Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
VNeID (viết tắt của từ Vietnam Electronic Identification) do Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06, Bộ Công an) phát triển, là một ứng dụng trên thiết bị di động được xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu về định danh, dân cư và xác thực điện tử, kết nối với các cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức xã hội.
Đến nay ứng dụng định danh điện tử VNeID đang dần hình thành một "siêu ứng dụng" chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Các tiện ích của VNeID đang được hoàn thiện và tích hợp giúp người dân không cần đi lại nhiều để hoàn tất các thủ tục hành chính, mà chỉ cần thao tác ngay trên chiếc điện thoại của mình.
Người dân cũng không còn phải trải qua nhiều bước xác minh hoặc gặp gỡ trực tiếp với cán bộ, tránh hoàn toàn những hiểu lầm hoặc yêu cầu không cần thiết. Cũng từ ngày 1-7-2024, VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Cụ thể, trên VNeID hiện nay đã cung cấp nhiều tiện ích về giấy tờ, thủ tục hành chính, an sinh xã hội, hồ sơ sức khỏe và các dịch vụ khác.
Nhờ VNeID, người dân có thể sử dụng các giấy tờ cá nhân dạng điện tử thay bản giấy, như căn cước công dân gắn chip (nay là căn cước), giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, hộ chiếu và thông tin cá nhân khác.
Ứng dụng tích hợp thẻ căn cước công dân giúp người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ, sử dụng VNeID làm thủ tục tại 22 cảng hàng không nội địa mà không cần xuất trình thẻ căn cước công dân gắn chip.
Với thông tin cư trú của công dân, gồm thông tin hành chính của chủ hộ và các thành viên khác trong hộ gia đình cũng đã được đưa lên tài khoản định danh điện tử, là giải pháp thay thế sổ hộ khẩu giấy.
Trong khi đó, việc tích hợp thẻ bảo hiểm y tế trên VNeID đã giúp thay cho việc phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế và căn cước công dân để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thì tại nhiều bệnh viện người dân chỉ cần mang theo điện thoại thông minh có cài đặt VNeID.
Đáng chú ý, từ 1-7-2024, khi cảnh sát giao thông kiểm tra trên đường, người dân có thể xuất trình giấy phép lái xe, đăng ký xe... qua ứng dụng VNeID.
Cụ thể, với giấy phép lái xe trên VNeID đã được phê duyệt (xác thực) sẽ được xem là hợp lệ.
Để xuất trình giấy phép trên VNeID khi được cảnh sát giao thông yêu cầu, người dân chọn xuất trình giấy tờ, đánh dấu vào hai ô giấy phép lái xe và đăng ký xe, sau đó bấm xác nhận.
Lúc này, màn hình điện thoại sẽ hiển thị thông tin giấy phép lái xe bao gồm số giấy phép, ngày cấp, giá trị sử dụng, nơi cấp… và các thông tin liên quan. Từ 1-8-2024, người dân có thể đăng nhập VNeID thực hiện đăng ký với xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Cùng với các tiện ích trên, người dân có thể khai báo y tế toàn dân, khai báo di chuyển nội địa, tích hợp thông tin cá nhân; sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; lưu trú; tố giác tội phạm; nhận thông báo liên quan khai sinh, thường trú, xóa đăng ký thường trú; khai báo thông tin cư trú, người phụ thuộc nộp thuế, chữ ký số...
Với đăng ký thường trú, tạm trú và tạm vắng, người dân hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục này ngay tại nhà trên VNeID.
Bên cạnh đó, các tiện ích sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID đã được triển khai trên toàn quốc từ tháng 10-2024.
Với việc Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cả nước đang hòa mình vào công cuộc chuyển đổi số.
Hai ngành thiết yếu của TP.HCM là điện và nước cũng hòa chung dòng chảy này, với nỗ lực tiến tới phục vụ người dân tốt nhất, thuận lợi nhất bằng việc số hóa hoạt động của mình. Cả hai ngành còn hướng đến việc tích hợp vào cổng dịch vụ công quốc gia để mọi dịch vụ được nhanh chóng, thuận lợi nhất có thể.
Sự chuyển mình của hai ngành điện, nước có thể nhìn thấy rõ rệt trong những năm gần đây. Như ngành điện, hiện người dân có thể theo dõi chỉ số điện trên ứng dụng, cụ thể đến chỉ số điện sử dụng từng ngày để biết biến động và điều chỉnh thói quen sử dụng. Bên cạnh đó ứng dụng còn có mục xem tiến độ dịch vụ đã đăng ký, lịch cắt điện, hóa đơn nợ… nên cứ có Internet thì khách hàng có thể thực hiện các giao dịch, kết nối với ngành điện.
Chuyên viên UBND phường Bình Hưng Hòa A, Bình Tân, TP.HCM hỗ trợ người dân sử dụng VNeID để đăng ký thủ tục hành chính - Ảnh: HỮU HẠNH
Chị Vân Anh (42 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhớ lại trước đây, một quy trình đơn giản là ghi chỉ số điện, kết số cũng mất nhiều thời gian. Nhân viên phải tới từng nhà ghi chép, khách hàng không có ở nhà thì phải trở lại sau.
Người dân thì cứ quen "ngóng" nhân viên, nhà nào linh hoạt hơn thì tự ghi số rồi treo bảng trước cửa nhà. "Có hóa đơn rồi thì phải đi đóng tiền. Giờ thì quá nhanh và tiện khi thông qua ứng dụng EVNHCMC, mọi việc đều được xử lý", chị Vân Anh nói.
Còn chị Minh Thu (35 tuổi, quận Tân Bình) thì nhớ lại trước đây, khi muốn thực hiện một thủ tục bất kỳ của bên ngành nước thật sự mất rất nhiều thời gian.
Đầu tiên là phải biết nhà mình thuộc khu vực quản lý của đơn vị cấp nước nào, lên đến trụ sở mà thiếu giấy tờ thì phải bổ sung, chạy tới lui, có khi phải qua hôm sau mới thực hiện được. Nhưng nay thì mọi thứ hoàn toàn khác.
"Tôi ngồi ở nhà, mở điện thoại hay máy tính đã có hướng dẫn cụ thể từ đơn vị cấp nước, hướng dẫn rõ ràng. Các chuyên mục đều gọn gàng, rành mạch. Tôi chỉ cần chụp hình, đính kèm tài liệu và sau đó chờ phản hồi mọi thứ về hồ sơ của mình" - chị Minh Thu nói.
Chưa kể các đơn vị cấp nước hiện nay đã triển khai rất nhiều kênh thông tin với mục đích tiếp cận khách hàng gần và nhanh chóng. Các tài khoản OA Zalo đều hoạt động rất hiệu quả và tức thời, những thông tin về gián đoạn cung cấp nước đều được thông báo trên nền tảng.
Trang thông tin điện tử của đơn vị cấp nước cũng tích hợp những tiện ích như hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, tra cứu thông tin hóa đơn…
Ai có thời gian thì đọc thêm nhiều tin tức tích cực của đơn vị như những đợt hội thảo giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, hội thảo về đồng hồ nước thông minh hay các giải pháp công nghệ nhằm giải phóng các phiền hà của người dân.
Chị Thu còn hồi tưởng thời ở trọ phải dùng nước giếng khoan của chủ nhà, dù đến nay vẫn ở trọ nhưng đã xài được nước máy.
Chỉ mới hơn 10 năm theo dõi và thấy rõ sự chuyển mình trong các hoạt động kinh doanh của ngành nước, chị Thu kỳ vọng ngành nước sẽ có thêm nhiều cải tiến để người dân được sử dụng nguồn nước sạch sẽ, chất lượng và dịch vụ tiện ích tốt nhất.
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết đang tích cực trình lãnh đạo thành phố cho phép kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp nước. Đây có thể coi là "bước nhảy" tiếp theo trong kỷ nguyên số. Khi việc kết nối dữ liệu được suôn sẻ, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ công một cách thuận lợi ngay tại nhà mình mà không cần phải đi đâu xa, nhất là đối với một số loại dịch vụ cần phải thường xuyên cập nhật các biến động.
Cụ thể, SAWACO và các đơn vị cấp nước thành viên đã thực hiện cấp định mức nước sinh hoạt căn cứ thông tin cư trú trên ứng dụng VNeID và cổng dịch vụ công quốc gia. Khách hàng có thể đăng ký định mức nước sinh hoạt với thủ tục đơn giản cho tất cả thành viên trong hộ gia đình.
Theo ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai dịch vụ công về các dịch vụ điện trên cổng dịch vụ công quốc gia https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html từ ngày 21-12-2019 và kết nối thành công cơ sở dữ liệu quốc gia từ tháng 2-2022.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã phối hợp Văn phòng Chính phủ triển khai thí điểm và chính thức tích hợp các dịch vụ điện lên cổng dịch vụ công từ ngày 21-12-2019.
Đến nay việc triển khai rất thuận lợi, các yêu cầu đăng ký qua cổng tiếp nhận của EVNHCMC và qua cổng dịch vụ công quốc gia đều được đồng bộ và tích hợp chung hệ thống quốc gia. Do đó, người dân có thể theo dõi và giám sát quá trình giải quyết yêu cầu từ nhiều kênh giao tiếp.
Bên cạnh đó, EVN đã chủ động làm việc với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) để kết nối cơ sở dữ liệu khách hàng sử dụng điện với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay tại thời điểm còn gặp nhiều khó khăn do chưa chuẩn xác thông tin dân cư (thời điểm này người dân cả nước đang đăng ký, cập nhật mới căn cước công dân có gắn chip).
Kết quả đến nay hệ thống gần 2,8 triệu hộ sử dụng điện trên địa bàn TP.HCM đã được kết nối, và luôn ở chế độ sẵn sàng đối soát trực tuyến với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trung tâm điều độ hệ thống điện TP.HCM (chi nhánh 2) tọa lạc tại số 117 Phổ Quang, Tân Bình - Ảnh: HỮU HẠNH
Từ đây, thông tin người đăng ký được kiểm tra, xác thực nhanh chóng qua căn cước công dân khi tiếp nhận, giúp quá trình tiến hành các thủ tục điện cho người sử dụng điện được nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết dịch vụ, khách hàng có thể theo dõi tiến độ trực tuyến qua ứng dụng chăm sóc khách hàng và tương tác trực tuyến với điện thoại viên qua chatbot.
Tính đến tháng 11-2024, kết quả triển khai các dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử rất tốt. EVNHCMC thông qua hệ thống hạ tầng chung với EVN đã thực hiện kết nối thành công các nội dung: Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V) và thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện.
Hiện đã có 123.491 cá nhân, 8.323 doanh nghiệp được ngành điện xử lý hồ sơ đúng hạn qua hình thức trực tuyến, đạt tỉ lệ 100%.
Một trong những lĩnh vực chứng kiến làn sóng chuyển đổi số thực chất và sâu rộng nhất hiện nay ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là giáo dục.
Đặc biệt, chính người học đã là yếu tố tiền đề "thúc ép" sự chuyển đổi ấy.
Ông Thanh Hải, hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông (Q.12, TP.HCM), cho hay kể từ sau dịch COVID-19 đến nay, đội ngũ sinh viên, giảng viên và ban giám hiệu đều được kết nối thông qua một app di động "nhà làm".
Trên app, học sinh, sinh viên được cập nhật đầy đủ thông tin từ lịch học theo học kỳ, thời khóa biểu, lịch thi, kiểm tra, thay đổi về lịch học, phòng học (nếu có)… Cứ có thông báo mới, lập tức học sinh, sinh viên nhận được thông báo "ting ting" trên app để cập nhật. "Theo khảo sát, hơn 70% học sinh, sinh viên của nhà trường đang sử dụng app này mỗi ngày" - ông Hải thông tin.
Đặc biệt, hệ thống công nghệ số trong nhà trường do chính giảng viên và sinh viên thiết kế. App quản lý chung này cũng là đồ án tốt nghiệp của một nhóm sinh viên năm 3 đảm nhiệm chính. Sau khi ra trường, các bạn sẽ để lại phần code cho các sinh viên đàn em có thể tiếp quản và cập nhật các phiên bản tiếp theo, hoặc sáng tạo tiếp tục những ứng dụng khác.
Bạn Thành Đạt - sinh viên năm 2 ngành công nghệ thông tin - hiện đang là thế hệ tiếp nối. Giữa năm 2024, nhóm của bạn cho ra thêm một ứng dụng quản lý thư viện trường.
Phần mềm mới của các bạn cho phép thủ thư dùng điện thoại di động để quét thẻ sinh viên, căn cước hoặc VNeID của các bạn là ngay lập tức được trích xuất dữ liệu vào hệ thống, ghi chép lại lịch sử đến thư viện - thay cho cách thủ công trước đây.
Khi muốn mượn sách, các bạn cũng chỉ cần mở điện thoại quét VNeID. Hệ thống quản lý thư viện sẽ ghi nhận lại thông tin và tự động cập nhật thông tin mượn sách.
Khi đến hạn trả sách, điện thoại của các bạn cũng sẽ nhận được thông báo nhắc nhở qua app hoặc qua tin nhắn SMS.
Trong khi đó tại Trường CĐ Quốc tế TP.HCM (quận Bình Tân, TP.HCM), ba hệ thống số đã và đang được nhà trường tích hợp, bao gồm quản lý học sinh, kế toán và điểm danh. ThS Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ khi cả ba sẽ được đồng bộ ngay trong quý 1-2025, toàn bộ hoạt động trong nhà trường đều có thể được theo dõi và kiểm soát ngay bằng chiếc điện thoại di động.
Mỗi phòng ban đều có thể kiểm tra chéo kế hoạch công việc và phối hợp với nhau trong hầu hết các đầu việc quan trọng liên quan đến sinh viên. "Việc này tăng khả năng kết nối và trách nhiệm của các bộ phận với công việc chung của nhà trường", ông Lý nói.
Ở các trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM, xu hướng chuyển đổi số đang rất mạnh mẽ. Ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) - cho hay hiện nay hệ thống văn bản giữa Sở GD-ĐT đến các trường THPT và trong nội bộ các trường đều là văn bản số. Thông tin từ sở đến trường, từ lãnh đạo nhà trường đến các giáo viên trở nên rất nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận.
Theo ông Phú, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã tạo dư địa cho thầy cô số hóa bài giảng bằng nhiều hình thức. Giáo viên cũng được quyền yêu cầu học sinh sử dụng điện thoại di động để tận dụng các phần mềm mới cho một số nội dung, giúp tiết học thú vị hơn.
Chẳng hạn trong cơn bão Yagi gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh khu vực phía Bắc, các giáo viên môn địa lý đã cho học sinh sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ GPS theo dõi trực tiếp đường đi của bão. Từ đó, các em cũng đồng cảm hơn với những đồng bào vùng bão đi qua.
Cô Hà Thị Kim Sa - hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hồng Hà (quận Tân Bình, TP.HCM) - cho rằng một động lực chuyển đổi số cho các trường đang đến từ chính học sinh của mình.
Học sinh hiện rất giỏi công nghệ, thành thạo nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Nếu nhà trường hay giáo viên vẫn mù mờ về công nghệ, khoảng cách giữa học sinh và giáo viên sẽ rất xa. Nhà trường và giáo viên sẽ là bên thất thế.
Cô Kim Sa nói chuyển đổi số không chỉ là một yêu cầu để hoạt động hiệu quả hơn, mà còn là trách nhiệm với chính học sinh. Vì vậy, trường cô Sa yêu cầu các giáo viên phải thường xuyên đi tập huấn sử dụng công nghệ và phải ứng dụng được vào bài giảng thực tế.
Chẳng hạn với môn hình học, giáo viên sẽ phải biết sử dụng các phần mềm mới nào để vẽ hình, minh họa cho học sinh. Thầy cô sẽ gợi ý cho các em một số trợ lý ảo để học khi ở nhà.
Đồng thời, các thầy cô còn phải tổ chức thêm những buổi sinh hoạt chuyên đề để tập huấn cho những thầy cô khác có thể tham khảo. "Đây không phải là chuyện của một người, của một phòng ban, mà phải là của cả trường", cô Sa nói.
Ông Lê Duy Tân - trưởng phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM - nhấn mạnh rằng con người là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số. Trong một trường học, con người ở đây trước hết là ban lãnh đạo nhà trường và đội ngũ thầy cô giáo.
Để tối ưu nguồn lực, ông cho rằng cần xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn, chia nhỏ các hạng mục thực hiện theo từng năm học.
Việc chuyển đổi số cần được thực hiện có kiểm soát, không nên rập khuôn nhưng cũng nên tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một cách khác nhau hoặc xây dựng các kho học liệu hoành tráng chỉ để chạy theo thành tích, thay vì đáp ứng nhu cầu học tập thực tế của học sinh.
Với hệ thống tra cứu văn bằng như hiện tại của Trường cao đẳng Việt Mỹ thì có thể phát triển công cụ tích hợp cho phép truyền tải dữ liệu từ hệ thống quản lý bằng cấp của trường đến hệ thống VNeID - Ảnh: NHƯ HÙNG
Bà Trương Lê Quỳnh Tương - cựu giám đốc tại Việt Nam của nền tảng học trực tuyến toàn cầu ClassIn - cho biết phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, nhưng một khảo sát cho thấy 35% phụ huynh lo ngại rằng việc học trực tuyến sẽ làm giảm tương tác xã hội và ảnh hưởng đến kỹ năng mềm của con em họ.
Nhiều phụ huynh chưa quen với các nền tảng học trực tuyến hoặc công cụ công nghệ, dẫn đến khó khăn trong việc hỗ trợ con cái.
Do vậy theo bà, các trường học cần tổ chức các buổi hướng dẫn, trao đổi thực tế dành riêng cho phụ huynh về cách sử dụng công nghệ trong học tập, cũng như cách hỗ trợ con em mình học trực tuyến hiệu quả, nâng cao niềm tin của phụ huynh.
Sau 3 năm ra mắt, đến nay ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID đã được tích hợp nhiều tiện ích dịch vụ công: là giấy tờ đi máy bay, xuất trình bằng lái, đăng ký xe, khám chữa bệnh BHYT, cấp phiếu lý lịch tư pháp, kiến nghị, phản ánh an ninh trật tự...
Rõ ràng, người dân cả nước đã cảm nhận nhiều hơn về sự tiện lợi của "ví giấy tờ" trên ứng dụng VNeID.
Thực tế dù Thủ tướng đã có chỉ đạo chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp, song gần đây khi người dân đi xin việc (từ xe ôm công nghệ, giúp việc đến nhân viên văn phòng, xuất khẩu lao động...), phần lớn các doanh nghiệp tuyển dụng vẫn yêu cầu phải nộp phiếu lý lịch tư pháp. Khó khăn cho người dân và áp lực quá tải cho cơ quan cấp phiếu xảy ra.
Trước đây người dân phải rồng rắn xếp hàng, ngồi chật kín trong trụ sở Sở Tư pháp TP.HCM để làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp - Ảnh: ÁI NHÂN
Tuy nhiên, từ khi việc cấp phiếu lý lịch tư pháp thực hiện qua VNeID, tình trạng quá tải đã được cải thiện. Đến Sở Tư pháp TP.HCM làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, anh Nguyễn Ngọc Trình (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhìn màn hình hướng dẫn cách làm thủ tục trên VNeID nên lấy điện thoại ra làm theo.
Anh Trình vốn là thợ điện, nay công việc gặp khó nên đi làm lý lịch tư pháp để cung cấp cho đơn vị tuyển dụng chạy xe công nghệ. "Tôi mở ứng dụng làm theo và thấy rất nhanh, tiện lợi. Chỉ qua vài bước thực hiện đã xong rồi về chờ trả kết quả. Nếu biết trước thì đã không cần đến đây", anh Trình nói.
Còn anh Nguyễn Đình Lê Quốc (42 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho hay đã thực hiện thủ tục đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID vào đầu tháng 12-2024 và được trả kết quả sau vài ngày.
Anh Quốc nói quá trình này rất nhanh chóng vì các thông tin liên quan như nơi cư trú, số căn cước, ngày tháng năm sinh... đã tự động có sẵn trong tờ khai.
"Tôi chỉ mất khoảng 5 phút là hoàn tất việc thực hiện thủ tục trên VNeID, bao gồm cả việc đóng lệ phí. Vài ngày sau, tôi được cấp phiếu lý lịch điện tử thông qua ứng dụng, sau đó phiếu bản giấy cũng được gửi về", anh Quốc phấn khởi nói.
Theo ông Nguyễn Thành Băng - trưởng phòng lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM - từ khi áp dụng cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, người dân đến trực tiếp ở sở giảm mạnh, đỡ áp lực cho cán bộ giải quyết, mà người dân cũng đỡ vất vả.
Thời gian trả kết quả giảm hơn một nửa so với trước, người dân lại có thể sử dụng phiếu lý lịch tư pháp điện tử nhiều lần để thực hiện các thủ tục hành chính khác, không cần phải cung cấp bản giấy, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí...", ông Băng nói.
Tương tự, tại Hà Nội, từ ngày 22-4 đến 15-11-2024, tỉ lệ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID chiếm tỉ lệ 74,68% tổng số hồ sơ tiếp nhận. Số tiền thành phố hỗ trợ miễn phí cho người dân thực hiện thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID kể từ ngày 1-6-2024 là hơn 10 tỉ đồng.
Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho hay việc triển khai thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Hà Nội thời gian qua đạt hiệu quả cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Còn theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến nay có 63 tỉnh thành cả nước đã thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID và được người dân đón nhận tích cực. Tính đến giữa tháng 12-2024, cả nước đã có gần 70.000 yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (chiếm tỉ lệ hơn 50% tổng số hồ sơ cấp phiếu lý lịch).
Một tiện ích khác của VNeID đang phát huy hiệu quả là tiện ích kiến nghị, phản ánh an ninh trật tự. Hiện nay, tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2 đều có thể gửi tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID.
Trước đây, để phản ánh an ninh trật tự và tố giác tội phạm, người dân phải đến trực tiếp cơ quan công an, báo tin qua điện thoại hoặc làm đơn trình báo.
Hiện nay người đến trực tiếp Sở Tư pháp TP.HCM làm thủ tục lý lịch tư pháp còn rất ít - Ảnh: ÁI NHÂN
Nhưng giờ đây đã có VNeID hỗ trợ mọi lúc mọi nơi, bảo mật và an toàn (có thể chọn cả việc ẩn danh người trình báo). Cán bộ công an luôn đảm bảo trực 24/24 giờ, khi tiếp nhận nguồn tin sẽ phân công lực lượng trực tiếp đến xử lý trong thời gian sớm nhất, đảm bảo kịp thời và nhanh chóng.
"Thông tin phản ánh của người dân qua VNeID sẽ được lực lượng tiếp nhận, phân loại, giao cho cán bộ công an phường phụ trách hình sự để theo dõi, xử lý và báo kết quả cho người dân", một cán bộ công an phường chia sẻ.
Anh N.M.Q. (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cho hay thời gian qua đã đưa lên ứng dụng trên các tin báo, tố giác tội phạm, từ chuyện hàng xóm thường say xỉn đánh vợ con, đến việc người mới đến khu trọ có biểu hiện lô đề hay nghiện ngập…
"Tiện nhất của ứng dụng là giúp chúng tôi trình báo cơ quan công an để theo dõi, xử lý đối tượng khả nghi, hành vi có dấu hiệu vi phạm. Có ứng dụng này, bà con sẽ sinh sống an toàn hơn, Tết này cũng đỡ lo trộm cướp rình rập...", anh N.M.Q. nói.
Đại tá Vũ Văn Tấn - phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) - cho hay khi thông tin được gửi về sẽ được chuyển trực tiếp đến phần mềm tố giác, tin báo về tội phạm của công an cấp xã, phường.
Việc gửi thông tin trên VNeID cũng sẽ giúp các cơ quan liên quan biết, cùng phối hợp, nhanh chóng giải quyết. Qua đó góp phần đấu tranh, phòng chống hiệu quả các loại tội phạm, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Còn theo thượng tá Hồ Thị Lãnh - phó trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM, tính đến ngày 17-12-2024, công an cấp xã ở TP.HCM đã tiếp nhận tổng số 7.238 phản ánh, kiến nghị về an ninh trật tự, tin báo, tố giác của người dân gửi qua ứng dụng VNeID, đạt tỉ lệ 38% trên tổng tin đã tiếp nhận.
Ngoài những thủ tục liên quan đến trình diện, trình báo, VNeID cũng tích hợp một số tiện ích rất cần thiết, giúp ích cho đời sống người dân như sổ sức khỏe điện tử tài khoản an sinh xã hội, đăng ký tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, tích hợp ví điện tử, đăng ký chứng thư số công cộng...", thượng tá Lãnh nói.
Thay vì phải mất thời gian lục tìm cuốn sổ khám bệnh, tìm kết quả xét nghiệm trước đây hay tìm thẻ bảo hiểm giấy, giờ đây nhiều người bệnh chỉ cần cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại rồi “thẳng tiến” đi khám, chữa bệnh.
Đây là một trong những tiện ích mà chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đem lại cho người bệnh.
Hơn 5h sáng, ông N.V.H. (65 tuổi) tranh thủ dậy sớm, sắp xếp lại đồ đạc rồi bắt chuyến xe buýt từ quận 11 đến Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) khám sức khỏe. Nhiều năm nay, định kỳ hằng tháng ông đều đến bệnh viện khám và làm lại các xét nghiệm vì mắc tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường.
Do đã có tuổi, trí nhớ kém dần, những lần trước đi khám bệnh ông phải mang theo lỉnh kỉnh sổ khám bệnh, kết quả xét nghiệm mà thường ngày phải giữ kỹ lắm, lại còn lo về chiếc thẻ bảo hiểm y tế giấy hay nhét trong ví, lôi ra lôi vào nhiều lần đã quăn góc nhăn nheo. Giờ thì đã khác.
Cái điện thoại giờ không chỉ là… cái điện thoại khi ở trong nó, mọi thông tin lịch sử khám bệnh, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của ông đã được tích hợp bằng ứng dụng VNeID.
Đến bệnh viện chỉ cần mở ứng dụng, đưa mã trên VNeID cho nhân viên y tế "quét cái rẹc" thì ông là ai, có bệnh gì, đã xử lý bệnh đó thế nào trong quá khứ hiện ra đầy đủ. Thủ tục nhanh thật là nhanh.
Có mặt tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, theo số thứ tự đã hẹn trên app từ hôm trước, bà Nguyễn Thị Hoa (58 tuổi, Hưng Yên), từng điều trị ung thư dạ dày, cùng con trai chờ đến lượt vào thăm khám.
Nhớ lại ngày đầu khi đi khám vào đầu năm 2023, bà Hoa phải mang theo các giấy tờ xét nghiệm từ bệnh viện tuyến dưới, giấy chuyển viện, căn cước công dân, thẻ BHYT… thì bây giờ bà cũng chỉ cần mang cái điện thoại có cài đặt ứng dụng VNeID.
Cậu con trai kế bên còn nói thêm anh thấy chủ động hơn rất nhiều, đưa mẹ đi thăm khám khi tình trạng sức khỏe của mẹ dễ dàng tra cứu, khi kết quả mỗi lần thăm khám đều được tìm thấy trên VNeID.
Bắt đầu triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử tại Hà Nội từ tháng 11-2023, đến nay nhiều cơ sở y tế tại Hà Nội đã liên thông dữ liệu trên sổ sức khỏe điện tử VNeID.
Tại TP.HCM, ngành y tế cũng đã triển khai đợt cao điểm nỗ lực sử dụng sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNelD khi đi khám bệnh bằng chiến dịch 55 ngày đêm (từ ngày 5-11 đến 31-12) sử dụng công cụ này.
Đến nay, tất cả bệnh viện trên địa bàn TP đã và đang triển khai đồng loạt hướng dẫn người bệnh như Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhân dân 115...
Lễ công bố triển khai dịch vụ xác thực điện tử của nhà thuốc FPT Long Châu qua ứng dụng VNeID - Ảnh: L.C.
Thống kê của Sở Y tế TP.HCM tính đến đầu tháng 11-2024, TP.HCM đã có hơn 1 triệu sổ sức khỏe điện tử được tích hợp trên ứng dụng VNeID, ngoài ra còn có gần 58.460 giấy hẹn tái khám và trên 5.850 giấy chuyển tuyến tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Trong năm 2025 này, phấn đấu mỗi người dân đều có hồ sơ sức khỏe điện tử, thay thế sổ khám bệnh giấy. Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình, Thái Bình, Kon Tum, Phú Yên... cũng đã có kế hoạch triển khai.
Hồ sơ sức khỏe điện tử bao gồm thông tin cá nhân, thẻ BHYT, lịch sử khám chữa bệnh, phiếu hẹn khám lại, giấy chuyển tuyến... được tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Hồ sơ này cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe (tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh...). Trên cơ sở đó giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của mình liên tục, suốt đời, giúp tăng cường kết nối giữa các cơ sở y tế, giúp bác sĩ dễ dàng truy cập thông tin sức khỏe của bệnh nhân.
Ông Dương Đức Hùng - giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - nói hệ thống theo dõi quản lý, hồ sơ khám chữa bệnh điện tử… của bệnh viện chính thức chạy từ 1-1-2025.
"Trước đó, bệnh viện và các kỹ sư lập trình đã cùng thảo luận nhiều lần để hệ thống phù hợp với hoạt động bệnh viện vốn khá tỉ mỉ. Bệnh án điện tử luôn gồm các phần hành chính, tài chính, chuyên môn theo từng khoa", ông Hùng thông tin.
Do bệnh án của bệnh nhân ngoại khoa có khác biệt, bệnh viện cũng đã đề xuất đứng ra xây dựng phần chuyên môn trong bệnh án điện tử mẫu của khối ngoại khoa.
"Nhờ số hóa hệ thống này, bệnh viện giảm được nhân lực vốn dành cho công việc thu viện phí và các việc hành chính, chuyển nhân lực sang các công việc khác cần kíp, tiết kiệm nhân công, chưa kể riêng tiết kiệm giấy in cũng nhiều tỉ đồng/năm", ông Hùng cho biết.
Thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Công an, BHXH Việt Nam không ngừng nỗ lực để chuyển đổi số lĩnh vực y tế. Đến nay, 100% cơ sở y tế đã triển khai phần mềm HIS, kết nối liên thông với 63 cơ quan BHYT của 63 tỉnh, thành phố. Gần 100 bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy.
Ông Nguyễn Trường Nam - phó giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) - chia sẻ thực tế thời gian qua các thông tin nhập viện, ra viện, các kết quả lâm sàng... đã được lưu trữ điện tử, tuy nhiên chưa có nền tảng để dùng chung.
"Vì vậy, việc liên thông được dữ liệu này trên VNeID sẽ tận dụng được nguồn dữ liệu sẵn có, giúp các bác sĩ có ngay thông tin ban đầu để chẩn đoán bệnh lý cho người bệnh, hạn chế được tình trạng phải xét nghiệm, chụp chiếu nhiều lần", ông Nam thông tin.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến nay hơn 32 triệu dữ liệu sổ sức khỏe điện tử đã được tạo lập, trong đó có hơn 14 triệu công dân đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị để tập huấn, hướng dẫn triển khai sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám trên ứng dụng VNeID.
Chính phủ cũng đề ra mục tiêu mỗi công dân, kể cả những người chưa có thẻ BHYT, đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, tiến tới có bệnh án điện tử. Đến đầu năm 2025, 100% cơ sở y tế (công lập và tư nhân) và có 40 triệu người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử.
---------------------------------------------------------------------
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận