31/07/2008 18:09 GMT+7

Vợ chồng: yêu không phải là bên nhau suốt ngày

TRÁC NHI (Theo Herald Sun)
TRÁC NHI (Theo Herald Sun)

TTO - Chị Julie Evans (41 tuổi, giám đốc tuyển dụng) kể hồi mới yêu chị vẫn tập bóng đá hai đêm/tuần và chơi bóng vào các ngày chủ nhật, còn chồng chị, anh Kevin Foley (một nhà báo) vẫn đi đua thuyền buồm vào các ngày thứ bảy.

jJO9anY4.jpgPhóng to

Không phải cứ là vợ chồng là lúc nào cũng phải gắn chặt với nhau - Ảnh: The Sunday Telegraph

Mỗi năm anh dành một tuần để đi thuyền buồm hoặc câu cá xa nhà. Còn chị thích tới các bảo tàng mỹ thuật hoặc hội chợ sách cùng với các cô bạn gái.

Sau tám năm sống chung, vợ chồng chị Evans có một mối quan hệ bền vững và họ rất hợp nhau. “Chúng tôi không phụ thuộc vào nhau về vấn đề giải trí. Tôi nghĩ rằng việc cố gắng để bạn đời đáp ứng những nhu cầu của mình là một nhiệm vụ khó khăn".

Giống nhau mà vẫn khác nhau

John Gottman, giáo sư tâm lý học Trường đại học Washington và là tác giả cuốn Tại sao các cuộc hôn nhân thành công hay thất bại: Và làm thế nào để hôn nhân kéo dài (Nhà xuất bản Bloomsbury), cũng đồng tình với quan niệm này của chị Evans. Cuốn sách dựa trên một nghiên cứu với 2.000 cặp vợ chồng qua hai thập kỷ.

Theo GS Gottman, để nuôi dưỡng một cuộc hôn nhân vững bền, hai vợ chồng cần có những điểm chung đồng thời vẫn có những mặt khác nhau thuộc về bản chất của mình. “Đôi khi bạn ước rằng bạn đời của mình sẽ khác đi. Nhưng bạn sẽ rơi vào rắc rối nếu cố gắng sửa đổi người kia để hợp với tiêu chuẩn của bản thân".

Nghiên cứu của GS Gottman cho thấy, những cặp vợ chồng hạnh phúc và vững bền nhất là những người chấp nhận mối quan hệ vợ chồng của họ có những hạn chế nhất định.

Gillian Marcoolyn, nhà tâm lý học ở Sydney (Úc), chuyên về tư vấn tình cảm, thì cho rằng định nghĩa tốt nhất về tình yêu là: “Muốn biết và hiểu, và tiếp tục muốn biết và hiểu bạn đời của bạn”. Marcoolyn cho rằng việc vợ chồng có những cuộc sống xã hội và sở thích khác nhau cũng chẳng sao miễn là họ vẫn chia sẻ cùng nhau những thứ khác. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng nếu điều duy nhất mà hai vợ chồng có chung với nhau là việc họ sống cùng nhau thì mối quan hệ này có thể sẽ gặp sóng gió.

Sự thật của tình yêu vợ chồng

Theo hai nhà tư vấn hôn nhân Tina B. Tessina và Riley K. Smith, đồng tác giả cuốn Làm thế nào để kết hôn mà vẫn tự do, những mối quan hệ lý tưởng hóa mà chúng ta xem trên phim ảnh cộng với những cử chỉ chúng ta làm hồi còn đang tán tỉnh nhau có thể khiến một số người có những kỳ vọng không thực tế về cuộc sống vợ chồng.

Khi còn yêu nhau, hai bạn có thể xây dựng “vương quốc tự do” riêng của mình mà vẫn trân trọng những đặc điểm của người yêu (trong đó có hoàn cảnh gia đình, khả năng tài chính, mong muốn nghề nghiệp, quan niệm về con cái), những nhu cầu cảm xúc, lỗi lầm… của người ấy.

Nhưng khi sống cùng nhau, hầu hết thời gian của hai vợ chồng được sử dụng để làm những việc bình thường đã trở thành “thủ tục”, và việc nhìn thấy nhau hằng ngày khiến bạn thấy anh/cô ấy không còn bí ẩn nữa. Có khi bạn lo lắng rằng vợ/chồng bạn không còn thích ở bên bạn nữa.

Tình yêu lãng mạn có nhiều mộng tưởng, nhưng tình yêu được xây đắp bằng thực tế. Khả năng điều chỉnh những mục tiêu khác nhau để vượt qua những rào cản và tạo ra những giải pháp đáp ứng nhu cầu của hai vợ chồng phụ thuộc vào sự tận tụy của hai người.

Làm thế nào để độc lập khi đã kết hôn

- Hãy nhớ bạn là ai

Đừng bỏ bê bạn bè, những sở thích hay lối sống mà bạn có trước đây để phù hợp với vợ/chồng bạn. Bạn không cần từ bỏ những sở thích hay lối sống của mình nếu như đó là một phần con người bạn chỉ bởi vì vợ/chồng bạn không có những sở thích này.

- Tự lực

Đừng đề nghị bạn đời làm những việc mà bạn không biết làm, ví dụ như lắp đặt đầu DVD hoặc chuẩn bị bữa tiệc buổi tối. Hãy cố gắng tự mình làm những việc này. Kể cả khi bạn thất bại trong lần đầu tiên, điều đó vẫn chứng tỏ rằng bạn là người có khả năng trong quyền hạn của mình.

- Thể hiện cái tôi của mình

Khi ở bên người khác, nhớ nói từ “Tôi” hay vì “Chúng tôi”. Hãy đưa ra các quan điểm của mình và sắp xếp những buổi gặp gỡ với mọi người mà không phải lúc nào cũng phải hỏi trước ý kiến của vợ/chồng bạn.

- Phát triển những sở thích riêng

Làm những việc mà bạn thấy khó khăn về mặt cảm xúc hoặc thân thể. Xây dựng lòng tự tin của bạn theo cách này để bạn thấy rằng bạn không cần vợ/chồng bạn mang lại cho bạn một ngày hoàn hảo.

- Tách ra đi chơi riêng

Đôi khi việc hai vợ chồng ở bên nhau ngày này qua ngày khác tạo ra sự phụ thuộc. Ít nhất hai lần một năm, hãy đi nghỉ cuối tuần một mình hoặc đi cùng bạn bè. Khoảng thời gian tạm xa vợ/chồng sẽ mang lại cho bạn một cảm giác mới khi bạn trở về sau chuyến đi chơi vắng cô (anh) ấy.

TRÁC NHI (Theo Herald Sun)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên