Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị MLC lần 7 ở Myanmar - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Cuộc họp nằm trong khuôn khổ Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) gồm các nước dòng sông này chảy qua: Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Myanmar và Campuchia. Lan Thương là tên của dòng Mekong khi chảy trên lãnh thổ Trung Quốc.
Hội nghị Ngoại trưởng MLC lần 7 được tổ chức ở Myanmar với sự tham dự của những người đứng đầu bộ ngoại giao các nước thành viên MLC.
Phát biểu tại hội nghị ngày 4-7, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong giai đoạn hậu đại dịch, các nước MLC cần lấy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững làm ưu tiên, đặt mục tiêu đem lại lợi ích thực chất cho người dân.
Để làm được điều này, Việt Nam đề xuất 4 việc cần làm:
Thứ nhất, đưa hợp tác phục hồi kinh tế và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế làm trọng điểm, hợp tác hải quan để hàng hóa và dịch vụ không tắc nghẽn.
Thứ hai, hỗ trợ các nước MLC thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, nâng cao năng lực sản xuất và lưu trữ năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng khí hậu.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước, khuyến khích mở rộng tham vấn, đối thoại giữa các nước thành viên về kế hoạch phát triển tài nguyên nước.
Các nước MLC nên tăng cường chia sẻ dữ liệu thủy văn, khí tượng và vận hành đập thủy điện, tăng cường sự phối hợp giữa MLC và Ủy hội sông Mekong.
Thứ tư, tăng cường giao lưu, kết nối nhân dân thông qua các hoạt động như du lịch, các chương trình giao lưu văn hóa.
"Phát biểu của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn được các nước thành viên đánh giá cao, tiếp thu và thể hiện trong các văn kiện của hội nghị", Bộ Ngoại giao cho biết thêm trong thông cáo ngày 4-7.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trong cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
* Nhân dịp dự Hội nghị MLC lần 7, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã gặp Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Theo Bộ Ngoại giao, tại cuộc gặp Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tích cực thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp, đề nghị Trung Quốc tiếp tục tạo thuận lợi cho hàng hóa, nhất là nông thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc để đi các nước thứ ba.
Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc sớm khôi phục các chuyến bay thương mại giữa hai nước, đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt khu vực biên giới nhằm tạo thuận lợi cho đi lại của người dân.
Về phần mình, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Trung Quốc sẵn sàng phối hợp thúc đẩy các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp trong thời gian tới thông qua nhiều hình thức linh hoạt.
Theo ông, Trung Quốc chủ trương mở cửa thị trường nhập khẩu hàng hóa chất lượng cao từ các nước trong khu vực, nhất là các nước ASEAN.
Bắc Kinh coi trọng vai trò của Hà Nội trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mong muốn phối hợp với Việt Nam trong hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, bảo đảm sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và phấn đấu sớm đạt COC thực chất, hiệu lực, phù hợp luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định Trung Quốc mong muốn thông qua đối thoại, hiệp thương để giải quyết bất đồng; sẵn sàng cùng ASEAN thực hiện tốt DOC, sớm đạt được COC, duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận