23/07/2019 10:21 GMT+7

Vốn Trung Quốc vào Việt Nam 'rất đặc biệt'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Nguồn vốn Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu tập trung ở các hợp đồng tổng thầu EPC, với hiệu quả thực chất và công nghệ đang đặt ra những yêu cầu trong việc nâng cao quản lý về lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu từ nước này.

Vốn Trung Quốc vào Việt Nam rất đặc biệt - Ảnh 1.

Tại một dự án có nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC - Ảnh: NAM TRẦN

Những khuyến nghị trên được đưa ra tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu "Một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam", do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức ngày 22-7 ở Hà Nội.

Tăng liên tục

TS Nguyễn Đức Thành - viện trưởng VEPR - cho biết theo kết quả nghiên cứu chỉ ra vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam "rất đặc biệt" khi chủ yếu đi qua hình thức làm tổng thầu EPC, chứ không chỉ qua FDI hay ODA. Mặc dù vốn FDI vào Việt Nam tăng liên tục từ năm 2012 nhưng quy mô vốn của Trung Quốc tăng không nhiều, chiếm 8% tổng vốn FDI năm 2012 và tăng lên 10% năm 2019.

Nếu so với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á, vốn Trung Quốc chảy sang Hong Kong là chủ yếu, và Việt Nam chỉ là một phần nhỏ. Phân bổ của vốn Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, miền Tây Nam Bộ...

"Trung Quốc chưa phải là tay chơi lớn. Nhật đầu tư vào năng lượng, dầu; Đài Loan đầu tư vào sản xuất nhựa; Hàn Quốc vào điện tử... Mỗi nước có chiến lược đi riêng. Trung Quốc chưa nhiều lắm, ngoài dệt may, hóa chất, cung cấp điện, nước... Trong đó, bất động sản mới bắt đầu hình thành" - ông Thành cho hay.

Theo nghiên cứu của VEPR, vốn Trung Quốc vào Việt Nam chưa nổi trội so với các nước đã đầu tư lâu đời tại Việt Nam. Bởi chủ yếu nguồn vốn đầu tư FDI nước này mang tính kinh doanh, tính toán rất kỹ, vào Việt Nam có lợi cho nhà đầu tư Trung Quốc hay không. Do đó, vốn đầu tư từ nước này chưa có sự khác biệt lớn về công nghệ, mật độ vốn.

Với vốn đầu tư tập trung ở các gói thầu EPC, đây cũng là vấn đề gây tranh cãi nhất khi cho rằng liệu đây có phải là một hình thức của vốn FDI hay không, cũng như hiệu quả thực chất của các dòng vốn thông qua hình thức này.

Khó hiểu đúng bản chất dòng vốn

TS Trần Toàn Thắng - trưởng ban kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội (Bộ Kế hoạch và đầu tư) - cho rằng để hiểu đúng bản chất về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam là một thách thức. Bởi EPC không phải là hình thức đầu tư mà là hợp đồng xây dựng đơn thuần. EPC thực chất là một phần vốn ODA.

Trong khi đó, dù có đánh giá con số FDI vốn Trung Quốc vào Việt Nam ít, nhưng theo ông Thắng, nếu cộng cả Hong Kong, Macau... sẽ là con số "khủng". Do đó, để đánh giá kỹ lưỡng tác động của FDI đến nền kinh tế cần phải phân ngành, có cái nhìn và nghiên cứu kỹ mới có được kết luận xác đáng về FDI của Trung Quốc vào Việt Nam và những tác động.

"Nếu dữ liệu tiếp cận ở dạng bộ hồ sơ doanh nghiệp thì sẽ có kết luận dễ dàng hơn" - ông Thắng đề xuất.

TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần phân tích cụ thể những đánh giá về FDI của Trung Quốc với các khoản vay, tác động và ảnh hưởng, hệ lụy của dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Đồng thời cần chỉ rõ xu hướng của cuộc chiến thương mại tác động đến việc chuyển dịch dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam, khi hiện nay lĩnh vực đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam lớn nhất là khai khoáng, dệt may. Đồng thời cần phân định rõ bản chất thực sự của các dòng vốn thông qua EPC khi đầu tư vào Việt Nam là những nguồn nào.

Ông Trương Đình Tuyển (nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại):

Nâng cao trách nhiệm khi chọn nhà thầu

Những tác động xấu trong đầu tư ODA, hay các nhà thầu EPC của Trung Quốc, xuất phát một phần từ cơ quan quản lý của Việt Nam. Trong khi đó, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, sẽ ngày càng tăng khi nước này đang ngày càng muốn tạo ảnh hưởng. Do đó, cần nâng cao hơn nữa năng lực, trách nhiệm trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư vào Việt Nam để nâng cao chất lượng dòng vốn.

Nhiệt điện lại trông vào vốn Trung Quốc? Nhiệt điện lại trông vào vốn Trung Quốc?

TTO - Không huy động được tiền đầu tư, TKV được đề nghị phải nhường siêu dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 cho liên danh Geleximco - HUI thực hiện, vốn dự kiến chủ yếu từ Trung Quốc.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên