Tranh biếm minh họa của họa sĩ DAD - Ảnh: Tuổi Trẻ
Mấy ngày nay, các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram tại Việt Nam "nóng" với trào lưu thách thức 10 năm (#10yearschallenge). Hàng trăm nghìn bức ảnh chân dung so sánh sự thay đổi của người dùng sau 10 năm xuất hiện ngập tràn.
Với người dùng, đó đơn giản là xem lại sự thay đổi vẻ ngoài của mình sau 10 năm và "khoe" với bạn bè trên mạng. Nhưng đối với các công ty cung cấp ứng dụng, dịch vụ như Facebook, đó là kho dữ liệu hái ra tiền.
Người dùng tự "dâng hiến"
Hẳn rất nhiều chủ thuê bao di động còn nhớ vào tháng 4-2018 họ phải đi bổ sung ảnh chụp chân dung để đảm bảo chính chủ số điện thoại theo quy định. Khi đó, nhiều người bức xúc vì sự mất công, lo ngại hình ảnh của mình có thể bị nhà mạng thu thập, khai thác cho mục đích khác...
Tuy nhiên, với trào lưu thách thức 10 năm trên Facebook, nhiều người tự nguyện cung cấp ảnh chân dung đẹp nhất của mình mà không than trách hay lo ngại và rất vui khi có được nhiều lượt like (thích) và comment (bình luận).
Trào lưu thách thức 10 năm chỉ là một phần vô cùng nhỏ trong những cách thức mà các dịch vụ, ứng dụng trên Internet "tạo điều kiện" để người dùng tự nguyện chia sẻ các thông tin cá nhân, đời sống riêng tư, sinh hoạt hằng ngày.
Trên Facebook, nhiều người liên tục chụp hình, chia sẻ thông tin về việc mình đang làm gì, ở đâu, lúc nào với bạn bè, ai cũng có thể nhận ra họ có thói quen sinh hoạt, làm việc, ở công ty nào, trong lĩnh vực gì, sở thích ăn uống ra sao, hay đi chơi ở đâu...
Và tất nhiên, Facebook cũng biết được những thông tin này.
Trào lưu thách thức 10 năm đang rầm rộ trên Facebook
Theo ông Nguyễn Minh Đức, giám đốc Công ty an ninh mạng CyRadar, trong kỷ nguyên dữ liệu là vàng, việc thu thập dữ liệu của người sử dụng chính là cuộc đua của các công ty công nghệ.
Nếu tài khoản của bạn chưa điền đủ thông tin cá nhân (học trường nào, làm ở đâu...) thì mạng xã hội sẽ định kỳ nhắc nhở bạn điền. Hay họ cũng khuyến khích người sử dụng tag (gắn thẻ) bạn bè vào các bức ảnh, mục đích cũng là giúp họ nhận diện được chính xác hơn khuôn mặt của người dùng.
Ngay cả các ứng dụng như bói toán kiểu như "bạn sẽ thế nào vào năm 2025" cũng là những chiêu trò để lấy được thông tin cá nhân, thói quen, sở thích...
Riêng trào lưu thách thức 10 năm đang rầm rộ trên Facebook, các chuyên gia công nghệ đều cho rằng dù là phong trào tự phát hoặc chiêu trò của Facebook thì mạng xã hội này cũng đều có lợi.
"Người sử dụng đã tự nguyện cung cấp ảnh chân dung cách nhau 10 năm và các thông tin khác đi kèm. Chính họ đã "gắn nhãn" dữ liệu một cách chuẩn xác cho các công ty công nghệ" - ông Nguyễn Minh Đức nhận định.
Những thông tin này có thể phục vụ các thuật toán nhận dạng khuôn mặt, dự đoán lứa tuổi qua ảnh, thậm chí có thể dự đoán được khuôn mặt của bạn sẽ ra sao trong tương lai...
Chưa hết, không chỉ các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội hưởng lợi, việc gắn hashtag (và đang để chế độ mở cho mọi người xem được) còn giúp nhiều kẻ khác lợi dụng các mạng xã hội để âm thầm thu thập các dữ liệu trên.
Không chỉ gương mặt mà khung cảnh cũng tham gia trào lưu thách thức 10 năm
Mục đích chính là... bán
Chỉ sau một thao tác tìm kiếm về một vấn đề nào đó trên Internet, nhiều người dùng Facebook dễ dàng bắt gặp ngay các quảng cáo hiển thị trên mạng xã hội này đúng vấn đề họ đang quan tâm.
Đây là chuyện đông đảo người dùng Facebook đã gặp, thậm chí khi hai người chat với nhau về một vấn đề nào đó, cả hai sau đó sẽ đều được thấy những quảng cáo liên quan đến vấn đề họ đã trao đổi. Cách thức để Facebook hiển thị những vấn đề từng người dùng đang quan tâm cụ thể đến như vậy chính là nhờ phân tích các dữ liệu, thông tin của người dùng.
Ông Ngô Tấn Vũ Khanh, giám đốc phát triển Kaspersky Lab Việt Nam, cho rằng các mạng xã hội đều là những cỗ máy khổng lồ về khai phá dữ liệu.
"Hầu như các dữ liệu họ thu thập từ chúng ta luôn được bóc tách và xử lý với những công nghệ tiên tiến nhất trong ngành trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu. Vì vậy có thể nói họ có khi hiểu rõ chúng ta và các mối quan hệ xung quanh chúng ta hơn cả chúng ta" - ông Khanh nói.
Theo ông Khanh, dữ liệu người dùng tất nhiên được dùng nhiều nhất cho việc bán, sau khi đã được khai phá từ các dữ liệu thô và cấu trúc nó lại theo nhu cầu cụ thể của đơn vị mua. Thông thường các dữ liệu về thông tin cá nhân liên kết đến các loại chi tiêu hay thói quen người dùng đó sẽ là những dữ liệu được nhiều đơn vị mua mong muốn tiếp cận nhất.
Theo ông Khanh, mục đích chính của việc phân tích dữ liệu vẫn sẽ hướng tới việc đổi thành tiền chủ yếu thông qua bán hàng, hoặc quảng cáo đúng tới nhu cầu và thói quen của người sử dụng.
"Tuy nhiên, với khả năng nắm bắt tới từng cá nhân, thậm chí là suy nghĩ của người dùng, không loại trừ khả năng những thông tin này còn có thể được phục vụ những mục đích khác, chẳng hạn có thể dễ dàng thực hiện "điều hướng suy nghĩ của dư luận" thông qua việc gợi ý các tin tức có chủ đích" - ông Nguyễn Minh Đức cho biết thêm.
Không nên để chế độ công khai
Theo các chuyên gia bảo mật, việc bị thu thập dữ liệu là việc không thể tránh khỏi, ngày nào người dùng còn sử dụng các giao tiếp trên Internet thì ngày đó nguy cơ đánh mất dữ liệu sẽ vẫn còn.
Tuy nhiên, để tránh các chiêu thức thu nhập dữ liệu không chính thống, người dùng có thể nhận diện thông qua việc đơn vị thu thập luôn tìm cách khuyến khích hay bắt buộc người dùng phải chia sẻ dữ liệu cá nhân cho đơn vị đó thông qua các ứng dụng/game/chương trình/trào lưu...
Với mạng xã hội, người dùng nên cân nhắc trước khi đăng các thông tin cá nhân của mình lên mạng. Bạn phải hết sức cẩn trọng, nhưng tốt nhất là không chơi các ứng dụng trên mạng xã hội vì chúng có thể truy cập vào được nhiều thông tin cá nhân của bạn.
Đặc biệt, bạn không nên để tài khoản của mình công khai (chỉ nên để chế độ bạn bè).
Kiếm miễn phí, thu tiền tỉ
Nguồn: Theo một báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar WorldPanel - Đồ họa: V.CƯỜNG
Theo số liệu dự đoán từ Công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, nhưng trong đó quảng cáo chi tiêu cho Facebook chiếm đến 235 triệu USD, còn Google chiếm 152,1 triệu USD.
Như vậy chỉ riêng Google và Facebook đã chiếm đến 66,7% thị phần quảng cáo Việt Nam trong năm 2018.
Cũng theo dự đoán của ANTS, năm 2019 và 2020, doanh thu quảng cáo của Facebook và Google tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong khi các doanh nghiệp/mạng quảng cáo trong nước cũng tăng trưởng nhưng rất ít và ngày càng thua xa hai "gã khổng lồ" nêu trên.
Chẳng hạn năm 2019, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước khoảng 648 triệu USD, nhưng Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD, các đơn vị trong nước chiếm chỉ 180,9 triệu USD. Đến năm 2020 là 760 triệu USD, riêng Facebook và Google sẽ "bỏ túi" hơn 512 triệu USD...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận