26/08/2013 08:17 GMT+7

Vô lý cũng cấm

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - Có dạo người ta nói nhiều đến những văn bản quy phạm pháp luật theo kiểu không quản được thì cấm. Đấy là dạng văn bản chứa những quy định thể hiện sự yếu kém của cơ quan quản lý, cái gì dễ thì vơ vào, cái gì khó thì đẩy cho người dân. Gần đây lại thấy xuất hiện ngày càng nhiều hơn những quy định kiểu... vô lý cũng cứ cấm.

Nói thế bởi có những cái vô lý đến độ không thể vô lý hơn nhưng vẫn được các bộ, ngành, địa phương đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành để cấm đoán hoặc xử phạt người dân.

Có những cái mới chỉ dừng ở mức ý tưởng, có những cái đã thành văn bản ban hành. Nhưng tất cả đều chứng tỏ có vẻ như những người đưa ra những quy định đó không đơn thuần chỉ là thiếu thực tế vì suốt ngày ngồi trong phòng máy lạnh, mà dường như còn cả sự thiếu hiểu biết về những quyền cơ bản nhất của công dân.

Có thể kể ra hàng loạt nội dung cấm vô lý, trái khoáy. Quay phim hoạt động của cảnh sát giao thông: CẤM. Phát tán bằng chứng về vi phạm thi: CẤM. Thịt bày bán quá tám tiếng: CẤM. Xây nhà nhái kiến trúc Pháp cổ: CẤM. Cán bộ tổ chức tiệc cưới quá 50 mâm: CẤM. Vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phương: CẤM... Thậm chí ở cấp huyện của một địa phương, ngành điện lực còn ra văn bản cấm công nhân dùng điện để... đun nấu.

Đó là những quy định rất thiếu khoa học, thể hiện sự tùy tiện trong cách xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành. Dường như ở bất cứ đâu, nếu thích, người ta đều sẵn sàng ra văn bản cấm đoán, bất cần biết quy định đó có hợp lý hay không.

Những quy định vô lý như trên cuối cùng đều được chính cơ quan ban hành nó phải ra quyết định bãi bỏ. Có điều, rất nhiều nơi vẫn chưa rút ra được bài học cho mình.

Quy định cấm quay phim hoạt động của cảnh sát giao thông gây bức xúc trên công luận suốt nhiều ngày qua, vừa chính thức được Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt ra quyết định hủy bỏ, vẫn còn chưa ráo mực thì công luận lại một phen ngỡ ngàng vì quy định cấm người ngực lép, nhẹ cân điều khiển xe máy được đưa ra trong một dự thảo thông tư hướng dẫn sức khỏe người lái xe và quy định khám sức khỏe định kỳ với người lái xe. Cái quy định phản khoa học này từng được Bộ Y tế đưa ra trong một dự thảo từ năm 2008 và phải hủy bỏ thì nay được “khai quật” lại. Có thể đây chưa phải là quan điểm cuối cùng của các cơ quan chức năng nhưng rõ ràng nó thể hiện tư duy rất ấu trĩ của một bộ phận những người soạn thảo.

Tất nhiên, có những quy định mới chỉ dừng ở mức dự thảo, còn phải lấy ý kiến nhiều đối tượng trước khi ban hành; có những quy định có thể chỉnh sửa, bổ sung, bãi bỏ. Nhưng bàn thảo về những ý tưởng kỳ quái đó quả là mất công sức và tốn nơron thần kinh. Hơn nữa, nó còn để lại hệ lụy xấu bởi người dân sẽ mất lòng tin vào những người được giao trọng trách soạn thảo, những cơ quan ban hành văn bản, nhất là khi những cá nhân, cơ quan ban hành ra những quy định vô lý ấy không bị xử lý. Có phải do chưa có trường hợp nào bị giáng chức, cho thôi việc hay phải bồi thường vì cho ra đời những quy định gây phản ứng tiêu cực trong xã hội nên càng ngày càng có nhiều quy định dù vô lý cũng cứ cấm?

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên