Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng" diễn ra tại TP.HCM vào chiều 15-8, trong khuôn khổ Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA).
Nhiều đại diện giới xuất bản Việt Nam dẫn số liệu năm 2022 của Media Partners Asia cho thấy Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về vi phạm bản quyền trên không gian số.
Theo bà Phan Thị Thu Hà - giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, nếu tính theo đầu người, Việt Nam đứng thứ nhất với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp, làm thất thoát khoảng 348 triệu USD.
Biến tướng livestream, "review" sách
"Chưa bao giờ vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số gióng lên hồi chuông báo động như hiện nay" - bà Thu Hà tổng kết.
Đặc biệt, các đối tượng vi phạm đang chuyển dịch sang phương thức thương mại điện tử thông qua Facebook, Zalo, TikTok, YouTube... và không có giới hạn địa lý.
Nhưng theo ông Hoàng Trọng Quang - chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành chưa có cơ chế pháp lý quy trách nhiệm đơn vị trung gian như Facebook, Google, TikTok, Shopee... dẫn tới khó thực thi, ngăn chặn xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số.
Bên cạnh hình thức cũ là số hóa sách giấy thành file điện tử (pdf, mp3, mp4, audio...), giới làm sách lấy ví dụ các hình thức mới hơn như bán sách lậu thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Sách giả, sách kém chất lượng được bày bán dưới các tên gọi như "thanh lý", "dọn kho", "giảm giá lớn"... trên mạng xã hội Facebook, Twitter và các gian hàng trên sàn thương mại điện tử TikTok, Shopee...
Thêm vào đó, hình thức phát trực tiếp (livestream) đọc sách trên mạng xã hội hoặc tóm tắt, đánh giá (review) sách. Theo thông lệ, quảng cáo chỉ được sử dụng khoảng 10% nội dung tác phẩm. Nhưng hiện nay cách thức đã bị biến tướng thành phát trực tiếp đọc toàn bộ nội dung cuốn sách hoặc đánh giá sách nhưng thực tế là công bố toàn bộ nội dung cuốn sách.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - CEO Thái Hà Books - cho biết 70% sách điện tử do công ty này phát hành trên hệ thống đã bị các đơn vị khác làm lậu.
"Kết quả tìm kiếm từ khóa "tải ebook miễn phí" trên Google cho ra hơn 2,5 triệu kết quả trong khi từ khóa "mua ebook có bản quyền" chỉ có 10 kết quả" - ông Hùng lấy ví dụ về việc ebook lậu "chèn ép" ebook thật trên mạng.
Dùng công nghệ để "bắt" vi phạm
Theo đại diện Hiệp hội Xuất bản Indonesia (IKAPI), sau đại dịch COVID-19, ngành sách thế giới không bao giờ có thể quay trở lại như trước đây được nữa do thói quen đọc của bạn đọc đã phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng số.
Theerapat Charoensuk - ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nhà xuất bản và Phát hành sách Thái Lan (PUBAT) - cho biết hình thức vi phạm qua YouTube như trên đây cũng rất phổ biến ở nước này.
Hiện nghe sách qua YouTube là xu hướng ở Thái Lan, nhưng rất nhiều video không có bản quyền.
Các đơn vị xuất bản đã đối phó bằng cách yêu cầu hạ video nhưng sau đó video vẫn dễ dàng được đăng tải lại.
Bên cạnh các thực trạng, nhiều giải pháp cũng được nêu ra. Bà Lê Thị Phương Thảo - Công ty CP đầu tư và phát triển giải pháp công nghệ V&V - nêu giải pháp công nghệ DRM (quản lý bản quyền kỹ thuật số) và watermarking (hình ảnh mờ).
Trong đó, DRM là hệ thống phần mềm hoặc phần cứng được tích hợp vào sách điện tử để giới hạn khả năng sao chép. Còn công nghệ watermarking là nhúng thông tin định danh vào tệp sách mà người đọc không thể dễ dàng nhận thấy.
Bên cạnh đó, còn có các công nghệ và phần mềm theo dõi và giám sát hoạt động trực tuyến của những trang web, diễn đàn vi phạm, công cụ tìm kiếm nội dung vi phạm, công nghệ blockchain...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận