29/06/2021 13:07 GMT+7

Virus dịch bệnh - cuộc chiến xuyên thế kỷ - Kỳ cuối: Thợ săn virus

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Bác sĩ thú y Yanthe Nobel đi rảo trong khu bảo tồn đặc biệt Dzanga-Sangha ở Cộng hòa Trung Phi để tìm kiếm xác một con voi chết dưới suối.

Virus dịch bệnh - cuộc chiến xuyên thế kỷ - Kỳ cuối: Thợ săn virus - Ảnh 1.

Các nhà khoa học thuộc dự án Predict chuẩn bị vào hang động ở Thái Lan bắt dơi - Ảnh: EcoHealth Alliance

Rừng mưa nhiệt đới liên quan đặc biệt đến các bệnh nhiễm từ động vật.

GS.TS TOM GILLESPIE

Công việc của cô là điều tra xem có tác nhân gây bệnh nào giết chết voi hay không, chứ cô chẳng quan tâm đến bọn săn trộm. Con voi đã chết chưa đầy 1 tuổi. Cô và các đồng nghiệp mặc trang phục bảo hộ và bắt đầu lấy mẫu.

Lăn lộn trong rừng tìm virus lạ

Nhiều năm nay, các chuyên gia dịch tễ học và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chuẩn bị kịch bản một căn bệnh lạ xuất hiện được gọi là "bệnh X". "Bệnh X" sẽ rất dễ lây nhiễm, chưa được nhận diện trước đó và đủ sức gây ra đại dịch. Vậy mà không ai phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cho đến khi đại dịch bùng phát từ Vũ Hán. Chính vì vậy, công việc săn tìm virus lạ chưa bao giờ lại quan trọng như hiện nay.

Thợ săn virus Yanthe Nobel là nghiên cứu sinh tiến sĩ dịch tễ học tại phòng thí nghiệm Leendertz thuộc Viện Robert Koch (Đức). Cô giải thích với báo Financial Times (Anh): "Tôi được đào tạo để phát hiện nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật sang người". 

Cô đến khu bảo tồn Dzanga-Sangha nghiên cứu virus sống trên dơi và các loài gặm nhấm. Dơi là động vật rất thú vị đối với các nhà dịch tễ học vì chúng chứa nhiều virus gây hại cho người, trong đó có SARS và Ebola.

Yanthe Nobel phải đi bắt dơi suốt hai tuần trong rừng, ngủ trong lều dã chiến, tắm dưới suối và phải biết cách tránh xa bầy voi. Chân cô đầy vết xước sâu do đi bộ. Nói chung cô phải mổ xác khi có con vật chết trong rừng. Nếu nguyên nhân cái chết chưa rõ ràng và thiết bị xét nghiệm tại hiện trường không tìm thấy tác nhân gây bệnh thông thường, mẫu vật được gửi về Đức để kiểm tra.

Gần 2/3 số bệnh tật con người bắt nguồn từ động vật. Virus gây bệnh từ động vật đã từng là thủ phạm gây nhiều dịch bệnh như HIV/AIDS, Ebola, SARS, MERS, Zika, cúm lợn. Dịch cúm gia cầm H5N1 đã lây sang người từ gia cầm sống bán trong chợ Hong Kong năm 1997. Đến năm 2004, một chủng virus H5N1 mới từ Đông Nam Á đã lây lan ra ngoài khu vực. Song bệnh nhiễm từ động vật không phải xuất hiện bất kỳ nơi đâu mà đặc biệt liên quan đến rừng mưa nhiệt đới.

GS.TS Tom Gillespie ở Đại học Emory (Mỹ) giải thích: "Trong rừng mưa nhiệt đới có đa dạng các loài dơi, động vật gặm nhấm, động vật linh trưởng, các loài mà con người dễ bị lây bệnh nhất, vì vậy các tác nhân gây bệnh cũng rất đa dạng". 

Chuyên gia dịch tễ học này chuyên nghiên cứu về khỉ và vượn lớn. Chúng có yếu tố di truyền giống con người nên có thể truyền virus sang người (như virus HIV được truyền từ tinh tinh) và con người cũng có thể lây virus cho chúng. 

Ông đã đi thực địa tại ba quốc gia châu Phi, từng bị voi và bọn săn bắn trộm săn đuổi, từng mắc bệnh nhiệt đới như có lần mắc bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng phải điều trị nhiều tháng.

Trong giới thợ săn virus, TS bệnh nhiễm Dennis Carroll được xem là lão tiền bối. Ông đã dành gần hết cuộc đời đi khắp thế giới săn lùng virus. Ông đã lập dự án săn lùng virus mang tên Predict thuộc chương trình Các mối đe dọa đại dịch mới nổi của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Dự án khởi động từ năm 2009 sau khi nhận được khoản tài trợ đầu tiên 200 triệu USD từ USAID.

Sau đó, ông tiếp tục phụ trách dự án Quần thể virus toàn cầu, phiên bản mới của dự án Predict. Ông giải thích: "Dự án Quần thể virus toàn cầu chủ yếu tấn công các virus trước khi chúng xâm lăng chúng ta và tập hợp cơ sở dữ liệu về toàn bộ virus đe dọa sức khỏe con người. Nếu có dữ liệu này, chúng ta đã phát hiện COVID-19 từ tháng 10-2019". 

Xây dựng cơ sở dữ liệu như thế rất tốn kém. Ước tính phải tốn khoảng 1,6 tỉ USD trong tối thiểu 10 năm để tìm ra 75% trong 1,6 triệu virus hoặc 3 tỉ USD để thu thập dữ liệu của 90% số virus. Dự án gây quỹ từ các chính phủ, các quỹ thiện nguyện và các công ty công nghệ.

Virus dịch bệnh - cuộc chiến xuyên thế kỷ - Kỳ cuối: Thợ săn virus - Ảnh 3.

TS Dennis Carroll (giữa) tham gia bộ phim tài liệu “Đại dịch: làm sao ngăn chặn bùng phát” của Hãng Netflix được ghi hình một phần tại Việt Nam năm 2019 - Ảnh: Dennis Carroll

Đi câu virus trong phòng thí nghiệm

Săn lùng virus trong tự nhiên là công việc cực nhọc, bẩn thỉu và đầy rủi ro nguy hiểm. Đầu tiên các nhà khoa học làm việc cho dự án Predict phải phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận để nhận diện các địa điểm có động vật tiếp cận với người nhiều nhất. Sau đó, họ đến thực địa để thu thập mẫu vật nhưng không được bắt nhốt hoặc sát hại động vật.

Theo tạp chí Smithsonian, nếu tính mốc 10 năm, dự án Predict đã thu thập hơn 164.000 mẫu vật từ động vật và con người ở 31 quốc gia. Mỗi mẫu được chia nhỏ và đông lạnh. Một phần được giữ lại tại các phòng thí nghiệm ở nước sở tại, nơi các nhà khoa học thử nghiệm với virus và lưu giữ như tài sản sở hữu trí tuệ quốc gia. Nếu phòng thí nghiệm sở tại tìm thấy gì đó đáng nghiên cứu sâu, mẫu vật sẽ được gửi sang Mỹ xét nghiệm tìm virus lạ.

Các mẫu vật lấy từ thực địa được đông lạnh đến âm 800C là hỗn hợp gồm các tế bào nước bọt và máu của dơi, vi khuẩn và có thể là virus mới. Tại phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm bệnh nhiễm và miễn dịch Đại học Columbia, TS virus học Simon Anthony phân lập vật liệu di truyền trong mẫu vật rồi săn lùng virus bằng cách sử dụng các đoạn mã di truyền nhỏ làm mồi nhử để xem có khớp với đặc điểm riêng trong trình tự gene của virus hay không.

Công việc của ông giống như đi câu virus mà mồi câu là các nucleotide. Phương pháp này được gọi là phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Cách này đơn giản và rẻ tiền để quét virus trên diện rộng nhưng lại cung cấp thông tin hạn chế. Do đó một khi phát hiện trong mẫu có virus lạ, ông tiếp tục kiểm tra lại với quy trình khác phức tạp hơn được gọi là giải trình tự sâu.

TS vi sinh vật học Peter Piot người Bỉ là một trong những thợ săn virus nổi tiếng nhất thế giới. Ông là người đồng phát hiện virus Ebola năm 1976. Ông giải thích ngay cả sau khi toàn bộ các chủng virus được nhận diện, điều quan trọng là phải biết chủng nào có khả năng lây truyền từ người sang người. Ông đánh giá: "Đến nay khoa học vẫn chưa đạt được điều này".

Có hai điều mà các thợ săn virus đều nhất trí. Thứ nhất, chúng ta chưa biết hết các chủng virus và ngay cả các chủng virus đã biết cũng còn ẩn chứa nhiều bí ẩn. Ví dụ đến nay vẫn chưa thể xác định virus Ebola khu trú nơi vật chủ động vật nào. 

Thứ hai, tình trạng hủy hoại thế giới tự nhiên đã tạo cơ hội cho nhiều chủng virus mới nổi lên lây sang người. Ví dụ nạn phá rừng, độc canh để lấy dầu cọ, khai hoang mở trang trại chăn nuôi gia súc đều có thể làm gia tăng khả năng tiếp xúc giữa con người với virus lạ.

Môi trường sống bị hủy hoại còn có nghĩa chỉ các loài kháng cự mạnh nhất mới có thể sống sót và chúng sẽ có khả năng lây bệnh mạnh nhất. Ví dụ chuột Mastomys natalensis ở Tây Phi gây bệnh sốt do virus Lassa đã làm hàng ngàn ca tử vong mỗi năm. Chúng sinh sôi mạnh tại các cảnh quan bị suy thoái như đồn điền và khu vực quanh các hộ gia đình.

Cuộc chiến của nhân loại chống virus dịch bệnh sẽ còn tiếp tục kéo dài đầy cam go và hiểm nguy...

Từ tháng 5-2016 đến 8-2018, nhóm nghiên cứu thuộc dự án Predict đã phối hợp với Vườn thú quốc gia Smithsonian tìm kiếm virus lạ nơi loài dơi ở Myanmar. Họ phải trải qua nhiều đêm oi bức, đi giữa rừng rậm trong trang phục bảo hộ cá nhân và đèn đội đầu.

Đôi khi họ phải bò vào hang dơi trải bạt thu thập phân dơi và nước tiểu. Lần khác họ phải dựng cột dùng lưới bắt dơi, sau đó lấy mẫu máu từ tĩnh mạch dơi, ngoáy miệng và trực tràng của chúng và cẩn thận không để bị cắn rồi thả dơi ra.

Trong ngày, họ trò chuyện với cư dân địa phương để hỏi han thói quen hằng ngày trong nông nghiệp, đánh bẫy, lâm nghiệp và xin phép lấy mẫu máu để xem có virus lạ nào lây sang người hay chưa.

Virus dịch bệnh - Cuộc chiến xuyên thế kỷ: Tốc độ thần kỳ của vắc xin COVID-19 Virus dịch bệnh - Cuộc chiến xuyên thế kỷ: Tốc độ thần kỳ của vắc xin COVID-19

TTO - Bạn đến trung tâm tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Cô bác sĩ xinh đẹp tiêm vắc xin vào bắp tay bạn. 50 tỉ hạt virus "sát thủ" đã biến đổi gen bắt đầu dò đường trong hệ miễn dịch của bạn để chờ đấu với virus SARS-CoV-2.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: virus Virus dịch bệnh