Nghệ sĩ Anh Tú trong vở Macbeth - Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ
Chúng tôi từng được khán giả và bạn nghề gọi là những người sinh ra để đóng với nhau. Anh Tú là diễn viên có đài từ trầm ấm rất đặc biệt, rất sang. Các vai diễn của Anh Tú đều là những nhân vật có nội tâm sâu sắc, phức tạp, đầy trắc ẩn và anh đã thể hiện rất xuất sắc các vai diễn khó này
NSND Lê Khanh
Sau một thời gian kiên cường chống chọi với căn bệnh tiểu đường biến chứng, NSND Anh Tú đã qua đời trưa 20-12 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội. Với những người yêu sân khấu chính kịch, vẫn sẽ còn mãi đó một Anh Tú với niềm đam mê sân khấu cháy bỏng...
Tin NSND Anh Tú qua đời sau nhiều tháng chống chọi kiên cường với bạo bệnh khiến những nghệ sĩ có mối ân tình sâu sắc với Anh Tú như NSND Lan Hương, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Kim Oanh, NSND Lê Khanh... đều bàng hoàng. Nhiều nghệ sĩ chỉ khóc nghẹn mà không thể nói nên lời nào ngoài lời xin lỗi vì "không thể nói gì lúc này".
Nghệ sĩ Sĩ Tiến - phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, người có khoảng 20 năm làm việc cùng NSND Anh Tú - nói anh buồn đến "run người" trước cái chết của người anh yêu kính. Anh bảo anh không chỉ cảm mến Anh Tú vì tài năng, niềm đam mê với sân khấu, mà còn bởi sự tử tế, đôn hậu của Anh Tú đối với cuộc đời. Người bạn nghề, người em thân thiết của Anh Tú - NSƯT Minh Hằng nghẹn ngào nói: "ngọn hải đăng" trên sân khấu kịch trong lòng chị và rất nhiều thế hệ học trò của NSND Anh Tú đã tắt.
Bạn bè đã từng "giận mà thương" lắm cái lòng đam mê sân khấu đến "ngớ ngẩn" của người nghệ sĩ tài hoa. Không giận sao được khi người anh, người thầy ấy mê mẩn sân khấu tới độ từng coi sân khấu là nhà, là lý do tồn tại, còn sức khỏe chỉ là thứ yếu. Cho tới tận khi bắt đầu gục ngã vì bệnh tật, anh vẫn gắng gượng sớm khuya trên sân khấu với vốc thuốc tự kê đơn.
Nghệ sĩ Sĩ Tiến nhớ lại độ gần đây gặp Anh Tú ở hội diễn, thấy anh gầy rộc đi, anh hốt hoảng hỏi thăm thì chỉ nhận được nụ cười tươi rói trấn an: "Anh ép cân ý mà". Sĩ Tiến và nhiều đồng nghiệp tuy "ngờ ngợ" nhưng đã bị nụ cười quá "hiên ngang" của một người mê sân khấu đến "điên rồ" đánh lừa. Cho tới khi họ nghe tin Anh Tú ốm nặng thì anh đã ở giai đoạn biến chứng của căn bệnh tiểu đường.
Ấy vậy mà ngay cả lúc tiều tụy da bọc xương trên giường bệnh, anh vẫn cố trấn an người thân, bạn bè, người hâm mộ và cố gắng giấu nhẹm thông tin mình bị bạo bệnh. Anh không muốn bệnh tật của mình phiền lụy tới bất cứ ai. Các nghệ sĩ ở Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết Anh Tú từ chối gần như mọi lời đề nghị thăm hỏi của bạn bè, đồng nghiệp. Dường như anh muốn mãi là một ông vua uy quyền (vở Macbeth), một Vũ Như Tô trung trực, hảo hán, một Trần Cảnh khí phách ngời ngời... chứ không phải một người bệnh tiều tụy.
NSND Lê Khanh - một trong những người bạn diễn thuộc lứa đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ cùng với NSND Anh Tú - nói trong niềm xúc động rằng chị cảm thấy rất may mắn khi những vai diễn thành công nhất cả về huy chương lẫn khán giả của chị thì hầu như đều là những vai diễn đóng cùng với NSND Anh Tú. Đó cũng là những vở kịch lớn của sân khấu Việt Nam như Rừng trúc, Vũ Như Tô.
Nguyên giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ Trương Nhuận - người đã có gần 30 năm làm việc cùng Anh Tú - chia sẻ: khi nghe tin NSND Anh Tú mất, ông vô cùng buồn, thương xót một người nghệ sĩ tài năng, tận tụy với nghề mà phải ra đi giữa lúc tài năng đang độ chín nhất, sung sức nhất và còn đang ấp ủ nhiều ý tưởng với sân khấu. Theo ông, Anh Tú ra đi lúc này là một thiệt thòi lớn cho Nhà hát Kịch Việt Nam cũng như nền sân khấu nước nhà.
NSND Anh Tú tên đầy đủ là Phạm Anh Tú, sinh năm 1962. Trước khi được bổ nhiệm làm phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Anh Tú từng được giữ vị trí trưởng đoàn kịch 1 của Nhà hát Tuổi Trẻ.
Trong khoảng 30 năm với cương vị là diễn viên, nhà quản lý và đạo diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ, NSND Anh Tú đã dàn dựng một loạt vở diễn: Cô gái đội mũ nồi xám, Nhà có năm anh em trai, Mùa hạ cay đắng, Mùa yêu đương... và một loạt chùm kịch thiếu nhi: Tôn Ngộ Không, Thạch Sanh, Cây khế...
Từ khi làm phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Anh Tú đã có công lớn trong dàn dựng nhiều vở diễn để lại tiếng vang như: Tai biến, Trong mưa giông thấy nắng, Lâu đài cát, Kiều... Anh còn để lại trong lòng khán giả nhiều tình cảm với các vai diễn trong các bộ phim truyền hình: Của để dành, Đàn trời, Chiều ngang qua phố cũ, Ánh sáng trước mặt...
Theo Nhà hát Kịch Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có buổi họp vào sáng 21-12 để lên kế hoạch tổ chức tang lễ cho NSND Anh Tú.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận