03/12/2015 09:38 GMT+7

VN bị tác động thế nào khi NDT vào rổ tiền dự trữ?

TS PHẠM SỸ THÀNH (ĐH Quốc gia Hà Nội)
TS PHẠM SỸ THÀNH (ĐH Quốc gia Hà Nội)

TT - Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng IMF cũng đã đưa nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vào rổ tiền tệ dự trữ cùng với bốn đồng tiền chủ chốt khác của thế giới. Nhập khẩu VN có lợi trong ngắn hạn.

Đây mới chỉ là một bước tiến mang giá trị biểu trưng cho sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính tiền tệ toàn cầu.

Vì sao đồng NDT được vào SDR?

Quá trình quốc tế hóa của một đồng tiền sẽ được đánh dấu bởi việc nó hội tụ đủ các chức năng: đồng tiền thanh toán, đồng tiền đầu tư, đồng tiền dự trữ. Với việc gia nhập SDR, về danh nghĩa, đồng NDT đã đạt được mục đích thứ ba.

Thật ra, cho đến cách đây hai tháng, IMF vẫn gạt NDT ra bên lề của SDR vì cho rằng NDT chưa đáp ứng đủ yêu cầu của một đồng tiền tự do chuyển đổi với hai vấn đề nổi cộm là can thiệp tỉ giá và cải cách tài chính tiền tệ không đủ mạnh.

Với việc phá giá đồng NDT cách đây ba tháng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã dần để thị trường quyết định tỉ giá đồng NDT và thu hẹp chênh lệch tỉ giá của đồng NDT trong và ngoài nước.

Ngoài ra, PBoC và Ủy ban Giám sát chứng khoán quốc gia Trung Quốc cũng đã kết nối sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải với Hong Kong vào năm 2014, nới room đầu tư cho các quỹ đầu tư ngoại, tự do hóa lãi suất ở cả hai chiều huy động - cho vay trong năm 2015, cho phép ngân hàng trung ương của các quốc gia khác tự do đầu tư vào thị trường trái phiếu nội địa Trung Quốc...

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có nhiều biện pháp gây sức ép với IMF và Mỹ như thành lập Ngân hàng Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển mới của các nước BRICS (NDB), yêu cầu phó giám đốc điều hành của mình tại IMF từ chức trước thời hạn và tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ qua chuyến thăm của ông Tập Cận Bình vào tháng 9-2015. Kết quả là ngày 30-11, IMF đã đưa NDT vào SDR với tỉ trọng 10,2%, cao hơn cả đồng yen Nhật và bảng Anh.

VN sẽ bị tác động như thế nào?

Việc NDT gia nhập SDR có thể hiểu rằng trong tương lai PBoC sẽ ít có thể can thiệp vào tỉ giá hơn trước đây. Với việc NDT đang bị định giá cao như hiện nay, trong một năm tới, xu hướng của đồng NDT có thể là mất giá. Điều này trong ngắn hạn có thể có lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu của VN. Trong dài hạn, hai tác động sau đây có thể sẽ càng nổi bật khi đồng NDT trở thành đồng tiền quốc tế.

Thứ nhất, với việc là đồng tiền thanh toán phổ biến nhất tại khu vực Đông Nam Á, sau khi gia nhập SDR, NDT càng có thêm “tính chính danh” để trở thành đồng tiền thanh toán thương mại giữa VN và Trung Quốc.

Điều này về cơ bản có lợi cho các doanh nghiệp vì sẽ giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp. Hiện thanh toán bằng NDT mới chỉ chiếm 2-4% tổng giá trị thương mại của VN, trong khi quy mô thương mại giữa hai nước vào khoảng 60-65 tỉ USD/năm và còn tiếp tục gia tăng.

Thứ hai, Trung Quốc có thể đẩy mạnh các khoản vay ODA hoặc trái phiếu bằng đồng NDT. Trong bối cảnh hệ thống tài chính của Trung Quốc không thật sự phát triển và quá trình tái cơ cấu kinh tế có quá nhiều rủi ro, việc nắm giữ các tài sản bằng đồng NDT sẽ là rủi ro lớn cho cả chính phủ và doanh nghiệp.

TS PHẠM SỸ THÀNH (ĐH Quốc gia Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên