Vietjet cho rằng niêm yết giá vé chi tiết bao gồm giá gốc cộng thuế, phí, dịch vụ đi kèm mới là minh bạch và có lợi cho hành khách - Ảnh chụp màn hình trang đặt vé của Vietjet
Vietjet cho biết đã nhận được văn bản kiến nghị của Vietnam Airlines về việc hãng này niêm yết giá vé máy bay nội địa trên website là giá vé đầy đủ bao gồm giá vé và các loại thuế, phí và lệ phí. Còn các hãng khác niêm yết giá vé không bao gồm thuế phí trên website là không đúng quy định.
Vietjet cho rằng Khoản 3, Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giá quy định giá niêm yết hàng hóa dịch vụ cần bao gồm đầy đủ các loại thuế phí và lệ phí nếu có.
Tuy nhiên, nghị định trên và các văn bản pháp luật liên quan không quy định rõ việc doanh nghiệp phải niêm yết một mức giá gộp (gross fare) của hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm cả thuế, phí hay có thể niêm yết từng yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa, dịch vụ đó (net fare) bao gồm giá gốc cộng với thuế, phí, giá dịch vụ đi kèm.
Vietjet cho rằng với hàng không, các hãng đang áp dụng cả hai phương thức niêm yết giá nêu trên.
Chẳng hạn vé máy bay nội địa của Vietjet niêm yết trên website đầy đủ yếu tố gồm giá gốc của vé, tiền thuế, phí, dịch vụ kèm theo, tiền suất ăn, tiền đưa đón sân bay…
Trong khi đó, giá vé máy bay niêm yết trên website của Vietnam Airlines chỉ niêm yết một mức giá gộp đã bao gồm các khoản thuế, phí, suất ăn… mà không nêu rõ từng yếu tố cấu thành.
"Với quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi cho rằng không có đủ căn cứ pháp lý để khẳng định phương thức nào là phù hợp pháp luật và phương thức nào là trái luật", ông Nguyễn Thanh Sơn - phó tổng giám đốc Vietjet, nhận định trong báo cáo gửi Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) và Cục Hàng không.
Vietjet khẳng định hãng này lựa chọn phương thức niêm yết chi tiết từng yếu tố cấu thành nên giá vé máy bay của hãng (net fare) đảm bảo tính công khai, minh bạch về giá vé, tăng thêm cơ hội lựa chọn cho hành khách.
Ngược lại, nếu áp dụng phương thức niêm yết giá vé gộp thì sẽ không đảm bảo tính công khai, minh bạch vì khách hàng không biết được cụ thể các yếu tố cấu thành nên giá vé.
Thậm chí khách hàng sẽ phải mặc nhiên thanh toán các khoản chi phí cho các dịch vụ mà họ không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng hết, ví dụ như định mức hành lý ký gửi 20kg, chi phí suất ăn cố định trên máy bay… Đó là điều không hợp lý và không đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng
Phó tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thanh Sơn nêu trong văn bản gửi cơ quan quản lý
Vietjet cho biết thêm việc niêm yết vé theo phương thức net fare như Vietjet và tách riêng chi phí suất ăn, giá cước hành lý sẽ giúp hành khách thuộc mọi đối tượng có thể cân nhắc lựa chọn phạm vi dịch vụ và mức chi trả hợp lý nhất, phù hợp với điều kiện thu nhập của mình khi đi máy bay Vietjet.
Khi khách hàng của Vietjet không mang theo nhiều hành lý và không có nhu cầu ăn trên máy bay sẽ tiết kiệm được chi phí vì các khoản này không được gộp trong giá vé và mặc nhiên bắt khách hàng phải chịu ngay cả khi không có nhu cầu như một số hãng hàng không đang làm.
Bên cạnh đó, Vietjet khẳng định trong các điều ước quốc tế về hàng không và luật pháp của một số quốc gia không buộc hãng hàng không các nước phải niêm yết mức giá gộp của vé máy bay.
Ngoài ra, Vietjet cho rằng Việt Nam đang có 5 hãng hàng không khai thác thường lệ, trong đó Vietjet, Bamboo Airways và Jetstar Pacific (do Vietnam Airlines sở hữu 68,85% vốn điều lệ) cùng áp dụng niêm yết giá vé máy bay theo phương thức net fare. Chỉ có Vietnam Airlines áp dụng niêm yết giá gộp mà không liệt kê chi tiết các yếu tố cấu thành.
"Vietnam Airlines kiến nghị các hãng hàng không khác phải áp dụng phương thức niêm yết giá vé gộp giống mình là điều không hợp lý, đồng thời thể hiện sự mâu thuẫn khi chính Jetstar Pacific do Vietnam Airlines sở hữu chi phối cũng không áp dụng phương thức niêm yết giá vé gộp như công ty mẹ Vietnam Airlnines", Vietjet bày tỏ trong văn bản gửi cơ quan chức năng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận