Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết Việt Nam - Lào đã phối hợp phá một số đường dây ma túy xuyên quốc gia - Ảnh: KIÊN PHẠM
Sáng 26-10 tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị song phương bộ trưởng Việt Nam - Lào về hợp tác phòng chống ma túy.
Hội nghị do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam và Trung tướng Khamking Phuilamanyvong - thứ trưởng Bộ Công an Lào - đồng chủ trì. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương của Việt Nam và Lào.
Áp lực nguồn cung ma túy từ "tam giác vàng"
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhận định Việt Nam và Lào đều chịu áp lực lớn bởi nguồn ma túy từ khu vực "tam giác vàng" - một trong những trung tâm sản xuất, mua bán ma túy lớn trên thế giới. Hoạt động phạm tội về ma túy ở các khu vực khác trên thế giới cũng có ảnh hưởng nhất định, làm cho tình hình tệ nạn ma túy và hoạt động phạm tội ma túy ở cả hai nước những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp.
"Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của hai nước ngày càng cam go, quyết liệt, đòi hỏi lực lượng thực thi pháp luật hai nước phải phối hợp chặt chẽ, xây dựng, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm nguy hiểm này", ông Ngọc nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá, từ sau thời điểm ký bản ghi nhớ đến nay, lực lượng công an hai nước đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ theo phân công và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.
Bộ Công an Việt Nam - Lào thảo luận các phương hướng phòng chống, đấu tranh tội phạm ma túy - Ảnh: KIÊN PHẠM
Việt Nam và Lào đã làm tốt công tác phối hợp nắm tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là trên tuyến biên giới, thiết lập đường dây nóng để kịp thời trao đổi thông tin ở các cấp công an. Tổ chức các đoàn công tác phối hợp truy bắt tội phạm truy nã về ma túy, trong đó có nhiều nghi phạm người Việt đặc biệt nguy hiểm đang lẩn trốn tại Lào; bước đầu phối hợp tổ chức đấu tranh chuyên án chung với các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia…
Theo thứ trưởng Bộ Công an, tính chất phức tạp về ma túy và hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến biên giới hai nước vẫn còn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi và manh động. Tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy còn xuất hiện ở một số khu vực giáp ranh hai nước, công tác quản lý tiền chất còn nhiều sơ hở, hạn chế.
"Đây là những dấu hiệu rất đáng lo ngại, đòi hỏi Bộ Công an hai nước phải tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống ma túy trong thời gian tới", Trung tướng Ngọc đề nghị.
Do đó, hội nghị song phương cấp bộ trưởng lần này cũng là dịp để Bộ Công an hai nước rà soát, đánh giá lại việc triển khai các nội dung trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống ma túy đã ký. Đồng thời là dịp để nhận diện rõ những khó khăn còn tồn tại, đề xuất phương hướng hợp tác cho thời gian tới đưa quan hệ hợp tác phòng, chống ma túy giữa Bộ Công an hai nước đạt hiệu quả tốt hơn, góp phần kiềm chế, tiến tới đẩy lùi ma túy ở mỗi nước và trong khu vực.
Tội phạm ma túy khu vực biên giới phức tạp
Theo Bộ Công an, do đặc điểm địa lý, tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào tiếp tục diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ khí tấn công lực lượng chức năng.
Để hình thành đường dây tội phạm, các đối tượng chủ mưu cầm đầu trong nước móc nối với các đối tượng ở nước ngoài, tập kết ma túy tại các địa bàn biên giới hai nước, sau đó thuê người vận chuyển từ các khu vực này vào nội địa để tiêu thụ hoặc đưa sang nước thứ ba.
Quá trình vận chuyển ma túy qua biên giới, các đường dây tội phạm sẽ tổ chức hoạt động thành nhóm khép kín, có quy tắc, quy định riêng, phân công vai trò của từng thành viên và trang bị vũ khí nóng như súng AK, súng bắn tỉa, lựu đạn… sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt.
Đại biểu của Bộ Công an Việt Nam - Lào chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị - Ảnh: KIÊN PHẠM
Các đường dây ma túy còn sử dụng thủ đoạn tinh vi như đi bộ qua đường rừng, đường tiểu ngạch hoặc những nơi hiểm trở, hạn chế tối đa việc vận chuyển bằng phương tiện cơ giới, cho người đi dò đường trước, nếu phát hiện nghi vấn sẽ dừng lại tính toán chuyển hướng vận chuyển. Khi thực hiện giao dịch, các nghi phạm sử dụng tiếng lóng, hoặc tiếng dân tộc, hạn chế liên lạc qua sim điện thoại mà sử dụng Zalo, mạng xã hội để trao đổi.
Ma túy sẽ được ngụy trang trong các thùng đựng nông sản như măng khô, gạo… để vận chuyển nhằm tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng. Trong các đường dây vận chuyển, các nghi phạm người Lào rất ít khi ra mặt trực tiếp, mà chủ yếu thuê người vận chuyển đến các điểm tập kết tại khu vực biên giới, do đó gây khó khăn cho công tác đấu tranh chuyên án và điều tra mở rộng vụ án.
Thời gian qua lực lượng công an hai nước đã hoàn thành thiết lập "đường dây nóng" ở 4 cấp công an kết hợp trao đổi thông tin qua Văn phòng liên lạc qua biên giới, nhất là thông tin liên quan tới các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy lớn, xuyên quốc gia để tổ chức xác minh, đấu tranh, truy bắt.
Trong công tác đấu tranh chuyên án, lực lượng Công an Việt Nam đã phát hiện, bắt hơn 5.300 vụ, 7.300 nghi phạm, thu giữ 292kg heroin, 1,62 triệu viên ma túy tổng hợp…
Trong công tác phối hợp đấu tranh chuyên án chung, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và công an các địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng của Lào xác lập ba chuyên án chung, trong đó đã khám phá thành công hai chuyên án, truy bắt thành công 16 đối tượng truy nã về ma túy lẩn trốn tại Lào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận