01/02/2023 08:15 GMT+7

Vòm mũi họng bỗng nhiên xuất hiện cục u có nguy hiểm?

Các bác sĩ cho biết khi thấy vòm mũi họng xuất hiện cục u nhỏ, nếu có loét lan rộng, kèm theo cảm giác đau, ê... cần sớm đến các cơ sở y tế để được thăm khám.

Vòm mũi họng bỗng nhiên xuất hiện cục u có nguy hiểm? - Ảnh 1.

Bệnh nhân được nội soi mũi tại phòng khám tai mũi họng Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Bạn đọc hỏi: "Mới đây, tôi vô tình phát hiện ra ở khẩu cái cứng (vòm mũi họng) có nổi một cục u nhỏ cứng gần bằng đầu đũa. Tôi sờ và ấn thử thì cứng như xương, tuy nhiên một lúc sau cục này không còn xuất hiện nữa. Xin hỏi bác sĩ, cục u này có nguy hiểm không và nguy cơ mắc bệnh gì?".

Đây là câu hỏi của bạn đọc gửi về chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc của Tuổi Trẻ Online.

Giải đáp thắc mắc của bạn đọc về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - trưởng khoa ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức - cho biết về cơ bản, khẩu cái cứng là tuyến xương có lót niêm mạc. Ở vùng vòm mũi họng xuất hiện cục u nhỏ đa phần là chồi xương lành tính.

Tình cờ chúng ta có thể phát hiện một khối u cứng, hơi dẹt, khi ấn mạnh có cảm giác hơi ê, phần lớn là chồi xương do lành tính nên chúng ta có thể không cần can thiệp.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý xem u này có lớn thêm không, thêm việc nếu bị loét lan rộng, lớn, uống thuốc không lành hoặc cảm giác đau, ê thì nên đến các cơ sở y tế để thăm khám là tốt nhất.

"Đối với chồi xương lành tính sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe, việc ăn uống không cần kiêng, hạn chế", bác sĩ Vũ cho hay.

Bên cạnh đó, bác sĩ Vũ cũng nhấn mạnh không loại trừ nguyên nhân mắc một số loại bệnh như nang lành tính, bướu nhú.

Tốt nhất là người dân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa về ung bướu hoặc tai, mũi, họng để kiểm tra.

Các bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc ung thư vòm họng là 12%, chiếm một tỉ lệ khá cao so với các bệnh ung thư khác. Trong số đó có tới 70% bệnh nhân mắc ung thư vòm họng phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối khiến cho việc điều trị trở nên rất khó khăn.

Tuy nhiên, do những biểu hiện không rõ ràng nên bệnh nhân ung thư vòm họng đa số chỉ được phát hiện ở giai đoạn cuối.

Dù vậy, nếu gặp các biểu hiện sau cần nghĩ đến bệnh ung thư vòm họng: Đau họng kéo dài trên một tuần, uống thuốc không hiệu quả, nổi những hạch bất thường ở khu vực vòm họng kèm theo đau nửa đầu, khó nghe, khó nói, tự nhiên bị chảy máu cam, khó thở, ngạt mũi, tắc mũi kéo dài.

Do chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh nên rất khó để đưa ra các biện pháp phòng tránh tốt nhất. Tuy nhiên, dựa trên đối tượng mắc bệnh thường là những người hay uống rượu, hút thuốc hoặc ăn các đồ ăn lên men.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
“Tôi có ung thư vòm mũi họng?”“Tôi có ung thư vòm mũi họng?”

TT - Tại phòng khám tai mũi họng hằng ngày, nhiều bệnh nhân đến khám bệnh vì lo sợ mình bị ung thư vòm mũi họng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên