05/03/2018 09:15 GMT+7

Vốn ngoại ồ ạt vào bất động sản, giá nhà có 'thay máu?

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Hai tháng có 7.000 tỉ đồng vốn ngoại chảy vào bất động sản. Cuộc cạnh tranh trên thị trường nhà đất liệu có dẫn đến “thay máu” về sản phẩm, giá cả...?

Vốn ngoại ồ ạt vào bất động sản, giá nhà có thay máu? - Ảnh 1.

Một dự án bất động sản có vốn FDI tại TP.HCM - Ảnh: XUÂN HƯNG

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), vốn FDI vào bất động sản năm 2017 đã gấp đôi năm 2016. Hai tháng đầu năm 2018, tổng vốn FDI vào bất động sản đạt 312 triệu USD (khoảng 7.000 tỉ đồng). 

Liên tiếp các dự án có vốn FDI đổ vào bất động sản, đặc biệt ở TP.HCM. Hai năm trở lại đây, hàng loạt chủ đầu tư như CapitaLand, Keppel Land, Mapletree, Gamuda Land... đã nhập cuộc. 

Một số tập đoàn ngoại cũng đầu tư tại Việt Nam dưới hình thức liên kết với doanh nghiệp nội như Quỹ Creed Group, Mitsubishi, Sanyo Homes, Daiwa House Group, Sumitomo Forestry Group... 

Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo ba phương thức là góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp và cho vay vốn đầu tư. 

Đến nay, một số dự án do chủ đầu tư nước ngoài phát triển hoặc hợp tác đầu tư đã được tung ra thị trường.

Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào thị trường bất động sản. Một năm trở lại đây, các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn như Mitsubishi, Maeda, Kajima, Sumitomo, Sanyo, Creed Group... đã tăng mạnh dòng vốn đầu tư vào bất động sản ở TP.HCM. 

Trong đó Creed Group (Nhật Bản) cam kết đầu tư 200 triệu USD vào Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản An Gia. 

Tháng 7-2017, An Gia đã ra mắt một dự án ở quận 7 với sự hợp tác của Creed Group. Cũng trong quý 2-2017, một dự án tại quận 8 do Creed Group "bắt tay" với Công ty cổ phần Năm Bảy Bảy đã hoàn thành và bàn giao căn hộ.

Tương tự, các nhà đầu tư nước ngoài khác từ châu Á cũng tích cực không kém. Năm 2007, Công ty cổ phần Gamuda Land (Malaysia) hợp tác cùng một chủ đầu tư Việt Nam đã phát triển dự án tại quận 7. 

Sau khi hoàn thành, công ty này tiếp tục đầu tư thêm một dự án trên quỹ đất 82ha tại quận Tân Phú. Hiện tại, những căn hộ đầu tiên đang được bán ra thị trường. 

Đại diện Công ty Gamuda Land chia sẻ nhờ việc hợp tác với chủ đầu tư trong nước, doanh nghiệp này đã hiểu sâu hơn về thị trường bất động sản Việt Nam. 

Nhận thấy triển vọng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với nền kinh tế đang phát triển, đông dân và có nhu cầu cao về bất động sản, đại diện Gamuda Land khẳng định đang tìm kiếm thêm quỹ đất lớn để tiếp tục xây dựng các khu đô thị đầy đủ tiện ích ở quốc gia này.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào thị trường bất động sản. 

Nguồn vốn FDI sẽ hỗ trợ thêm nguồn vốn đầu tư vào bất động sản đang bị hụt do ngân hàng giảm cho vay tín dụng. 

Tuy nhiên, xu thế của các doanh nghiệp bất động sản VN không phải tiếp nhận FDI bằng mọi giá, mà có lựa chọn. 

Trong đó ngoài việc lựa chọn các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, thời gian tới, theo ông Châu, doanh nghiệp trong nước sẽ "khai phá" thêm nguồn FDI từ châu Âu và Mỹ.

Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam - cho rằng sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ đem tới thị trường những chuyên môn, kinh nghiệm phát triển ở tất cả các lĩnh vực và phân khúc. 

Mặt khác, họ cũng giúp tăng tính cạnh tranh, cải tiến hoạt động kinh doanh và sản phẩm, do vậy sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng. 

"Việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản. Hệ thống tài chính ngân hàng sẽ có thể sử dụng nguồn vốn cho các lĩnh vực khác như nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ, thay vì tập trung phát triển bất động sản" - ông Khương nói.

TS Vũ Đình Ánh (chuyên gia kinh tế) cho rằng ngoài tiềm lực tài chính, việc nhà đầu tư nước ngoài có những ưu thế về kinh nghiệm thị trường, đặc biệt liên quan đến chuẩn mực bất động sản, sẽ góp phần phát triển thị trường bất động sản Việt Nam. 

Tuy nhiên, theo ông Ánh, thị trường bất động sản gắn với đất đai, các vấn đề xã hội, nên việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào thị trường bất động sản phải kèm theo các biện pháp liên quan đến hành chính, kinh tế để giảm thiểu các yếu tố rủi ro, bất lợi.

Thêm 1.000 căn nhà ở xã hội tại TP.HCM

Ngày 4-3, Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land đã bàn giao hơn 1.000 căn nhà ở xã hội thuộc dự án Jamona Apartment (quận 7, TP.HCM) cho cư dân.

Dự án Jamona Apartment nằm trong dự án khu đô thị cao cấp Jamona City có quy mô hơn 10ha.

Khu nhà ở xã hội gồm 2 block bắc - nam với hơn 1.000 căn hộ. Đây là dự án nhà ở xã hội thứ hai do TTC Land đầu tư tại TP.HCM.

Tại buổi bàn giao, ông Vũ Văn Phấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cho biết trên cả nước đã xây dựng được 184 dự án nhà ở xã hội với khoảng 74.000 căn hộ, hiện đang tiếp tục triển khai 207 dự án với quy mô trên 160.000 căn hộ.

Tuy nhiên, hiện nhu cầu cải thiện nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp còn rất lớn...

LỘC HÀ

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên