29/06/2022 20:04 GMT+7

Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp Trung Quốc có thực lực đầu tư

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc đầu tư các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp Trung Quốc có thực lực đầu tư - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại hội nghị về hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông ngày 29-6 - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO

Vấn đề này được Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nêu trong Hội nghị lần thứ 8 kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc ngày 29-6.

Hội nghị theo hình thức trực tuyến, do Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Phó tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Vương Hy đồng chủ trì, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao phát cùng ngày.

Tại hội nghị, đại diện Việt Nam đề nghị tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" và "Quy hoạch vùng vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macau".

Theo ông Phạm Quang Hiệu, hai bên cần đẩy mạnh kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không để bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng, sản xuất giữa hai nước và khu vực, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, thương mại điện tử...

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp có thực lực của Quảng Đông, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Ông đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Đông tiếp tục tạo thuận lợi, mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hiệp hội Việt Nam dự các triển lãm thương mại quy mô lớn tổ chức tại Quảng Đông.

Về phần mình, Phó tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Vương Hy khẳng định Quảng Đông đặc biệt coi trọng việc tăng cường và phát triển quan hệ với các bộ, ngành, địa phương Việt Nam.

Theo ông Vương Hy, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực đang mang lại những cơ hội mới to lớn cho Quảng Đông và các địa phương Việt Nam. Quảng Đông sẵn sàng thúc đẩy giao lưu, hợp tác với các bộ ngành, địa phương Việt Nam trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch...

Quảng Đông là địa phương Trung Quốc có quy mô thương mại lớn nhất với Việt Nam. Bất chấp dịch COVID-19, kim ngạch song phương năm 2021 đạt 47,42 tỉ USD, tăng 16,2% và chiếm tỉ trọng hơn 1/4 tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc.

Vốn FDI đăng ký của doanh nghiệp Quảng Đông vào Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2020 đạt gần 2 tỉ USD.

Sáng kiến "Hai hành lang, Một vành đai" được đưa ra từ năm 2004, gồm hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ.

Trong khi đó "Quy hoạch vùng vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macau" mới ra đời năm 2019, phản ánh tham vọng của Trung Quốc trong việc kết nối và tận dụng sức mạnh của 11 thành phố và đặc khu trong vùng, tập trung vào Hong Kong, Thâm Quyến của Quảng Đông và Macau.

Nhiều loại trái cây sắp được xuất chính ngạch sang Mỹ, Nhật, Trung Quốc Nhiều loại trái cây sắp được xuất chính ngạch sang Mỹ, Nhật, Trung Quốc

TTO - Cục Bảo vệ thực vật đang nộp hồ sơ, đàm phán để mở cửa thị trường trái nhãn sang Nhật Bản, đưa bưởi, dừa sang Mỹ, sầu riêng, chanh leo sang Trung Quốc trong năm 2022.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên