những chuyến xe lam các tuyến Đông Ba - Tây Lộc, Đông Ba - An Cựu, Chợ Nọ - Chợ Dinh... Xích lô hồi đó cũng phổ biến nhưng xe đạp thồ vẫn nhiều hơn cả. 

Cái thời đói kém, người ta có chiếc xe đạp chạy thồ là có cần câu cơm nuôi cả gia đình. Dần dần xe đạp trở nên phổ biến, tầm ảnh hưởng của xe đạp thồ có phần yếu hơn. 

Ông Tâm nhớ như in sự khấp khởi của người dân khi xe máy bắt đầu rú ga nhiều hơn ngoài đường. Cuộc sống của người dân bắt đầu khấm khá, nhưng cũng vì vậy mà cánh xe đạp thồ như ông dần dần nép mình lại vì vãn khách.

Ông Nguyễn Văn Khai, một người chạy xe đạp thồ ở chợ Đông Ba, kể rằng hồi đó nếu đạp đều có khi vài ngày đã sắm được nửa chỉ vàng. "Miếng đất hồi đó có vài chỉ vàng chứ mấy. Cái nghề ni tính ra hồi đó cũng ngon như ai" - ông Khai đăm chiêu nhớ về một thời quá vãng. 

Cho đến hiện nay chỉ còn vài người như ông Khai, ông Tâm sống bám bằng cái nghề này quanh chợ Đông Ba. Những món hời 200.000 đồng trả công như cuốc xe của vị khách Mỹ trở thành quà "từ trên trời rơi xuống" cho cánh xe đạp thồ còn sót lại.

Đang ngồi vắt chân trước cổng chợ Đông Ba đợi khách, ông Phan Văn Vui (68 tuổi) như giật thót mình khi nghe tiếng gọi của một tiểu thương từ phía trong chợ vọng ra: "Chú Vui đi hàng không? Chở qua chợ An Cựu". 

Người tài xế già vội vã chạy tót vào bên trong nhận hàng, đây là cuốc xe đầu tiên trong cả buổi sáng ngồi dài đợi khách. "Thùng bánh kẹo thôi. 8.000 hỉ?" - người tiểu thương trả giá.

Ông Vui đồng ý ngay rồi khấp khởi bưng thùng hàng ra chiếc xe đạp cà tàng dựng trước cổng chợ. Ông buộc thùng hàng sau yên xe rồi rướn mình đạp đi giao vội cho khách. Xong việc ông lại quay về góc trước chợ, vắt chân chữ ngũ đợi người ới tên mình.

Còn nhớ lần ngồi sau tấm lưng gầy của ông Tôn Thất Tâm, thi thoảng lại có chiếc xe máy phía sau bất ngờ vụt lên trước khiến tay lái người tài xế già giật mình loạng choạng. 

Ông đưa mắt nhìn theo tiếng máy êm tai hiện đại rồi buông tiếng: "Chắc hắn là thủ phạm khiến nghề tui hẻo khách như ri". Lời trách có pha chút bông đùa ấy lẫn chút thở dài của vị tài xế già. Cỗ máy thời gian theo hướng hiện đại đã đẩy thời hoàng kim đạp thồ của ông lùi dần về quá khứ.

Vòng xe đạp thồ xứ Huế - Ảnh 4.

Một cuốc xe thồ của ông Phan Văn Vui - Ảnh: NGUYỄN THƯỢNG HIỂN

Tương trợ lẫn nhau

Ông Nguyễn Văn Đàn, một bác tài xe ôm, cho biết hiện còn hơn 10 người hành nghề xe đạp thồ thuộc Nghiệp đoàn xích lô, xe thồ TP Huế mà ông làm ban chấp hành.

Ông nói: "Anh em trong nghiệp đoàn, bất kể xe ôm hay xe đạp thồ, đều đoàn kết, cố gắng tương trợ lẫn nhau và tuân thủ nội quy hoạt động của nghiệp đoàn.

Mỗi lần anh em đau ốm, chúng tôi đều đến thăm hỏi động viên. Trong cuộc mưu sinh cũng vậy, nếu xe ôm gặp khách chở hàng gần gần thì giới thiệu cho xe đạp thồ. Còn xe đạp thồ mà gặp khách đi xa thì giới thiệu lại cho xe ôm".

Xích lô chở gió, xích lô chở đời Xích lô chở gió, xích lô chở đời

TT - Ngẫu nhiên ngày 3-6, khi trên 300 chiếc xích lô diễu hành trên một số tuyến đường lớn vòng quanh đôi bờ sông Hương, TP Huế thì cũng chính là ngày giỗ của một đồng nghiệp giới xích lô và rất gần gũi với những người mà anh từng nói về họ cũng như về mình “đời quay tròn theo bánh xe lăn”. Đó là cố “nhà thơ” Phương xích lô.

NHẬT LINH - NGUYỄN TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên